Novaland sẽ thu về 29.000 tỷ đồng khi bán hàng tỷ cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Novaland dự kiến trình cổ đông phương án phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược, phát hành 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, phát hành cổ phiếu ESOP…

Phát hành thêm hàng tỷ cổ phiếu

Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, sẽ thực hiện xin ý kiến từ ngày 10 - 21/3.

Cụ thể, Hội đồng quản trị Novaland dự kiến trình cổ đông phương án phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Đối tượng phát hành là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược.

Nếu chào bán thành công, Novaland sẽ thu về hơn 9.750 tỷ đồng. Số tiền này Tập đoàn dự kiến góp thêm vốn vào công ty con để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của công ty con; thực hiện các dự án mà công ty con là chủ đầu tư; thanh toán các khoản thuế và khoản phải nộp nhà nước; bổ sung vốn lưu động.

Novaland còn dự kiến phát hành 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới. Sau khi bán xong, số tiền thu được dự kiến tối thiểu hơn 19.500 tỷ đồng sẽ được dùng để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của công ty; thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên; chi phí vận hành chung và thực hiện các dự án do Novaland làm chủ đầu tư.

Novaland sẽ thu về 29.000 tỷ đồng khi bán hàng tỷ cổ phiếu ảnh 1

Hội đồng quản trị Novaland cũng trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023 với số lượng tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành của công ty.

Cả hai phương án trên đều có giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu và thời gian thực hiện là trong năm nay hoặc theo quyết định của Hội đồng quản trị sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.

Nếu cả hai phương án phát hành đều được thông qua và thực hiện thành công 100%, vốn điều lệ của Novaland sẽ tăng gấp khoảng 2,5 lần, từ gần 19.500 tỷ đồng lên hơn 48.700 tỷ đồng.

Ngoài 2 phương án chào bán trên, Hội đồng quản trị Novaland cũng trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023 với số lượng tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành của công ty, tính tại thời điểm phát hành.

Thành viên Hội đồng quản trị và người lao động theo danh sách được Hội đồng quản trị phê duyệt sẽ là người được quyền mua ESOP. Giá chào bán cũng không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến chào bán đến hết năm 2024. Novaland cho biết việc phát hành này nhằm thu hút nhân tài, tăng sự gắn kết lợi ích của Thành viên Hội đồng quản trị và người lao động với Novaland.

Gia đình ông Nhơn nắm bao nhiêu vốn Novaland?

Cũng liên quan đến Novaland, Công ty CP Diamond Properties đã bán ra 1 triệu cổ phiếu NVL theo phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 15/2 đến ngày 9/3. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu mà Diamond Properties nắm giữ giảm từ 203,1 triệu đơn vị (chiếm 10,415%) xuống còn 202,1 triệu đơn vị (chiếm 10,369%). Sau giao dịch, Diamond Properties hiện vẫn là cổ đông lớn thứ hai của Novaland.

Cổ đông lớn nhất của Novaland hiện là Công ty CP Novagroup với hơn 572,9 triệu cổ phần, tương đương 29,38% vốn điều lệ. Vợ chồng ông Bùi Thành Nhơn và bà Cao Thị Ngọc Sương đang sở hữu lần lượt gần 96,8 triệu và 54,4 triệu cổ phần, tương đương gần 4,962% và 2,788% vốn điều lệ NVL.

Novaland sẽ thu về 29.000 tỷ đồng khi bán hàng tỷ cổ phiếu ảnh 2

Gia đình ông Bùi Thành Nhơn vẫn nắm quyền chi phối tại Novaland, khi sở hữu hơn 51% cổ phần NVL.

Các con của ông Nhơn là ông Bùi Cao Nhật Quân và bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh cũng đang nắm giữ lần lượt 78,24 triệu cổ phiếu (4,012% vốn điều lệ) và 21,64 triệu cổ phiếu (1,11% vốn điều lệ). Như vậy, tổng số cổ phiếu NVL mà gia đình ông Bùi Thành Nhơn sở hữu là hơn 251 triệu đơn vị, tương đương 12,9% vốn điều lệ của Novaland.

Chưa kể, thông qua hai công ty thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Nhơn là Diamond Properties và Novagroup đã nắm giữ gần 1,03 tỷ cổ phiếu NVL, tương ứng tỷ lệ sở hữu gần 53% vốn điều lệ - một mốc rất quan trọng theo quy định của Luật doanh nghiệp - khi có quyền triệu tập và thông qua nghị quyết của đại hội cổ đông, chi phối các quyết định trong nhiều vấn đề của công ty.

Tuy nhiên, từ ngày 9/3 đến ngày 7/4, bà Cao Thị Ngọc Sương thực hiện bán 3.618.001 cổ phiếu NVL, mục đích bán là lý do cá nhân. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ của gia đình ông Nhơn tại NVL tiếp tục giảm thêm khi bà Sương còn sở hữu hơn 50,7 triệu cổ phiếu NVL, tương đương 2,6% vốn điều lệ.

Từ tháng 12/20216 đến nay, tổng tỷ lệ sở hữu tại Novaland của ông Bùi Thành Nhơn và gia đình liên tục giảm. Năm 2022, vợ chồng ông Nhơn đã chuyển nhượng một lượng đáng kể cổ phiếu NVL sang cho Novagroup thay vì trực tiếp nắm giữ.

Hội đồng quản trị Novaland cũng trình cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc thương lượng, thực hiện mua bán tài sản (bao gồm cả mua bán các khoản đầu tư vào các công ty), hoán đổi tài sản (bao gồm cả hoán đổi nợ, hàng hóa).

Đồng thời, giao cho Hội đồng quản trị triển khai thực hiện tất cả các công việc, thủ tục cần thiết đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và các quy định của công ty để hoàn tất các nội dung nêu trên.

Cổ đông cũng sẽ được lấy ý kiến về việc thông qua ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc thương lượng, điều chỉnh các điều kiện, nội dung liên quan đến các khoản huy động vốn, cơ cấu lại các khoản huy động đã thực hiện.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị Novaland cũng trình cổ đông thông qua các đơn từ nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị của ông Bùi Xuân Huy và bà Hoàng Thu Châu nhiệm kỳ 2021-2026. Thay vào đó, công ty sẽ bầu thêm 3 thành viên thay thế, trong đó có 2 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

MỚI - NÓNG