NSND Thanh Hoa đau đáu với việc thanh toán thù lao quyền liên quan của ca sĩ

0:00 / 0:00
0:00
NSND Thanh Hoa và một số thành viên APPA. Đứng sau là ông Parl Inkee- đại diện Ủy ban Bản quyền Tác giả Hàn Quốc- Ảnh: N.M.Hà
NSND Thanh Hoa và một số thành viên APPA. Đứng sau là ông Parl Inkee- đại diện Ủy ban Bản quyền Tác giả Hàn Quốc- Ảnh: N.M.Hà
TPO - Hội Bảo vệ Quyền của Nghệ sĩ Biểu diễn Âm nhạc Việt Nam (APPA) vừa vượt qua nhiệm kỳ đầu tiên. Những đồng thù lao quyền liên quan đầu tiên đã được thu nhưng hội vẫn chưa thể phân phối vì thiếu cơ sở dữ liệu là các bản ghi. Và tỷ lệ hợp đồng ủy quyền trên tổng số thành viên vẫn dưới 10%. Có vẻ các ca sĩ vẫn chưa thực sự tin sẽ có ngày quyền liên quan của mình được thực thi?

Khái niệm quyền liên quan của ca sĩ hay được nhắc tới thời gian gần đây. Năm 2018, Mỹ Tâm quyết liệt đòi quyền liên quan của mình và riêng từ lĩnh vực nhạc chuông nhạc chờ, cô đã thu về gần 1 tỉ đồng.

Có thời điểm hit Em gái mưa của Hương Tràm ước tính thu về trăm triệu tiền quyền liên quan mỗi ngày. Nhưng vì cô không ủy quyền cho đơn vị có khả năng đòi nên số tiền đó bị bỏ phí.

THU CHƯA ĐỦ BÙ CHI

Năm năm trước, Việt Nam đã có APPA tổ chức đại diện tập thể quyền liên quan cho nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc do NSND Thanh Hoa sáng lập. Dù bắt đầu có những khoản thu đầu tiên như 90 triệu/năm từ VOV (đã thanh toán được 2 năm), hội vẫn chưa đủ tiền chi trả hoạt động tự thân. Sau nhiệm kỳ đầu, APPA “lỗ” hơn 280 triệu. Hiện chi phí hoạt động hội vẫn phải trông vào tài trợ của các tổ chức trong ngoài nước và “sự cống hiến” của các thành viên cốt cán.

Tuy nhiên có thể coi nhiệm kỳ vừa qua là thời gian học hỏi và lấy đà. Bởi tiềm năng quyền liên quan là rất lớn và APPA được sự hậu thuẫn của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nhiều tổ chức nước ngoài. Điều kiện đủ chỉ là sự quyết liệt của ban lãnh đạo và các thành viên nữa mà thôi.

NSND Thanh Hoa đau đáu với việc thanh toán thù lao quyền liên quan của ca sĩ ảnh 1

Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2 của APPA diễn ra tại tư gia của NSND Thanh Hoa- Ảnh: N.M.Hà

Sau các lần đàm phán với VTV, VOV, Đài PTTH Hà Nội, hiện VOV và Viettel đã sẵn sàng trả thù lao cho nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc qua APPA. Theo chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, ba tổ chức APPA, VCPMC và RIAV đã phối hợp hoạt động thu phí quyền tác giả và quyền liên quan vào một đầu mối do VCPMC đảm nhiệm. Hợp đồng sẽ sớm đưa vào thực hiện cuối năm nay. Tuy nhiên NSND Thanh Hoa cũng nói rõ, VCPMC chỉ thu hộ quyền liên quan với những tác phẩm họ đang được đại diện quyền tác giả. Các trường hợp khác, APPA vẫn tiến hành thực hiện độc lập.

Số hội viên APPA hiện là 945, trong đó 85 đã ký hợp đồng ủy quyền với hội. Song lại chưa hoàn tất thủ tục liệt kê và gửi bản thu âm làm cơ sở dữ liệu để tiến hành thu quyền liên quan. Điều này làm đang làm ban lãnh đạo APPA đau đầu.

Tại Đại hội nhiệm kỳ 2 vừa diễn ra quy mô hẹp và trực tuyến chiều 21/11 tại Hà Nội, NSND Thanh Hoa đã có những lời gan ruột với các hội viên sau khi tái đắc cử vị trí Chủ tịch: “Bao năm nay, các bạn chỉ đưa tờ giấy ký tên (hợp đồng), họ không biết các bạn hát bài gì, tôi không thể đòi được. Tôi muốn xây dựng một mái nhà chung ấm tình đoàn kết, sẻ chia nhưng nếu các bạn không chung tay, nó chỉ là ngôi nhà hoang...”

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đề nghị APPA đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu bản ghi. “Nếu không có sẽ vô cùng khó khăn trong việc bảo vệ quyền của hội viên”, bà Oanh nhấn mạnh. “BCH cần đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế tổ chức của hội gồm hoạt động nhận ủy quyền, đại diện quản lý cấp quyền, quy chế cấp phép… làm hành lang cơ sở pháp lý, bên cạnh điều lệ cần được xây dựng công khai minh bạch để các hội viên tin tưởng hơn ủy quyền cho hội”.

