Một lớp học của trường dạy tiếng Việt Lạc Long Quân của người Việt Nam ở Ba Lan |
Tháng 9/2019, tôi tham gia tổ chức và chấm cuộc thi hát “Tôi yêu tiếng nước tôi” dành cho người Việt Nam sống ở nước ngoài trên toàn thế giới. Cuộc thi được tổ chức tại Khách sạn Sangate (mà người Việt đồng sở hữu) ở Thủ đô Warszawa của Ba Lan. Ban Tổ chức gồm các đơn vị Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam APPA, Hội người Việt Nam tại Ba Lan, báo Tiền Phong. Các đơn vị phối hợp: VTV 2 và Công ty CP Tiền Phong.
Hai thí sinh từ Đức (trái) và Hungary ở phần thi hát dân ca của cuộc thi hát “Tôi yêu tiếng nước tôi”. |
Cùng ca sĩ, NSND Thanh Hoa - Trưởng Ban Tổ chức, Nhạc sĩ, NSND Đặng Hùng - Trưởng Ban Giám khảo, ca sĩ Việt Hoàn - thành viên BGK và bầu đoàn BTC, BGK từ Việt Nam đổ bộ xuống sân bay Warszawa, tôi thấy một người đàn ông có dễ đã ngoài 60 chờ đón. Dẫn đoàn ra, ông nhanh nhẹn chất đống va ly lên mấy chiếc xe đẩy lớn rồi tự mình giành đẩy chiếc chất cao nhất. Khi di chuyển không còn nhìn thấy đường nên ông cứ phải nghiêng người ra từ sau núi va ly để quan sát phía trước.
Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Ba Lan Lê Xuân Lâm (bên phải) và Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Lê Hùng |
Ra đến xe, ông lại chất đống va ly ấy lên xe rồi ngồi vào sau tay lái. Về đến nơi, gặp mấy anh chị trong lãnh đạo Hội người Việt ở Ba Lan, tôi áy náy nói về việc người lái xe cao tuổi mà hăng hái, vất vả quá, các anh chị cười nói: Không phải lái xe đâu, đó là anh Lê Xuân Lâm - Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan, Tổng Biên tập báo Quê Việt của cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Tính anh ấy ham việc, không nề hà gì, xốc vác thế đấy. Thực sự là một người vác tù và hàng tổng.
“Tôi yêu tiếng nước tôi” là cuộc thi hát của người Việt đang sống ở rất nhiều nước trên thế giới trước đó đã được tổ chức một đôi lần. Lần này, Ban lãnh đạo Hội người Việt tại Ba Lan, trong đó có anh Lâm đã nhận đăng cai cuộc thi ở Warszawa và phải nói là các anh chị đã làm mọi điều có thể để cuộc thi thành công. Tôi đã gặp ở đây và trong vài ngày đã kịp cảm phục, quý mến sự nhiệt tình, chu đáo và tận tâm ngoài của anh Lâm ra thì còn của Chủ tịch Trần Anh Tuấn, các Phó Chủ tịch Trần Trọng Hùng, Nguyễn Việt Triều, Nguyễn Lê Hùng của Hội người Việt Nam tại Ba Lan. Đó là tấm lòng của các anh chị đối với quê hương, đất nước, với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, cũng là tấm lòng với văn hoá Việt và Tiếng Việt.
Tên của cuộc thi là “Tôi yêu tiếng nước tôi”. Xa xứ, một trong những cách thức để làm dịu nỗi nhớ quê hương và bảo tồn tiếng nói của người Việt ở hải ngoại là hát. Có lẽ vì thế mà tuy chất giọng của các thí sinh có mạnh yếu khác nhau nhưng nghe họ có cái chất khác lạ so với khi nghe những giọng ca trong nước. Khi xong phần thi dân ca, NSND Thanh Hoa thốt lên: “Ít có cuộc thi hát dân ca trong nước có được chất cảm động như thế này! Có thể vì các bạn thí sinh sống bên này, luôn da diết nhớ về quê cha đất tổ nên hát dân ca mới da diết, xúc động, hay đến thế”.
Ca sĩ Việt Hoàn chắc cũng dạt dào cảm xúc nên cùng ngồi với anh ở Ban Giám khảo, tôi liếc qua tờ chấm điểm của anh thấy đa phần là trên 9, trong đó số điểm 9,5 khá nhiều.
