NSND Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941 tại Đồng Tháp. Là con của thầy đờn Ba Diệp, cậu bé Thuấn sớm được tiếp xúc với nghệ thuật cải lương, thường theo cha đi theo đoàn hát Tam Phụng, ngồi sau cánh gà xem các nghệ sĩ biểu diễn. Cha không muốn cậu bé Thuấn theo nghiệp hát nhưng vì quá ham thích, cậu đã nhờ những nghệ sĩ trong đoàn dạy nghề.
Năm 1950, cha bệnh nặng phải về quê chữa trị rồi qua đời, cậu bé Thuấn chịu tang cha một thời gian rồi lên Sài Gòn theo nghề hát. Thương cậu bé mồ côi, dù còn nhỏ tuổi nhưng nhiều ông bầu cũng nhận cậu bé vô đoàn, giao cho các vai phụ. Mãi tới khi soạn giả Nguyễn Huỳnh - một người bạn của cha đứng ra nhận chăm lo và đưa Thuấn về đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ, Thuấn mới được nhận vai chính trong vở Chiếc nhẫn kim cương. Cũng chính soạn giả Nguyễn Huỳnh đã đặt nghệ danh cho Thuấn là Diệp Lang (con của ông ba Diệp).
NSND Diệp Lang. |
Trong một lần trả lời báo chí, NSND Diệp Lang cho biết gia nhập đoàn hát Hoài Dung - Hoài Mỹ là bước ngoặt trong sự nghiệp sân khấu của Thuấn. Từ vai diễn trong Chiếc nhẫn kim dương, cái tên Diệp Lang bắt đầu được mọi người biết đến.
Báo chí thời bấy giờ đều nhắc đến nghệ sĩ trẻ Diệp Lang như một gương mặt triển vọng. Nhiều đoàn hát đã mời Diệp Lang về cộng tác. “Tuy nhiên, khi sự nghiệp bắt đầu phát triển, tôi vô cùng đau khổ khi phát hiện ra mình bị vỡ giọng, không còn hy vọng trở thành kép chính. Từ kép ca, tôi xoay qua diễn thử kép độc. Lúc đó không ai dạy tôi cả. Tôi tự mình đọc thật nhiều sách và xem phim ảnh để tìm tính cách từng nhân vật” - NSND Diệp Lang kể lại.
Năm 1962, Diệp Lang được soạn giả nổi tiếng Thu An giao đóng vai người cha già trong vở Người anh khác mẹ. Khi đó Diệp Lang mới 21 tuổi nhưng phải vào vai một ông già hơn 70 tuổi. Nhờ những kiến thức tự tìm hiểu, Diệp Lang đã vào vai "khá ngọt", hóa thân thành một ông già khắc khổ, gia trưởng. Vai diễn này đã mang lại cho Diệp Lang giải thưởng Thanh Tâm vào năm 1963. Đây cũng là năm đầu tiên, giải thưởng danh giá này được trao cho một vai diễn là kép độc.
Diệp Lang nhận giải thưởng Thanh tâm vào năm 1963. |
Sau ngày đất nước thống nhất, Diệp Lang gia nhập đoàn Cải lương Sài Gòn 2 vốn được coi là đoàn Cải lương mặt trận, quy tụ nhiều ngôi sao như Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Mỹ Châu, Giang Châu, Văn Chung, Hà Mỹ Xuân, Ngọc Bích… Vở diễn đầu tiên của đoàn Sài Gòn 2 mang tên Tìm lại cuộc đời đã gây tiếng vang không chỉ với người yêu cải lương mà còn với cả những người yêu điện ảnh. Vở diễn này được quay phim lại rồi trình chiếu khắp cả nước như một bộ phim điện ảnh.
Đoàn Sài Gòn 2 còn ra mắt nhiều vở cải lương cách mạng khác như Tiếng hò sông Hậu, Tiếng sóng Rạch Gầm, Tâm sự Ngọc Hân... NSND Diệp Lang từng kể, ngày đó đoàn Sài Gòn 2 không chỉ hát ở các rạp tại TPHCM mà còn đi tới vùng sâu, vùng xa, thậm chí còn ra những điểm nóng của chiến trường để phục vụ các chiến sĩ đang đóng quân tại mặt trận.
NSND Diệp Lang không chỉ tham gia các vai diễn mà còn tổ chức quản lý, làm đạo diễn nhiều vở cải lương. Năm 1984, lần đầu tiên TPHCM tổ chức cho đoàn nghệ sĩ cải lương đi lưu diễn tại châu Âu với vở diễn Đời cô Lựu. Trong danh sách tham gia đoàn hầu hết đều là những tên tuổi gạo cội của sân khấu cải lương khi đó như Thanh Tòng, Thành Được, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thuỷ, Ngọc Giàu, Bảo Quốc…
Đang lưu diễn thì một sự cố nghiêm trọng xảy ra. Tại Đức, một nhóm Việt kiều quá khích đã tổ chức bắt cóc các nghệ sĩ. Có 3 nghệ sĩ là Thành Được, Bạch Tuyết và Lệ Thuỷ đã bị bắt nhưng sau đó Bạch Tuyết và Lệ Thuỷ may mắn thoát ra, chỉ có Thành Được mất tích.
