Không bỏ án tử hình tội tham ô, nhận hối lộ
Theo ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, có rất nhiều các quan điểm khác nhau xung quanh việc bỏ án tử hình đối với một số tội danh trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS). Ngoài 7 tội danh như Ban soạn thảo Dự thảo luật đề xuất: tội cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược… cũng có ý kiến đề nghị bỏ án tử hình với 3 tội danh nữa là: tội tham ô tài sản; nhận hối lộ và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp- đại diện cho Nhóm nghiên cứu về Dự thảo BLHS cũng thừa nhận, ý kiến trái chiều nhau về vấn đề trên là rất lớn.
Với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc Dự thảo BLHS sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm nhẹ hình phạt là chưa phù hợp. Vì thời gian qua có tình trạng người có chức vụ quyền hạn phạm tội trong khi thi hành công vụ hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Coi chừng tội phạm ma túy dùng tiền để thoát án tử
Về quy định chuyển hình phạt thành tù chung thân trong trường hợp người bị kết án tử hình chủ động khắc phục hậu quả do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất một nửa số tiền, tài sản do phạm tội mà có; đồng thời hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị cần phải cân nhắc kỹ. “Cần phân loại, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh trường hợp người phạm tội ma túy, giết người, xâm phạm an ninh quốc gia có thể dùng tiền để thoát án tử hình”, ông Hồng nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc Dự thảo BLHS đề xuất điều chỉnh tăng mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự đối với các tội như: tham ô tài sản, nhận hối lộ, các tội về sở hữu… (từ 2 triệu lên 5 triệu đồng) cũng được coi là chưa phù hợp. “Việc điều chỉnh mức định lượng trên là một sự thay đổi rất cơ bản về chính sách hình sự và xét cho cùng đây cũng là phi tội phạm hóa. Nếu theo quy định này sẽ có nhiều hành vi tội phạm trong BLHS hiện hành không bị xử lý hình sự nữa”, ông Nguyễn Công Hồng nói.
“Việc ghi âm, ghi hình không chỉ là giải pháp để chống bức cung, nhục hình mà còn là để bảo vệ các đồng chí công an, bảo vệ các cơ quan tố tụng. Bởi khi bị can, bị cáo “tố” là bức cung, nhục hình nhưng chúng ta không có ghi âm, ghi hình nên rất khó. Còn về “quyền im lặng”, thế giới không gọi như vậy mà chỉ gọi là “quyền không buộc đưa ra lời khai chống lại mình” để người ta hiểu nhầm bị can, bị cáo có quyền im lặng”, ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nói.