Tiếp xúc cử tri tại nhiều địa phương:

Nóng quản lý đô thị, ô nhiễm môi trường

Đà Nẵng dù rất năng động nhưng vẫn có rất ít doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn. Ảnh: Nguyễn Thành
Đà Nẵng dù rất năng động nhưng vẫn có rất ít doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Quản lý khu tái định cư, chung cư còn nhiều bất cập, việc hướng dẫn viên du lịch, người nước ngoài mua đất chui tại Đà Nẵng, rừng vẫn chảy máu… là những chủ đề được các cử tri nêu ra tại các cuộc tiếp xúc cử tri ngày 9/8 diễn ra ở các địa phương.

Hà Nội: Bất cập quản lý khu tái định cư, chung cư

Chiều 9/8, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cùng các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trúng cử tại đơn vị bầu cử số 3 tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Nêu ý kiến tại hội nghị, cử tri Đinh Đức Từ cho rằng, tại  Hà Nội, các dự án nhà cao tầng mọc lên, đường bị xâm lấn, đất của dân bị lấy vô tội vạ, thế nhưng chỗ nào cũng báo cáo là làm đúng pháp luật. “Chúng tôi là những nạn nhân trong việc giải phóng mặt bằng đường vành đai 3. Khi tôi khiếu nại, phải đến lần thứ 3 ra tòa thì mới thu hồi, hủy bỏ các quyết định. Nếu như cán bộ có lòng với nhân dân, thực thi đúng luật pháp thì không bao giờ ngoan cố như thế”, ông Từ nói.

Về việc quản lý nhà chung cư, tái định cư, theo bà Ngọc, HĐND thành phố cũng sẽ giám sát việc này. “Sau khi phát triển đô thị, rất nhiều chung cư, tái định cư phát triển trên địa bàn. Công tác quản lý đang có nhiều bất cập giữa đơn vị đầu tư, đơn vị quản lý và đơn vị quản lý nhà nước. HĐND sẽ giám sát, xem xét thấu đáo, có giải pháp thật cụ thể và cùng với đó sẽ có những chính sách về cải tạo các nhà chung cư cũ để đảm bảo đời sống của người dân”, bà Ngọc nói.

Trước đó, trong buổi sáng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng các ĐBQH trúng cử tại đơn vị bầu cử số 3 tiếp xúc cử tri quận Hà Đông. Tại đây, cử tri nêu nhiều vấn đề liên quan ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm sông Đáy, sông Nhuệ, tình trạng tham nhũng, lãng phí, các vụ việc vỡ đường ống nước sạch sông Đà, xây biệt thự trái phép tại Ba Vì…

Đà Nẵng: Nóng chuyện người nước ngoài mua đất

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP Đà Nẵng), bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Đà Nẵng hiện còn nhiều hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục. Thành phố đã cố gắng để cải thiện môi trường đầu tư, nhưng kết quả thu hút đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài vẫn chưa đạt yêu cầu. Qua nhiều năm, đến nay Đà Nẵng vẫn chưa có chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, một trong những nguyên nhân lớn là chưa có quy hoạch lĩnh vực trọng tâm và nhất là việc ổn định đất cho phát triển nông nghiệp.

Trên lĩnh vực quản lý đất đai, dư luận đang nổi lên việc người nước ngoài thông qua người Việt Nam đứng tên mua bất động sản, vấn đề này chứa đựng rất nhiều tiềm ẩn bất lợi về lâu dài trên nhiều mặt. Đối với việc rà soát, xử lý thu hồi các dự án ven biển, tính đến nay chỉ mới thu hồi được 1 dự án vào năm 2015. Hầu hết các dự án chậm triển khai đã cam kết tiến độ thực hiện. Ngoài ra, vấn đề hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động chui trên địa bàn thành phố và có sự tiếp tay của người Việt là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng hình ảnh của Đà Nẵng. Các cử tri mong muốn về lâu dài chính quyền cần phải có biện pháp làm trong sạch môi trường du lịch bởi đây là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng thừa nhận thành phố còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Chủ trương của Thành ủy về “Thành phố 4 an” gắn với chương trình thành phố “5 không, 3 có” chậm được triển khai và hiệu quả chưa cao; tình hình tội phạm an ninh trật tự có chiều hướng tăng, công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập.

