Ở tuổi 70, “Người đàn bà hát” có hài lòng với cuộc sống hiện tại?
Năm 2005, Thanh Hoa về hưu. Có lẽ hai từ “về hưu” đối với đa số người thường để lại sự hẫng hụt nhưng với Thanh Hoa thì nó lại là cả một bước ngoặt thú vị. Bởi sau hơn nửa thập kỉ ca hát, đến bây giờ mới cảm nhận được cuộc sống ý nghĩa vì tuổi trẻ đều đã để dành cho sân khấu và đam mê ca hát.
Còn về cuộc sống riêng thì Thanh Hoa tự nhận nó khá hoàn thiện khi có một khu vườn bao quanh nhà với 12 thứ quả đều đã cho trái như mít, chuối, ổi, na, táo, xoài, vú sữa, roi, mận,…ôi thôi kể ra thì còn nhiều lắm; Đấy là những cái mà vợ chồng Thanh Hoa trang bị cho cuộc sống về già của mình.
Thanh Hoa cũng thỏa mãn với phong cách sống của gia đình mình, nó như 1 xã hội thu nhỏ lại, trong đó có nhân quyền, sự tôn trọng, không áp đặt. Điều đó thể hiện cả ở việc mỗi phòng trong nhà sẽ được thiết kế theo gu thẩm mỹ của từng cá nhân chứ không nhất thiết phải như thế này, như thế kia cho đồng bộ.
Nói thật muốn làm gì thì làm, cứ phải có cuộc sống riêng hoàn thiện thì mới gánh vác được trách nhiệm xã hội vì khi không yên tâm về gia đình thì sẽ khó lòng chú tâm cho việc thiên hạ được.
Sự tôn trọng, không áp đặt trong gia đình là điều dễ thấy nhưng nói đến từ nhân quyền thì nghe chừng hơi vĩ mô, NSND Thanh Hoa có thể chia sẻ cụ thể hơn chứ?
Ý là tôi đang nói đến con dâu, tôi chỉ nghĩ rằng khi cô bé ấy ở nhà thì được bố mẹ yêu thương, nuông chiều bởi con gái là viên ngọc của mỗi gia đình. Khi được gả sang nhà mình, gia đình họ sẽ lo con gái không biết sống như thế nào nơi “đất khách quê người”- nghe thì hơi quá nhưng nếu hiểu rộng ra thì đúng là như thế.
Do đó mình phải có trách nhiệm cảm thông và chia sẻ những lo lắng của gia đình con dâu bởi con gái họ vì yêu con mình mới đến nhà mình bằng cách mở rộng lòng coi đứa con dâu ấy như là con gái cũng như trân trọng và thương yêu con dâu thật sự.
NSND Thanh Hoa không có một điều nào phải lắng lo trong cuộc sống hiện tại?
Cái cam go nhất có chăng là vấn đề kinh tế (cười) bởi mức lương hưu hiện tại của tôi và chồng (cựu nghệ sĩ xiếc Tôn Thất Lợi) bây giờ cũng chỉ đủ trả tiền điện, tiền cho người giúp việc đến chăm vườn, tưới cây thôi. Với cái tuổi của Thanh Hoa, nhiều người cứ nói hát một bài được bao nhiêu tiền thì lo gì nhưng mà thực sự là họ không hiểu hết về nghệ sĩ rồi.
Việc mà hát 1 bài ra bao nhiêu tiền chỉ có thể là vài bài báo giật tít để lăng xê cho một số ngôi sao trẻ. Hoặc là hát 1 bài có thể sống được bao nhiêu lâu thì có nghĩa là nó chỉ đúng với giai đoạn của vài nghệ sĩ đặc biệt thôi. Còn nghệ sĩ bây giờ cuộc sống đâu được vậy, cứ nghĩ xem đoàn cải lương, đoàn chèo, đoàn kịch, rồi các gánh xiếc cũng đang rất vất vả vì chỉ diễn cho trẻ con xem trong một số dịp, nhất là đoàn nghệ thuật của các tỉnh lại càng chật vật hơn.
Tính đến nay, cả nước có hơn 15.000 nghệ sĩ đang hoạt động kể cả các ca sĩ chuyên và không chuyên. Có đôi khi hát cả 1 đêm mới được 500 – 700 nghìn đồng, rồi trừ tiền ăn, tiền thuê quần áo, trang điểm thì cũng chả giữ lại được mấy. Thanh Hoa không có ý kể nghèo kể khổ nhưng cho rằng không thể đánh đồng là làm nghệ sĩ thì có cuộc sống sung túc đâu, đặc biệt là giữa đại dịch COVID-19 này, các nghệ sĩ rất khan hiếm công việc do đó thu nhập thật sự bấp bênh.
Đấy là về cuộc sống riêng, thế còn “việc thiên hạ” ở tuổi này của NSND Thanh Hoa?
Hiện nay Thanh Hoa đang là chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) và mặc dù là đã bước sang năm thứ tư nhưng Thanh Hoa vẫn cảm thấy mình chưa làm tròn cái trách nhiệm của người đứng đầu, âu cũng là vì còn nhiều cái không thể kể ra được.
