'Nóng' hội thảo phản biện các dự án lấn sông Hàn

TPO - Sáng ngày 7/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo phản biện xã hội các dự án lấn sông Hàn, gây xôn xao dư luận thời gian qua. Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về thủy lợi, sông ngòi của Trung ương và địa phương. 

Tại đây, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã lắng nghe các nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn, ảnh hưởng môi trường của các nhà khoa học và ghi nhận các ý kiến phản biện của các chuyên gia.

 Tranh luận "nóng" hội nghị phản biện dự án lấn sông Hàn. Video: Nguyễn Thành

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Quốc Cường Gia Lai) đại diện công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng), cho biết : Dự án Marina Complex đã trải qua 2 lần đánh giá tác động môi trường vào năm 2011 và 2017; đã có ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp Trung ương về tác động của dự án đối với dòng chảy sông Hàn. Các kết quả đánh giá đến thời điểm này đều khẳng định việc thực hiện dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn và các vấn đề môi trường khác. Do vậy, doanh nghiệp mới được triển khai dự án đến giai đoạn hiện nay.

Bà Loan cho biết: UBND Thành phố Đà Nẵng và các Sở, ngành liên quan đã triển khai các dự án bên hai bờ sông Hàn nhiều năm qua. Song, các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội đều không có ý kiến phản biện hoặc không tổ chức các Hội nghị phản biện với quy mô như hội nghị ngày hôm nay. Quy hoạch chung và quy hoạch của các dự án cụ thể đã được ban hành và tổ chức thực hiện nhiều năm qua, với số tiền đầu tư và công sức tâm huyết của nhà đầu tư góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố Đà nẵng.

Riêng với Dự án Marina Complex, UBND Thành phố Đà Nẵng đề xuất điều chỉnh quy hoạch 4 lần, theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, giao thông và các tiện ích phục vụ công cộng, đất ở kinh doanh từ 7,9ha giảm còn 4,7ha giảm 3,2ha (hơn 40% đất ở kinh doanh của dự án). Tăng cây xanh từ 0,7ha lên 2,4ha, giao thông từ 1,3ha lên 2,7ha, giảm diện tích mặt nước từ 6,3ha còn 1ha.

'Nóng' hội thảo phản biện các dự án lấn sông Hàn ảnh 1 Quang cảnh hội nghị phản biện các dự án lấn sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Thành

Dưới góc độ nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng) cho rằng: Về mỹ quan đô thị, vấn đề lấn sông Hàn mà đặc biệt là ở cửa sông như Đà Nẵng rất khó chấp nhận.

Vấn đề người Pháp từng xây kè và dựng hải đăng ở cửa sông Hàn theo ông Tiếng cũng rất đáng bàn. “Mục đích người Pháp xây kè trước đây là để trị thủy chỉnh lưu, chứ không phải lấn sông để làm tăng quỹ đất", ông Tiếng cho biết.

Theo ông Tiếng, quyết định cho tiếp tục triển khai dự án dễ hơn nhiều so với quyết định không cho tiếp tục triển khai dự án. Bởi vì trong chuyện này lỗi không chỉ và chủ yếu không phải của nhà đầu tư. Nếu lãnh đạo thành phố quyết định không cho triển khai dự án nữa thì quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư sẽ được tính toán ra sao, nhất là đối với những thiệt hại mà hoàn toàn không do lỗi của họ? Đó là chưa kể ai phải chịu chi phí xử lý hậu quả xây kè lấn sông để trả lại nguyên trạng bờ sông và dòng chảy? Đó là chưa kể hệ lụy dây chuyền trong quá trình rà soát tất cả dự án đang và sắp kè bờ lấn sông trên toàn tuyến sông Hàn - không khéo sẽ rơi vào tình trạng giải quyết rất triệt để nhưng mà chỗ “triệt” chỗ “để”. Chưa kể lãnh đạo thành phố đương nhiệm sẽ mất lòng những người tiền nhiệm... Có điều không nên ngại khó mà bất chấp dư luận, bất chấp lẽ phải, mà chọn phương án không xuất phát từ lợi ích của cộng đồng và phát triển bền vững!

Ông Trần Văn Thiết (Phó Chủ tịch TT Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật), cho rằng: Sông Hàn có vị trí vô cùng quan trọng về du lịch và môi trường sống của dân, được xem như là “động mạch dẫn máu về tim để nuôi cơ thể”. Động mạch không xơ vữa, không tắc nghẽn thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, trí tuệ sẽ minh mẫn, còn động mạch bị xơ vữa, tắc nghẽn thì trước sau gì cũng bị tai biến, nhồi máu cơ tim. Chính vì thế, ông Thiết, đồng ý với ý kiến của các chuyên gia: “Dù ít hay nhiều, việc lấn sông Hàn đều có tác động đến dòng chảy và có ảnh hưởng đến địa chất tại đây. Hậu quả đó, có thể không thấy được ngay nên cần phải xem xét thận trọng để tránh thiệt hại về lâu về dài”.

“Đây không phải là lần đầu có dự án lấn sông tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Việc lấn sông Đồng Nai hay đồng bằng Sông Cửu Long là những bài học về hậu quả của việc lấn sông vẫn còn đó”, ông Thiết cảnh báo. Đồng thời đề nghị lãnh đạo thành phố điều chỉnh quy hoạch chung, cần nhìn lại những dự án lấn sông, nhà cao tầng, xem xét kỹ được, mất để điều chỉnh không chỉ dự án Marina Complex  này mà các dự án ở hai bên bờ sông Hàn khác.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), cho rằng Đà Nẵng đã vượt qua được nhiều cái cũ để phát triển được như ngày nay. Muốn vượt qua cái cũ thì phải trả giá, phát triển thì phải đánh đổi. Nhưng căn cứ vào đâu để đánh đổi thì phải bàn. Nhưng chỉ bàn cái mất thôi thì chắc chắn không làm được gì cả. Sự đánh đổi này để có được một sự phát triển tốt hơn và phải có tầm nhìn

“Tâm lý hiện nay khá nặng nề rằng lợi ích nhà đầu tư ăn hết còn dân chả được gì. Nếu chỉ nhìn như vậy thì khá nặng nề”, ông Thiên nêu ý kiến.

“Chúng ta thử bàn luận xem lợi ích của dân được gì nếu bây giờ môi trường đầu tư dở đi, người ta không đầu tư vào đây thì lợi ích người dân thế nào? Nếu bây giờ phản biện mà kết luận không cho mấy dự án này triển khai thì có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư không? Có ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, của Đà Nẵng với tư cách thành phố trọng điểm, đầu tàu của miền Trung hay không?” ông Thiên phát biểu.

Theo ông Thiên, phải coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của sự phát triển. Tâm lí coi lợi ích của nhà đầu tư đối lập, khác biệt với lợi ích của người dân là không được. “Nói họ chỉ làm giàu trên lợi ích của dân là lệch lạc, cực kì nguy hiểm", ông Thiên cho biết

Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Chính quyền TP Đà Nẵng sẽ cùng với nhà đầu tư dự án nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, nhằm tăng được diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn. Đặc biệt, sẽ giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng tốt nhất có thể. Bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân và du khách.

MỚI - NÓNG