Một nhóm thí sinh cuộc thi hát "Tôi yêu tiếng nước tôi" |
Có lẽ thi hát thì ngoài giao lưu và thi thố tài năng còn là phương thức bảo tồn văn hoá Việt và tiếng Việt trong cộng đồng rất hiệu quả. Trong các thí sinh có chị Nguyễn Thị Kim Liên đến từ Thái Lan và Nguyễn Tố Cầu (một cô gái có một nửa trong mình là dòng cháu châu Âu) từ Hà Lan khi nói bình thường thì có một số âm sắc lơ lớ nhưng khi hát thì hoàn toàn sõi. Trần Lê Na sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học Luật trong nước xong sang định cư ở Ba Lan, một trong những thí sinh đoạt huy chương vàng của cuộc thi chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình rất may mắn, hạnh phúc và tự hào khi được tham gia cuộc thi hát “Tôi yêu tiếng nước tôi”. Tôi được hát, được diễn với tất cả đam mê, quan trọng hơn nữa là được chung tay cùng cộng đồng, cùng các anh chị em thí sinh góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Việt, tiếng hát Việt trên toàn thế giới, nhất là tới thế hệ con em chúng ta mai sau”.
Người dẫn chương trình Hội thảo quốc tế trực tuyến “Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” từ Ba Lan ngày 27/6/2021 |
Cái không khí cảm động của cuộc thi đã dẫn đến bài phát biểu bế mạc không được chuẩn bị trước của tôi. Số là đêm giao lưu ca nhạc tổng kết cuộc thi diễn ra được khoảng hai phần ba thì NSND Thanh Hoa - trưởng BTC ghé tai tôi nói: “Chị phải phát biểu cuối cùng nhưng chị sợ lên đó đứng khóc lắm. Em là phó lên phát biểu thay chị nhé”.
Tôi thực sự không nhớ rành rẽ hết mình đã nói những gì trong bài phát biểu ứng khẩu để khép lại cuộc thi đó. Có lẽ tôi đã nói rằng tiếng nói là một trong những điều góp phần phân biệt chúng ta với các dân tộc khác. Có lẽ tôi đã nói về nỗi buồn của những bậc ông bà khi cháu chắt thế hệ F1, F2, F3 ở nước ngoài về đã không còn trò chuyện được với người ruột thịt ở quê hương. Có lẽ tôi đã kể về trường hợp Teresa Sam - thí sinh về từ Anh quốc, một trong những cô gái đẹp nhất mà tôi từng thấy trong các cuộc thi hoa hậu mà báo Tiền Phong tổ chức đã bật khóc nức lên trên sân khấu đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất vì không thể trả lời được bằng tiếng Việt câu hỏi ở phần thi ứng xử.
Có thể tôi đã nói vài điều khác nữa, nhưng chắc chắn là tôi có đọc những câu thơ Huy Cận: “Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời/ Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi/ Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con”. Tôi cũng đọc cả những câu trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ: “Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời” rồi “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt giữa đêm khuya?” và “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/ Quên nỗi mình quên áo mặc, cơm ăn/ Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá/ Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình”.
Chị Bình Minh Herbst (trái) - người đồng sáng lập và Giám đốc nghệ thuật của A.MUSE – Interractive Design Studio, giảng viên Đại học Mỹ thuật Essen, Đức |
Chắc chắn tôi cũng đã liều hát một đoạn trong bài “Tình ca” của Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi! Tiếng ru muôn đời/ Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/ Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi/ Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/ Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi”.
Tôi là người hát dở nhất cuộc thi năm đó, nhưng sau có nhiều người tham dự chia sẻ rằng thích phần phát biểu của tôi.
