Nhiều ý kiến không đồng tình quan điểm này, thậm chí nói như TS Mai Đắc Biên (ảnh) - Trưởng khoa Pháp luật hình sự và Kiểm sát hình sự (ĐH Kiểm sát Hà Nội - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) thì quy định như vậy chỉ có lợi cho nhóm người có tiền.
Vì sao ông khẳng định quy định như vậy còn trái với nguyên tắc và mục đích của hình phạt?
Bởi vì mục đích của hình phạt trong Luật Hình sự là răn đe, phòng ngừa tội phạm. Nếu quy định cứ nộp tiền sẽ không phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật như thế tức là triệt tiêu chính mục đích của hình phạt này, tiếp tục tạo ra nếp nghĩ ngay trong xã hội ta: Có tiền là có tất cả. Mặt khác, nó đồng thời vi phạm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong áp dụng pháp luật, tức là mọi công dân không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, địa vị, sang hèn đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu quy định cứ tham nhũng nhưng nộp lại từ 1/2 số tiền do hành vi tham nhũng mà có là yên tâm không đối mặt với án tử hình sẽ chỉ có lợi cho một nhóm người có tiền. Cũng nên nhớ, chủ thể của tội phạm tham nhũng là chủ thể đặc biệt - những người có chức vụ, quyền hạn. Mà thường thì những người có chức vụ, quyền hạn trong thực tế hiện nay đều có tiền, tài sản…
Nhưng còn một lý do khác mà ban soạn thảo đưa ra là vì mục đích kinh tế bởi đối với án tham nhũng, án kinh tế, việc thu hồi được tài sản vừa qua là không đáng kể trong khi Nhà nước vẫn phải thi hành án.
Nguyên tắc là mọi tài sản do phạm tội mà có đều phải được nộp trả 100% cho Nhà nước. Các quy định về pháp luật hình sự đối với thu hồi tài sản do phạm tội mà có khá đầy đủ và chặt chẽ. Việc thu hồi tài sản tham nhũng như thời gian qua đạt tỷ lệ thấp là do nhiều nguyên nhân và chắc chắn không có nguyên nhân từ chính Bộ luật Hình sự, nhưng nay mang Luật Hình sự sửa nội dung này theo hướng đó rồi gắn với mục tiêu kinh tế là không ổn.
Thưa ông, một lý do khác nữa là Nghị quyết 49 của Đảng hướng đến giảm dần án tử hình.
Đối với tội phạm kinh tế hoặc có tính chất kinh tế thì giảm án tử hình là hoàn toàn đúng đắn. Quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự đến thời điểm hiện hành chỉ còn 23 tội danh có mức hình phạt tử hình. Tới đây sẽ có nhiều tội danh không còn tử hình. Tại điều 39 của dự thảo lần này cũng thể hiện phần nào quan điểm trên của Đảng, nhưng lại gộp tính chất của tội tham nhũng vào một rọ với tội phạm kinh tế là không đúng.
Đơn giản, tội phạm tham nhũng khác với tội phạm kinh tế, trong đó khác trước nhất bắt đầu từ chủ thể của hành vi tham nhũng. Hơn nữa, Đảng ta vẫn chủ trương đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nó xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay, chống tham nhũng tuy gặt hái được những kết quả ban đầu, nhưng vẫn còn bức xúc trong xã hội. Người dân vẫn trông chờ vào những quyết sách quyết liệt của Đảng mà hiện thực hóa nó chính là các quy định của pháp luật trong đó không thể không kể đến quy định của Bộ luật Hình sự.
Cảm ơn ông.
Bộ luật Hình sự hiện hành quy định không thi hành tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Những đối tượng này sau khi được ân giảm sẽ chuyển từ tử hình xuống chung thân. Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bổ sung người bị kết án từ 70 tuổi trở lên cũng không bị thi hành án tử hình và đặc biệt quy định sẽ không tử hình đối với cả những người sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác với cơ quan chức năng phát hiện điều tra tội phạm hoặc lập công lớn. Như vậy, kể cả với tội phạm tham nhũng, sau khi nộp lại 1/2 số tiền là có thể chuyển từ tử hình xuống chung thân.
Nhóm tội phạm tham nhũng gồm 2 tội danh cụ thể: Tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ. Theo đó, luật hiện hành quy định chỉ cần tham ô từ 500 triệu đồng trở lên hoặc nhận hối lộ từ 300 triệu đồng trở lên thì người vi phạm đều có thể bị truy tố ở khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình.
Phó Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính - tư pháp (Bộ Công an), Đại tá Trần Thế Quân: Lợi bất cập hại
Khi sửa đổi Bộ luật Hình sự trước đây cũng có ý kiến như vậy nhưng đã không được chấp nhận. Tình hình thực tế hiện nay cũng không nên chấp nhận quy định này. Mặc dù trong các đợt đặc xá có quy định khi người thụ án khắc phục tiền, tài sản được coi là những điều kiện xem xét đặc xá, nhưng chuyện này nó khác hoàn toàn với việc quy đổi nộp tiền để thoát án tử hình, đặc biệt là với tội phạm tham nhũng.
Nếu đưa quy định này vào luật có thể tạo ra tâm lý cứ tham nhũng nhưng dành một phần tiền chuẩn bị nộp khắc phục hậu quả theo lối “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Đó là chưa kể thực tế phát hiện và chứng minh được hành vi tham nhũng không hề đơn giản. Có khi đối tượng đã vi phạm nhiều lần may ra mới phát hiện được một. Ngoài ra, nó còn tạo ra sự nghi ngại trong dư luận xã hội về tính bình đẳng trước pháp luật. Với tội phạm tham nhũng, không thể lấy mục tiêu kinh tế để đánh đổi yêu cầu về tính răn đe. Quy định này hoàn toàn lợi bất cập hại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: Chưa nên, ít nhất là thời điểm hiện nay
Nếu quy định cứ nộp lại 1/2 số tiền, tài sản đã tham nhũng là có thể thoát khỏi sự trừng phạt cao nhất của pháp luật là tử hình thì hoàn toàn không nên, ít nhất là thời điểm này. Vì tình trạng tham nhũng trên thực tế vẫn còn rất lớn, diễn biến rất phức tạp và có thể nói mặc dù Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác này nhưng nhiều năm qua tham nhũng vẫn chưa được kiểm soát.
Hơn nữa, nhiều vụ tham nhũng có giá trị rất lớn, số 1/2 còn lại cũng là rất lớn mà việc thu hồi tiếp cũng không phải dễ dàng. Các đối tượng tham nhũng thường chuyển tiền, tài sản tham nhũng được cho người thân đứng tên hay tẩu tán nên việc thu hồi được là khó khăn. Mặt khác, lâu nay dư luận vẫn phàn nàn rằng hình phạt hành vi tham nhũng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến tham nhũng không giảm như mong muốn. Nếu lần này sửa luật lại theo hướng giảm hình phạt thì dường như chúng ta đi ngược lại với yêu cầu nghiêm trị tội phạm tham nhũng.
N.H (thực hiện)