Nóng nhưng không mới

Nóng nhưng không mới
TP - Đó là nhận xét của Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh khi phát biểu kết luận về phiên chất vấn và trả lời chất vấn HĐND thành phố Hà Nội chiều qua 5-12.

> Chất vấn về đất vàng đắp chiếu
> Thủ tướng tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Bà Thanh cho rằng, những vấn đề mà các đại biểu HĐND Hà Nội đặt ra “nóng nhưng không mới”, đòi hỏi phải có giải pháp mới thì mới có thể giải quyết dứt điểm được.

Đúng là những vấn đề muôn thủa về giáo dục như dạy thêm, học thêm, lạm thu hay lãng phí, sử dụng sai mục đích nhà công, đất công, đất “vàng” bỏ hoang... đều không mới, đều “đến hẹn lại lên” là nỗi bức xúc của dư luận, là vấn đề “nóng” hết kỳ họp này tới kỳ họp khác của các đại biểu.

Người đứng đầu HĐND thành phố Hà Nội đặt câu hỏi, vấn đề là làm gì sau mỗi phiên chất vấn. Các kết luận sau chất vấn phải được UBND thực hiện, phải được cử tri giám sát, có tiến độ rõ ràng.

Giải pháp mới cho các vấn đề cũ nhưng đang là nỗi bức xúc của dân chúng, trong đó gắn với trách nhiệm giải trình của UBND, trách nhiệm giám sát chặt chẽ của HĐND, chính là biện pháp duy nhất để dập tắt những vấn đề nóng nhưng không mới tại các kỳ họp tiếp sau.

Tại kỳ họp lần này, sau Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh do QH, HĐND bầu, lần đầu tiên Hà Nội dành cả một ngày cho hoạt động chất vấn. 33 câu hỏi, 2 Phó chủ tịch và 6 Giám đốc sở đã lần lượt trả lời chất vấn.

Trước phiên khai mạc kỳ họp lần này, 30 cuộc tiếp xúc với 182 kiến nghị của cử tri toàn thành phố cũng đã đặt lên bàn các vị đại biểu dân bầu.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh yêu cầu UBND TP Hà Nội trả lời trước 10 câu hỏi, còn 172 câu khác sẽ phải lần lượt trả lời và đăng tải công khai cho dân chúng biết trước ngày 31-1-2013.

Nhìn rộng ra cả nước, không riêng gì Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác chắc hẳn cũng có nhiều vấn đề “nóng nhưng không mới”.

Tại nghị trường QH, nhiều vấn đề “nóng nhưng không mới” về quốc kế, dân sinh, về phòng chống tham nhũng, lãng phí, về lợi ích nhóm, về quản lý các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, về chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh hay VSATTP, tai nạn giao thông... vẫn tồn tại từ kỳ này qua kỳ khác, năm này qua năm khác.

Vấn đề ở chỗ, giờ đây với Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm mà QH vừa thông qua, thực hiện ngay từ năm 2013, các đại biểu của dân - từ HĐND cho tới QH – đã có trong tay công cụ quyền lực mạnh nhất do dân giao phó.

Công bộc nào giải trình thì hay, nhưng làm thì dở, cán bộ nào nói một đằng làm một nẻo... để vấn đề “nóng nhưng không mới” trong lĩnh vực mình phụ trách liên tục tái xuất hiện, ắt sẽ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, bị mất chức.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG