Dễ dàng biến tiền “bẩn” thành tiền “sạch”
Việc thu hồi TSTN thấp có phải do chúng ta đang có quá nhiều những lỗ hổng trong cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, dẫn đến khi phát hiện ra tham nhũng thì tài sản đã bị tẩu tán hết, chẳng còn gì để thu hồi?
Theo quy định, một người chỉ được coi là có tội khi bản án có hiệu lực. Do đó, chỉ khi tòa có bản án kết tội thì lúc đó chúng ta mới tìm cách này, cách khác để thu hồi TSTN. Cách làm này là cách quản lý, xử lý trên ngọn, không kịp thời nên khi phát hiện thì đã muộn, tài sản đã bị tẩu tán hết mất rồi. Người ta có đủ mọi cách để “biến”, để đưa TSTN vào việc này, việc khác, vào tên người khác. Bởi chúng ta biết cán bộ, quan chức họ thường không ở một mình, xung quanh họ có rất nhiều người thân, từ vợ con, cha mẹ, họ hàng cho đến bạn bè… Nó là những cái bình thông nhau, rót vào chỗ này, nó chảy ra chỗ khác. Nên nếu chỉ kiểm soát tài sản cán bộ công chức thôi thì không hiệu quả. Anh bịt chỗ này thì nó sẽ chảy chỗ kia, bịt chỗ kia nó lại chảy chỗ khác... Cứ thế đến khi phát hiện ra hành vi tham nhũng và có biện pháp xử lý thì tài sản của quan tham đã chảy đi mọi ngóc ngách hết rồi. Cho nên trong công ước của Liên Hợp Quốc, người ta quan niệm rằng, phải có biện pháp để ngăn chặn được việc chuyển tiền phạm tội từ chỗ này, sang chỗ khác, chứ không phải là đến khi bị phát hiện mới tiến hành thu hồi.
Ở Việt Nam chúng ta thường thấy nghịch cảnh bố mẹ là công chức, mức lương không cao, nhưng con cháu lại có rất nhiều tiền… Tuy nhiên, do chúng ta không kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội nên không thể truy được nguồn gốc tài sản đó. Chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc chuyển dịch tiền tham nhũng từ chỗ này, sang chỗ khác, từ tiền “bẩn” thành tiền “sạch”. Đây mới là câu chuyện lớn nhất trong công cuộc chống tham nhũng cũng như thu hồi TSTN.
Như vậy phải chăng muốn thu hồi hiệu quả TSTN thì quan trọng nhất là phải ngăn chặn được sự dịch chuyển của nguồn tiền tham nhũng, thưa ông?
Đúng là như thế. Vì như tôi đã nói ở trên, tiền tham nhũng có thể chảy vào mọi ngóc ngách, chuyển hóa hết rồi. Nếu không có giải pháp, không tạo ra các chốt chặn thì làm sao mà phát hiện, xử lý được. Câu chuyện rửa tiền là câu chuyện phổ biến nhất của người có hành vi tham nhũng. Do đó, cái chính là chúng ta phải xây dựng được cơ chế để kiểm soát và ngăn chặn việc chuyển hóa nguồn tiền đó.
TS Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra.
Tăng cường truy nguồn tài sản qua thuế
Nhưng thưa ông, để kiểm soát thu nhập tài sản của toàn xã hội thì phải trải qua chặng đường rất dài để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật. Vậy trước mắt chúng ta có giải pháp gì để có thể kiểm soát được tốt hơn không?
Tôi nghĩ là có nhiều. Trong đó, giải pháp trước mắt là chúng ta cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn việc kê khai tài sản. Phải nâng cao trách nhiệm và cơ chế xác minh bản kê khai tài sản của các cán bộ, quan chức. Chứ như hiện nay, chúng ta có đến gần triệu bản kê khai, nhưng thực tế chỉ xác minh có 5 trường hợp và chỉ có duy nhất 1 trường hợp bị xử lý. Như thế thì rõ ràng việc kê khai tài sản là chưa hiệu quả, mang nặng tính hình thức. Điều này khiến việc che giấu, tẩu tán tài sản quá dễ dàng.
Vì thế, phải xem xét lại có nhất thiết cần đến 1 triệu bản kê khai tài sản không? Hay chỉ cần 200 nghìn bản kê khai thôi, nhưng song song với đó là tỷ lệ xác minh các bản kê khai đó được nhiều hơn. Bởi suy cho cùng cái quan trọng nhất của việc kê khai là xác minh xem có đúng hay không để có biện pháp xử lý. Ngoài ra, chúng ta cũng nên nghiên cứu và có thể giao hẳn cho một cơ quan quản lý, kiểm tra, xác minh, xử lý bản kê khai tài sản. Chứ như hiện nay cơ quan quản lý, cơ quan xác minh, cơ quan xử lý… khác nhau thì khó mà phát huy được hiệu quả.
Thế còn xác minh, quản lý, phát hiện TSTN qua việc kiểm tra thuế, qua đăng ký tài sản thì sao, thưa ông?
Quản lý dòng tiền đòi hỏi phải rất chặt. Nếu ai đó bảo mình có nhiều tiền thế thì giao dịch, buôn bán, lãi từ đâu… Không thể nói bán cái nhà mấy tỷ, rồi đút túi bằng đó, không có chuyện đó đâu. Nước ngoài, mọi người đều có mã số thuế, tiền vào, tiền ra như thế nào người ta biết hết. Nên nếu bảo tiền này tôi kinh doanh được thì người ta sẽ truy xem kinh doanh ở đâu, lãi chỗ nào, đóng thuế ra sao… Do đó, tôi cũng đồng tình với ý kiến của nhiều người cho rằng chúng ta phải hiểu TSTN theo nghĩa rộng hơn, chứ như hiện nay mới chỉ là cái ngọn thì rất khó thu hồi. Ví như bây giờ nhiều người cho con đi học nước ngoài thì câu hỏi đặt ra là tiền đâu, khi mà thu nhập, lương của anh chỉ là như thế?
Được biết, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Việc này đến nay được thực hiện thế nào, rồi thưa ông?
Theo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi thì Chính phủ sẽ xây dựng đề án trên. Hiện chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo để lấy ý kiến của các bộ ngành, chức năng có liên quan. Tuy nhiên, gần đây nhiều ý kiến cho rằng, nên dừng việc ban hành đề án để tới đây sẽ tiến hành sửa đổi Luật Phòng chống Tham nhũng một cách toàn diện và đầy đủ hơn. Do đó, hiện nay chúng tôi vẫn đang chờ quyết định của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cảm ơn ông!
Không bỏ án tử hình đối với tội danh tham nhũng
Tại Hội thảo một số định hướng cơ bản của Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 24/3, ông Nguyễn Tất Viễn, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đề nghị nên tiếp tục giữ hình phạt tử hình đối với tội nhận hối lộ, tham ô, tham nhũng. Bởi đây là những tội gây bất bình lớn trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, hiệu lực của bộ máy nhà nước, sự an nguy của chế độ. Nếu không trừng trị bằng hình phạt nghiêm khắc nhất sẽ mất lòng tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao và ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cũng đề nghị tiếp tục duy trì hình phạt tử hình đối với các tội danh trên.