Ngoài quyền của nghệ sĩ biểu diễn, APPA còn bảo vệ quyền nhân thân, tức hình ảnh của nghệ sĩ. Đây cũng là vấn nạn các nghệ sĩ càng nổi tiếng càng hay phải đối mặt. Chuyện nghệ sĩ biểu diễn bị xúc phạm hay tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội diễn ra thường xuyên. Mới đây NSND Thu Hiền bị mạo danh trên YouTube, Facebook. Hay hình ảnh của NSƯT Tố Uyên bị thay bằng diễn viên Tố Uyên, năm sinh cũng bị đăng sai mà không biết kêu ai.

KHO NHẠC TRỰC TUYẾN “XỊN”

Trong tương lai, đông đảo công chúng có thể tiếp cận kho dữ liệu của APPA qua trang APPA Music- kênh phân phối nhạc trực tuyến chính thức và chính danh của các hội viên. Ngoài một số chức năng tương tự YouTube, APPA Music còn có góc vinh danh các nghệ sĩ có đóng góp lớn; mục truyền bá di sản âm nhạc truyền thống; mục giới thiệu các giọng ca từng đoạt giải cuộc thi Tôi yêu tiếng nước tôi

“Chúng tôi cố gắng hoàn thiện và đăng lên APPA Music tiểu sử của các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam từ khi lập nước. Đây sẽ là kênh biểu diễn, giao lưu trực tuyến của các nghệ sĩ với đông đảo khán giả”, NSND Thanh Hoa giới thiệu và cho biết: “Khán giả có thể vào đây tải nhạc bao gồm nhạc chuông nhạc chờ và trả quyền liên quan trực tiếp cho các nghệ sĩ mà không lo bị thất thoát”.

NSND Thanh Hoa đau đáu với việc thanh toán thù lao quyền liên quan của ca sĩ ảnh 2
BCH mới của APPA ra mắt sau Đại hội lần thứ 2 - Ảnh: N.M.Hà

APPA cũng đang nghiên cứu trang bị công cụ đếm lượt sử dụng bản ghi. Khi có đủ cơ sở và công cụ trong tay, số tiền APPA có thể thu về hứa hẹn không kém cạnh VCPMC.

Đơn cử hiện nay, nhiều siêu thị, hàng quán thường xuyên bật nhạc không lời. Các tác phẩm này hàm chứa quyền liên quan của các nhạc công cũng là đối tượng bảo vệ của APPA. Chưa kể hội còn đại diện cho nhiều nghệ sĩ nước ngoài.

“Tôi ước mong có một người tài giỏi đứng ra gánh vác nhiệm vụ Chủ tịch APPA, nhưng tôi chưa dứt ra được. Vì chưa kêu gọi được tình yêu thương sự chia sẻ của các nghệ sĩ nổi tiếng, chưa kêu gọi được sự đoàn kết, hy sinh mỗi người một chút cho ngôi nhà chung... nên tôi vẫn nấn ná. Tôi mong nếu tôi làm 5 năm nữa, các bạn hãy ủng hộ tôi, hãy vì cái chung. Các bạn trao trách nhiệm cho tôi các bạn cũng phải có trách nhiệm cung cấp bản ghi để xây dựng cơ sở dữ liệu APPA Music. Khó khăn đến mấy APPA cũng tìm ra phương án, lối đi để tạo nên một mái nhà ấm áp cho tất cả các nghệ sĩ biểu diễn”.

Chủ tịch, NSND Thanh Hoa nói với các hội viên APPA

Có ý kiến cho rằng chỉ cần đòi được thù lao tiền liên quan “thí điểm” cho một vài hội viên thì APPA khỏi phải lo phát triển hội viên vì các nghệ sĩ lúc đó sẽ tự tìm đến. Tuy nhiên sẽ có một “công cụ” khiến các đối tác, khách hàng phải chủ động liên hệ. “Để ổn định về tài chính, khoản bồi thường phát sóng phải là cơ sở và việc thu tiền phạt với các bên vi phạm là quan trọng nhất” - đây là quan điểm của ông Park Inkee, giám đốc vùng thường trú tại Việt Nam của Ủy ban Bản quyền Tác giả Hàn Quốc (KCC). “Muốn vậy, cần phải cải thiện hệ thống pháp luật, bên cạnh đó, cải thiện nhận thức về quyền tác giả ở cấp độ xã hội từ chính phủ, các chủ sở hữu bản quyền (quyền liên quan) tới công chúng”.

Ở Hàn Quốc, tổ chức tương tự APPA là Hiệp hội người biểu diễn âm nhạc Hàn Quốc (FKMP) chỉ tính riêng năm ngoái đã thu về khoảng 56,6 tỉ won tức hơn 1.081 tỉ đồng. Doanh thu này bao gồm tiền phí sử dụng, tiền bồi thường cùng một số khoản kinh doanh khác.

MỚI - NÓNG