TPHCM: Đóng cửa rồi, sao rừng vẫn “chảy máu”?

Đó là băn khoăn của nhiều cử tri quận 2 (TPHCM) trong buổi tiếp xúc với Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị 7 sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV. Cử tri Nguyễn Văn Du (phường Bình An) bức xúc: “Tình trạng phá rừng đang diễn ra rầm rộ khắp nơi, nhiều cánh rừng nguyên sinh đang cạn kiệt. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa nhưng rừng vẫn đang chảy máu. Gỗ lậu nằm bên trong các trạm kiểm soát của biên phòng, hải quan. Bảo vệ rừng như vậy rừng không bị triệt hạ mới lạ”.

Cử tri Nguyễn Văn Chẳng (phường Thảo Điền) nêu những băn khoăn về việc Quốc hội khoá XIII giám sát môi trường, vậy mà Cty bột ngọt Vedan vẫn xả thải giết chết sông Thị Vải; công ty Hào Dương ngang nhiên xả thải ra sông Đồng Điền và bị bắt quả tang đến 10 lần, bây giờ đến lượt Formosa. Quốc hội khoá XIV không giám sát môi trường khiến cử tri rất lo lắng vì Formosa còn đó và đang đem rác thải độc hại đi rải khắp nơi, kể cả chôn lấp trong trang trại của giám đốc công ty môi trường.

Liên quan vấn đề môi trường, cử tri Nguyễn Văn Du đề nghị cơ quan có thẩm quyền buộc Formosa đưa ống xả thải lên mặt đất, không cho phép xả ra biển. Ông Du cũng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, truy tố nghỉ hưu, không cho hạ cánh an toàn. Cử tri Hoàng Minh Tâm (phường Bình An) đề nghị làm rõ trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng liên quan việc bổ nhiệm, luân chuyển ba trường hợp có dấu hiệu sai phạm, gồm ông Trịnh Xuân Thanh, ông Trương Quang Hoài Nam, đặc biệt là ông Vũ Quang Hải, con ruột ông Hoàng…

Thay mặt Tổ Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã ghi nhận ý kiến của các cử tri để chuyển đến Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Sáng cùng ngày, tiếp xúc với Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị 7, một số cử tri quận 9 bày tỏ lo ngại về tội phạm cướp giật, vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp và bày tỏ mong muốn thay vì cấm, TPHCM cần có biện pháp quản lý hiệu quả việc dạy thêm và học thêm. 

Hà Nội công khai các đơn vị trồng cây xanh bị bật gốc, lộ bọc nilon

Ngày 9/8, Sở Xây dựng Hà Nội công bố danh sách các công ty, đơn vị  trồng cây xanh bị bật gốc lộ nguyên bọc nhựa, nilon gây xôn xao dư luận trong cơn bão số 1 vừa qua. Theo đó, cây trồng theo hình thức xã hội hóa (năm 2014-2015) bị nghiêng, đổ là 88 cây; Cây trồng theo vốn ngân sách của thành phố (giai đoạn 2015-2016) bị ảnh hưởng là 31 cây; Cây trồng được tiếp nhận từ các chủ đầu tư dự án bị khoảng 3.079 cây.

Cụ thể, cây trồng tại đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Hà Đông) do chủ đầu tư là Ban QLDA Mỗ Lao, đơn vị thi công là Cty TNHH Công viên cây xanh Hà Đông; Cây trồng tại đường Trần Phú (quận Hà Đông), chủ đầu tư là  Ban QLDA quận Hà Đông, đơn vị thi công là Cty TNHH Công viên cây xanh Hà Đông; Cây trồng tại đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, chủ đầu tư - Ban QLDA quận cầu Giấy, đơn vị thi công là liên danh UDIC và LIDEC02; dự án được hoàn thành năm 2010 dịp 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.        

 Tú Anh

MỚI - NÓNG