"Tiếng ta còn thì nước ta còn" - Học giả Phạm Quỳnh
Từ đó đến nay, tôi vẫn giữ mối liên hệ với vài anh chị trong ban lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Ba Lan. Tôi quý họ vì sự nhiệt tình, vì chiều sâu văn hoá và tấm lòng với tiếng mẹ đẻ mà họ đã thể hiện khi chung tay tổ chức cuộc thi. Và tôi cứ tiếc là đã không có đủ thời gian để đến thăm trường dạy tiếng Việt Lạc Long Quân của anh Lê Xuân Lâm. Thế rồi tháng 6/2021 vừa qua, tôi nhận được tin nhắn của anh Lâm từ Ba Lan với tư cách Trưởng Ban Tổ chức mời tôi tham dự Hội thảo quốc tế “Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” do trường dạy tiếng Việt của anh phối hợp với Hội người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Thiết kế một sản phẩm dạy tiếng Việt cho trẻ nhỏ của Horami |
Đúng ngày giờ hẹn, tôi vào địa chỉ mà anh đã gửi cho và kinh ngạc thấy là một hội thảo trực tuyến quy mô có đến hơn 100 đại biểu từ gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới dự. Dự kiến tổ chức trong 3 tiếng đồng hồ nhưng rốt cuộc hội thảo trở thành ma ra tông tới 7 tiếng và trong số 40 tham luận đăng ký thì có 24 được trình bày tại chỗ. Những mối quan tâm, những nỗi niềm đau đáu lo rồi lớp con cháu của những người xa xứ mù tiếng nói của cha ông. Những khó khăn, những nỗ lực, những sáng tạo kiên trì trong việc duy trì dạy tiếng Việt ở hải ngoại.
Ý kiến, tham luận nào cũng rất đáng quý nhưng tôi chú ý nhất là các phát biểu, tham luận từ hai trung tâm Đức và Ba Lan.
NSND Thanh Hoa thốt lên: “Ít có cuộc thi hát dân ca trong nước có được chất cảm động như thế này! Có thể vì các bạn thí sinh sống bên này, luôn da diết nhớ về quê cha đất tổ nên hát dân ca mới da diết, xúc động, hay đến thế”.
Từ Đức, hai phụ nữ trẻ xinh đẹp giới thiệu các chương trình dạy tiếng Việt qua các sản phẩm song ngữ, clip và ứng dụng âm nhạc tương tác của Nhà xuất bản Song ngữ Đức - Việt Horami. Đó là các chị Hạnh Nguyễn-Schwanke, người sáng lập NXB Horami (từ năm 2014), đồng sáng lập và giám đốc Học viện Horami Academy (từ 2020, chuyên dạy tiếng Việt qua các ứng dụng công nghệ quy mô toàn cầu) và Bình Minh Herbst, người đồng sáng lập và Giám đốc nghệ thuật của A.MUSE - Interractive Design Studio, giảng viên Đại học Mỹ thuật Essen, Đức. Phải yêu quê cha đất tổ và giàu sáng tạo lắm mới cho ra được bằng ấy sản phẩm giúp dạy tiếng Việt sinh động, trực quan, ngộ nghĩnh, hấp dẫn với trẻ em như các thẻ bài hát, ứng dụng âm nhạc học và chơi để học tiếng Việt, từ điển trực quan qua hình vẽ, các trò chơi video tương tác, trại hè trực tuyến...
Chị Hạnh Nguyễn-Schwanke, người sáng lập NXB Horami (từ năm 2014), đồng sáng lập và giám đốc Học viện Horami Academy (từ 2020, chuyên dạy tiếng Việt qua các ứng dụng công nghệ quy mô toàn cầu) |
Còn từ Ba Lan, anh Lê Xuân Lâm và một vài thầy ở Trường dạy tiếng Việt Lạc Long Quân đã trình bày những kinh nghiệm và phương pháp dạy tiếng Việt hiệu quả, phù hợp với điều kiện giáo viên hầu hết tay ngang và đặc biệt là học sinh ở trên địa bàn quá rộng, chỉ có thể học vào ngày nghỉ và có rất ít thời gian. Đó chính là những bí quyết để cho trường vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển sau 22 năm thành lập. Không những thế còn mở ra được một vài chi nhánh và thu nạp cả học sinh học tiếng Việt từ các nước khác. Có lẽ đây là mô hình thành công nhất trong các trường dạy tiếng Việt của các cộng đồng người Việt ở nước ngoài?
Thiết kế một sản phẩm dạy tiếng Việt cho trẻ qua bài hát dân ca của Horami |
Nghe xong hội thảo trực tuyến về dạy tiếng Việt cho con cháu của những người Việt xa xứ ấy, tôi đâm càng vương vấn tợn và cứ nghĩ về anh Lâm, về hàng trăm, hàng nghìn anh chị người Việt khác ở hải ngoại đang lo nghĩ cách truyền lại cho con cháu tiếng nói của cha ông, tinh thần cùng hồn cốt của dân tộc. Và cảm sâu hơn câu nổi tiếng ngót trăm năm trước của học giả Phạm Quỳnh: Tiếng ta còn thì nước ta còn.