Quanh lùm xùm tác quyền Giấc mơ trưa: Thêm nhiều nhạc sĩ, ca sĩ 'kêu cứu'

0:00 / 0:00
0:00
Các nhạc sĩ Doãn Nho, Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Văn Thao... trong buổi gặp gỡ với VCPMC sáng 9/11. Ảnh: NMH
Các nhạc sĩ Doãn Nho, Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Văn Thao... trong buổi gặp gỡ với VCPMC sáng 9/11. Ảnh: NMH
TP - Thêm nhiều nhạc sĩ là thành viên Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc (VCPMC) lên tiếng vì bị BH Media xác nhận quyền sở hữu tác phẩm mà không xin phép. Thậm chí “kho dữ liệu” của Hội Nhạc sĩ cũng bị xâm phạm. Một kênh YouTube nghiễm nhiên khai thác các sản phẩm của NSND Thu Hiền vài năm nay chính bà cũng không hay…

Liên quan tới bản ghi Giấc mơ trưa của Giáng Son, VCPMC vừa khẳng định việc nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh sử dụng tác phẩm và bản phối của Giáng Son chưa xin phép cũng là xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan.

Với tư cách tác giả phần lời của Giấc mơ trưa, Nguyễn Vĩnh Tiến cũng bị ảnh hưởng trong lùm xùm tác quyền quanh bài hát. Ngoài ra, anh còn bị xâm phạm quyền ở nhiều sáng tác khác. Cụ thể là 21 bài hát trong 2 album Giọt sương bay lên và Ngồi trên vách nắng cùng 6 bài nữa trong các album chung với nhóm nhạc sĩ M6.

Hai album riêng của Nguyễn Vĩnh Tiến do tác giả hợp tác với Hồ Gươm Audio để thực hiện. Cụ thể Hồ Gươm ứng trước cho Nguyễn Vĩnh Tiến tiền sản xuất bản ghi. Sau khi bán hết 4.000 bản cho một album, Nguyễn Vĩnh Tiến mới được chia lợi nhuận là 25%. Số tiền Hồ Gươm ứng cho Nguyễn Vĩnh Tiến sẽ được trừ vào 25% đó.

Quanh lùm xùm tác quyền Giấc mơ trưa: Thêm nhiều nhạc sĩ, ca sĩ 'kêu cứu' ảnh 1

VCPMC cho hay sẽ có buổi làm việc chính thức với BH Media sáng nay, 10/11

Như vậy Nguyễn Vĩnh Tiến khẳng định anh vẫn nắm “quyền sản xuất” vì rút cuộc chính anh vẫn là người chi trả. Do đó theo anh Hồ Gươm không có quyền liên quan gì ở đây để được phép ủy quyền cho bên thứ ba kinh doanh.

Anh còn cho biết: “Trên các nền tảng như Spotify có nhiều tác phẩm của tôi do Ngọc Khuê, Tùng Dương và một số ca sĩ khác trình bày mà chưa hề xin phép. Tùng Dương xin phép sử dụng tác phẩm của tôi để biểu diễn thì tôi đồng ý nhưng nếu muốn sản xuất video, kinh doanh bản ghi thì phải xin phép tôi hoặc thông qua VCPMC để thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả”.

Nguyễn Vĩnh Tiến cho hay đĩa của anh được Hồ Gươm Audio phát hành từ 2007 nhưng tới 2012 anh yêu cầu Hồ Gươm quyết toán thì vẫn chỉ nhận được câu trả lời miệng chung chung là “album khó bán lắm”?! Năm ngoái, Nguyễn Vĩnh Tiến đầu tư sản xuất liveshow Tiền duyên hết gần 2 tỷ đồng. Nhưng khi anh đưa chương trình lên YouTube lại bị hệ thống rà soát tự động xác nhận sở hữu 2 đoạn thuộc hai bài Giấc mơ dai dẳng và Giọt sương bay lên. Kết quả, show diễn không thể đăng tải toàn bộ.

Với trường hợp của Nguyễn Vĩnh Tiến và Hồ Gươm Audio, VCPMC đề nghị tác giả cung cấp hợp đồng giữa hai bên để có căn cứ tiến hành bảo vệ quyền tác giả. Với các nền tảng như Spotify hay Google, VCPMC đã có hợp đồng về việc sử dụng quyền tác giả và tiền phân phối hàng quý tới tác giả có thể đã bao gồm tác quyền từ các nền tảng này. Trung tâm cũng đề nghị tác giả thống kê các bản ghi tự sản xuất để tiếp tục làm việc với các nền tảng. Trung tâm khẳng định sẽ làm việc với các kênh của các ca sĩ đăng tải bài của Nguyễn Vĩnh Tiến chưa xin phép.