Thế NSND Thanh Hoa cho rằng vì đâu còn những cái không thể kể ra được?
Nói thật, Thanh Hoa thấy các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc ở Việt Nam rất thiệt thòi. Có lẽ 60 năm sau khi tất cả các hội kể cả hội người mù ra đời hết và được nhà nước cung cấp kinh phí hoạt động thì hội của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam mới được ra đời mặc dù có nhiều hội viên nhất nếu tập hợp đầy đủ. Họ có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội vì thu hút sự quan tâm, chú ý của giới trẻ - thế hệ tương lai của mỗi đất nước.
Do đó khi được Chính phủ và các ban ngành liên quan đồng ý cho thành lập APPA và hoạt động được gần 4 năm nhưng Thanh Hoa vẫn cảm thấy khá bất lực. Vì đây vẫn chỉ là hội phi chính phủ nên hoạt động bị hạn chế rất nhiều mà đối với nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc – những người có cái tôi rất lớn, nhiều khi họ thấy không cần thiết phải chịu sự ràng buộc của một hội không có kinh phí hoạt động mà hội viên thì chưa hiểu hết được tầm quan trọng của tiếng nói chung trong nghề nghiệp.
Họ thường cho rằng để trở thành 1 ngôi sao sáng thì phải có chất riêng và khi tồn tại nhiều chất riêng như thế sẽ dẫn đến việc các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc không tìm được tiếng nói chung, không có sự gắn kết với nhau và sẽ không tạo được sức mạnh tập thể cho APPA.
Một số bạn trẻ bây giờ đôi khi hát được một bài thị trường hot đã lầm tưởng mình là nghệ sĩ cỡ lớn trong khi chưa thấm nhuần ý thức xã hội, không hiểu được vị trí của mình trong cộng đồng nghề nghiệp và khán giả. Đó là một vấn đề đại nan giải.
Đấy là một vấn đề, còn có vấn đề thứ hai, thứ ba nữa không thưa NSND Thanh Hoa?
Đó là câu chuyện về ý thức của người nghe nhạc Việt Nam. Trên thế giới, có những nước họ đã thu tiền liên quan đến việc thưởng thức âm nhạc tới 120 năm, 80 năm hay bét ra cũng đã 30 năm rồi nhưng ở Việt Nam thì chưa. Khán giả vẫn chưa hình thành ý thức nghe nhạc là phải trả tiền cho người hát. Chỉ có bản quyền của tác giả sáng tác âm nhạc thì anh Phó Đức Phương đã làm được.
Nhưng đối với quyền tác giả thì chắc chắn mọi người đều phải hiểu là, tác giả chỉ là người viết ra 1 bản nhạc nhưng nếu không có người đánh đàn, không có người hát thì làm sao đưa bài hát ấy đến với công chúng và nổi tiếng được. Do đó, 1 sản phẩm âm nhạc phải có 3 quyền gồm quyền tác giả, 2 quyền liên quan là quyền của nghệ sĩ thực hiện biểu diễn âm nhạc và quyền của thu âm, thu thanh, phối âm, phối khí,…
Trong khi đó hiện nay, mọi người chỉ trả quyền cho tác giả thôi, còn hai quyền liên quan người ta dường như không chú ý. Mà một người trồng rau, 1 mùa có thể bán được rất nhiều mớ nhưng người ca sĩ, có khi cả đời chỉ hát được 1 bài thôi…mà hát được 1 bài để phục vụ khán giả cả đời cũng là quý lắm rồi. Do đó chúng ta phải tôn trọng, trân trọng và trả quyền lợi xứng đáng cho họ. Tuy nhiên, 60 năm qua, những người biểu diễn âm nhạc Việt Nam vẫn chịu thiệt thòi.
Vậy xin mạn phép nửa thật nửa đùa hỏi rằng NSND Thanh Hoa đã thu được quyền lợi từ những bài hát mình đã biểu diễn chưa? điển hình như là “Tàu anh qua núi” chẳng hạn?
Cũng chẳng cần hỏi đùa hay thật gì ở đây vì nghiêm túc mà nói tôi chưa thu được 1 giọt tiền nào từ “Tàu anh qua núi” dù đã hát không biết bao nhiêu vạn lần. Nên nếu nói về quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam thì là cả một trường vấn đề bức xúc.
Còn nói thẳng ra thì là cả 1 sự đau lòng về việc hiểu biết, về cái ý thức của người nghe, nhất là những người hô hào yêu âm nhạc, yêu nghệ sĩ nhưng cuối cùng cũng chỉ vỗ tay là xong. Họ mặc định cho rằng âm nhạc là phục vụ thôi sao phải trả tiền. Trong khi đó nhiều người sẵn sàng bỏ bạc triệu ra để xem 1 ca sĩ nước ngoài về biểu diễn, nghe cũng thấy cay cay nơi khóe mắt và chút tủi thân trong lòng...