Cả đoàn bị khủng hoảng bởi vai diễn của Thành Được là vai nam chính. Thiếu vai này, vở diễn sẽ không thể diễn ra.
NSND Bạch Tuyết nhớ lại: NSND Diệp Lang với vai trò đạo diễn đã đề nghị cho nghệ sĩ Thanh Tòng thế vai của Thành Được. Vai diễn cũ của Thanh Tòng, Diệp Lang lại giao một bác sĩ yêu thích cải lương đảm nhận.
NSND Bạch Tuyết và NSND Diệp lang trong "Đời cô Lựu". |
“Sau vụ bắt cóc, cả đoàn chúng tôi phải di chuyển liên tục, đổi chỗ ở thường xuyên. Anh Thanh Tòng phải học thoại, học diễn ngay trên xe buýt. Và, may mắn cho chúng tôi, chỉ vài ngày nhận vai, anh Thanh Tòng đã làm tròn vai. Ngay buổi diễn đầu tiên, chúng tôi đã được khán giả hoan hô nhiệt liệt” - NSND Bạch Tuyết nhớ lại.
Sự cố bắt cóc không làm cho tinh thần của cả đoàn nao núng mà trái lại, các nghệ sĩ còn diễn thăng hoa hơn, xuất thần hơn. NSND Bạch Tuyết chia sẻ: “Tôi từng diễn chung với anh Diệp Lang vài vở diễn trước đây nhưng tới khi diễn cùng trong vở Đời cô Lựu, tôi mới thấy anh ấy bộc lộ hết những tuyệt kỹ của mình bởi tính sáng tạo, rất có chiều sâu, đa nhân cách cho nhân vật. Một ông Hội đồng Thăng có quyền lực, mưu mô và cả sự tham lam, gian xảo ác hiểm… Thế nhưng, tận sâu trong lòng kẻ ác hiểm đó vẫn còn chút tâm tính của con người.
NSND Diệp Lang vai Hội đồng Thăng trong vở "Đời cô Lựu". |
Khi phải bất lực, không thể chinh phục nổi trái tim của người phụ nữ, phút giây yếu đuối, ông Hội đồng đã phải cay đắng thốt lên: “Tôi cũng là con người mà. Vợ chồng gì ngủ xây mặt vô vách, không ai nói với ai tiếng nào. Từ ngày tôi cưới bà về, tôi chưa bao giờ thấy bà nở với tôi nụ cười. Gương mặt lúc nào cũng trầm tư, u uất, nặng nề, âm tri, địa ngục”. NSND Bạch Tuyết cho biết, những câu thoại đó là sự sáng tạo của NSND Diệp Lang trên sàn tập.
NSND Bạch Tuyết cũng nhập vai với hình ảnh đứng lặng, nghẹn lời cho đến khi vỡ oà bởi sự đau đớn. “Hết phân cảnh đó, khán giả vỗ tay rần rần bởi chúng tôi nhập vai quá hay. Diễn xuất của anh Diệp Lang khiến tôi tưởng chừng như không thoát nổi vai diễn, ngã quỵ xuống vì đau thay cho cô Lựu” - NSND Bạch Tuyết nhớ lại.
Dù được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 2003 nhưng khi nói về nghệ danh, Diệp Lang lại thích được gọi là “ông hội đồng” bởi theo ông tên đó gắn với các vai diễn của ông, được khán giả gọi như thế là họ đã yêu mến vai diễn, ấn tượng bởi nhân vật ông đã xây dựng nên.
Sau khi trở về, trước sự thành công của vở diễn, ê-kíp đi châu Âu đã thành lập Đoàn 2/84. Diệp Lang được cử làm trưởng đoàn. Ông tổ chức dàn dựng lại nhiều vở diễn của những soạn giả nổi tiếng như Trần Hữu Trang, Viễn Châu, Điêu Thuyền, Yên Lang, Kiên Giang, Loan Thảo… đưa Đoàn 2/84 trở thành một trong những đoàn mạnh của cải lương phía Nam. Tới năm 2003, do bị bệnh nên ông xin rời đoàn, chỉ tham gia một số vai diễn nhỏ.
Khi nghe tin NSND Diệp Lang qua đời, trên trang cá nhân, nghệ sĩ Chí Tâm (Vai Điệp trong Lan và Điệp) đã viết. “Thương tiếc xót xa cho một nghệ sĩ tài hoa, một cây đại thụ, một bậc thầy đáng kính, sống tận tụy với nghề, hiền hòa thân thiện, bình dị đơn sơ… Khán giả ghét Diệp Lang vì nhân vật trong tuồng nhưng khi màn nhung khép lại ai ai cũng chắt lưỡi vỗ tay kính phục tôn vinh tán thưởng tài diễn xuất của nghệ sĩ”.