Nhóm M6 mà Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son là thành viên khẳng định cũng bị Hồ Gươm vượt quyền theo cách tương tự. Nhạc sĩ Ngô Tự Lập, trưởng nhóm viết đơn kiến nghị và ủy quyền VCPMC giải quyết vụ việc xâm phạm bản quyền của nhóm. Cụ thể khi các thành viên M6 đăng tải lên YouTube các ca khúc trong 3 album nhóm tự bỏ tiền sản xuất, Hồ Gươm phát hành thì đều bị BH Media nhận là chủ sở hữu bản quyền.

“Chúng tôi không hề ủy quyền cho bất kỳ ai ngoài VCPMC, cũng không hề chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến bản ghi âm, ghi hình cho bất cứ ai”, Ngô Tự Lập khẳng định. M6 ủy quyền cho VCPMC yêu cầu BH dừng ngay việc tự nhận là chủ sở hữu quyền tác phẩm và phải công khai xin lỗi. Nhóm cũng yêu cầu Google giải thích về việc xác nhận sai chủ sở hữu bản quyền cũng như việc cho phép BH “tự nhận một cách sai trái” bản quyền đối với tác phẩm thuộc sở hữu của nhóm.

“Xu hướng thế giới là gộp luôn quyền tác giả và quyền liên quan trong cùng một tổ chức để dễ giải quyết. Lúc anh Phó Đức Phương còn làm Tổng giám đốc, ba bên VCPMC, RIAV (Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam) và APPA đã ngồi lại thống nhất đi đến văn bản ủy quyền cho VCPMC thay mặt đàm phán. Như vậy nghiễm nhiên hai quyền là quyền liên quan và quyền biểu diễn đã được ủy quyền cho VCPMC. Chúng tôi đã triển khai các phương án về kỹ thuật, về pháp chế… để tiến hành thực thi nhưng do tình hình dịch bệnh hai năm vừa qua chưa thể triển khai. Chúng tôi sẽ sớm hòa vào lộ trình thế giới đang đi”.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC

VCPMC còn công bố 76 album tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất cho các thành viên cũng đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube. VCPMC khẳng định 100% quyền tác giả và quyền liên quan của loạt album này thuộc về các tác giả.

Trung tâm sẽ tiến hành xử lý hành vi xâm phạm này theo đúng quy định của pháp luật, cần thiết sẽ khởi kiện. “Toàn bộ kho dữ liệu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bị BH Media xác nhận quyền. Chúng tôi cần hành động khẩn cấp chấm dứt ngay hành vi này”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn Tổng giám đốc VCPMC khẳng định.

NSND Thu Hiền bị mạo danh?

NSND Thu Hiền mới đây cũng tá hỏa khi gia đình phát hiện ra bà có cả Facebook và kênh YouTube riêng. “Từ xưa đến nay tôi sống có cần mạng đâu. Nghe, nói chỉ có một cục gạch (điện thoại) này thôi”, bà cho hay.

Trước việc bỗng nhiên có một kênh YouTube tự ý lấy tên mình đăng tải các bài hát trong đó có những bài đã đạt hàng triệu lượt xem, bà phát biểu: “Ngày xưa được hát, được phục vụ là tốt, nhưng bây giờ khác. Sang thế kỷ này rồi, sức lao động của con người cần được coi trọng. Chúng ta sống trong một chế độ có pháp luật, tại sao bây giờ cứ lấy bài của tôi? Con cháu đưa bài của tôi lên thì bị cấm, bảo là vi phạm bản quyền. Mình hát, bản quyền nào?! Mình chả được đồng nào. Tôi thấy nó vô lý”.

NSND Thu Hiền cho biết trước đây bà hợp tác làm đĩa cùng Hãng phim Trẻ là nhiều nhất, nhưng về sau hãng này bán các bản ghi của bà cho BH Media cũng không có thỏa thuận gì với bà. “Mặc dù ngày xưa có những đĩa tôi thu đâu có lấy tiền, bán được bao nhiêu tiền thì chia thôi, nhưng giờ họ bán hết lên YouTube. Xong con tôi truy ra là do BH Media. Thôi thì vì cuộc sống các bạn làm gì cũng được, nhưng phải có thỏa thuận và trên cơ sở pháp lý”.

Điều khiến NSND Thu Hiền bức xúc nhất là kênh YouTube nọ đã mạo danh bà để trả lời người hâm mộ. “Điều đấy tôi không đồng ý một chút nào. Kể cả trả lời báo chí tôi đã rất tránh, vì tôi không thích khai thác đời tư”, NSND Thu Hiền nói.

Mặc dù là thành viên của APPA (Hội Bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam) nhưng NSND Thu Hiền đã ủy quyền cho con gái giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến những bản ghi bị khai thác không xin phép. Khi bị phía NSND Thu Hiền phản đối, kênh YouTube nói trên hiện đã đổi tên, thay ảnh đại diện nhưng nội dung vẫn như cũ.

MỚI - NÓNG