Nông dân và ngân hàng trong CNH nông thôn

Nông dân và ngân hàng trong CNH nông thôn
TP- Các ông chủ ở nông thôn sẽ làm CNH, đô thị hóa, bảo vệ môi trường ở nông thôn, thay Nhà nước lo toàn bộ “gánh lo toan” việc làm cho nông dân với mức lương 90.000 đồng/ngày để Nhà nước có thể rảnh tay, chỉ chuyên chú hoạch định chính sách và quản lý theo pháp luật.

Gần đây các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách công đưa ra nhận xét, dường như một bộ phận lớn nông dân nông thôn đang đứng bên lề sự nghiệp CNH đất nước. Thậm chí là họ bị lấy đất canh tác, nhận một khoản tiền không lớn và may mắn thì với 3 – 4 lao động của mỗi nông hộ, họ được nhận một người làm chân bảo vệ gác cổng. Đó là một nhận xét đúng, nhưng chưa đầy đủ.

Một minh chứng rõ rệt nhất và đã được “kiểm toán” quốc tế là chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ dành cho khu vực thua thiệt này, trước hết là Chương trình 134, 135 dành cho vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nhưng rõ ràng là chưa đủ và chi phí rất cao. Đó là một thực tế rất khó tránh thoát và khắc phục nó lại không thể một sớm một chiều.

Một cách dễ nhất là cứ chấp nhận tất cả, cứ thúc đẩy CNH mạnh hơn, lấy lợi nhuận của nó để bù đắp cho nông thôn nông dân sau. Đó là cách của Anh, Pháp, Mỹ… đã làm. Kết quả là, sau 300 năm nước Anh trở nên giàu có nhưng con sông Thames trong lành bị ô nhiễm đến mức, một nhà báo đã lấy chính nước của nó thay mực viết bức thư thông báo rằng nó “đã chết”- cũng có thể nói về nông dân nông thôn Anh như vậy vào thời điểm này của thế kỷ trước.

Nền kinh tế chỉ tuân thủ quy luật thị trường mà không đếm xỉa đến quy luật tâm lý Người đã đưa châu Âu và phương Tây đến một xã hội trọc phú, chiến tranh và xói mòn nhân tính đã là môi trường để ra đời một thành ngữ xót xa: “Nông dân là cái phần còn sót lại của nhân loại” (cổ điển). Áy náy vì những việc tổ tiên đã làm, các nước phát triển hò nhau hối hả quay trở về phụng dưỡng nông thôn, một mặt ưu đãi cho nông nghiệp phát triển, một mặt lập hàng rào luật pháp để bảo hộ nông sản trong nước.

Gạo ở Nhật 6 USD / kg nhưng cấm hoặc chỉ nhập rất hạn chế gạo 1 USD/ kg của nước ngoài; vụ kiện bán phá giá cá da trơn, tôm… ở Mỹ là khá điển hình. Ở Nhật, người ta còn thượng tôn nông dân cả về chính trị, bèn quy định rằng cứ 1 phiếu bầu hạ viện ở nông thôn bằng 6 phiếu của đô thị, tương tự là 1 = 3 phiếu bầu thượng viện!

Mặt khác, sau bức thư viết bằng “mực” sông Thames, các nước công nghiệp bắt đầu biết sợ về môi trường, về rừng phá trụi và về khí thải công nghiệp. Họ sửa sai bằng, một mặt kêu gọi nhau cắt giảm khí thải, mặt khác, tìm cách buộc các nước đang phát triển phải giữ môi trường sạch.

Cách thứ hai, khó hơn và là cách chúng ta đang làm: Lấy tiền thuế thu được từ các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân nông thôn.

Thực ra, để hỗ trợ nông dân nông thôn chúng ta cần một chính sách cả gói với rất nhiều cấu phần mà hỗ trợ tài chính công chỉ là một. Cấu phần này thể hiện bằng chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình 134, 135, quỹ hỗ trợ việc làm, chương trình đào tạo nghề và các chương trình khác.

Không nghi ngờ gì nữa, diện mạo nông thôn, chất lượng sống của người nông dân được như hôm nay, là thành quả của cấu phần tài chính và chính sách công cho nông thôn (chất lượng sống năm nay thấp hơn năm 2007 lại là nằm ngoài câu chuyện chúng ta đang bàn.)

Cách thứ hai luôn vấp phải một khó khăn cố hữu. Khó khăn này có hai mặt:

- Thứ nhất, nó luôn luôn không đủ. Bởi vì trên hành trình phát triển, tỷ trọng tái đầu tư mở rộng luôn phải được coi là phần cứng của tài chính công, nó đồng thời cũng hút vào mình phần căn bản của nguồn vốn xã hội. Khi đã không đủ, người thừa hành thường chọn cách dễ hơn là buông mặc nông thôn hoặc chậm giải ngân những dự án cho nông thôn.

- Thứ hai, khi hỗ trợ thiếu, nông dân không thể triển khai các dự án nhỏ của mình, lại có thói quen ỷ lại và rốt cuộc, lại “ném” chính các đồng vốn vay ưu đãi kia vào những việc cần trước mắt và thế là “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”.

Hệ quả của khó khăn cố hữu là nông thôn tụt lại ngày càng xa so với đô thị, nông nghiệp ngày càng thua xa công nghiệp và vấn đề môi trường thì còn nguyên. Người ta tính trong 20 năm qua, có khoảng 500 xí nghiệp tham gia “giết chết” con sông Nhuệ, làm ốm trầm trọng con sông Đáy. Đang có dự án phục hồi và chữa bệnh cho hai con sông này và sẽ ngốn hết khoảng 3.500 tỷ đồng. Không biết tiền thuế thu được từ 500 xí nghiệp kia bù lại được bao nhiêu phần của số tiền này?!

Vẫn còn một cách thứ ba

Tư tưởng của Max Weber (1864-1920), làm giàu trong phúc âm, đã thấm dần từ Đức ra cả phương Tây, cho đến giữa thế kỷ trước, nó trở thành kinh nghiệm ứng xử của các nhà đầu tư tại các nước đang phát triển – nơi họ sẽ làm ăn lâu dài.

Một trong các sản phẩm của nó, là Hiệp hội các nhà đầu tư (IDA) đã góp vốn, giao cho Ngân hàng Thế giới (WB) quản lý và giải ngân theo nguyên tắc: Đầu tư dài hạn cho khu vực nông thôn thông qua các ngân hàng bán buôn do WB lựa chọn và các ngân hàng bán lẻ, gần như không ưu đãi lãi suất cho người vay cuối cùng, chỉ để thấp hơn thị trường tí chút gọi là, buộc người vay cuối cùng phải cam kết bảo vệ môi trường (nhưng bản thân WB lấy lãi rất thấp, chưa đầy 1% / năm – dành gần toàn bộ lãi suất cho ngân hàng bán buôn và các ngân hàng bán lẻ như là sự chia sẻ rủi ro rất dễ gặp phải).

Đồng thời, IDA cũng dành cho các ngân hàng đại lý của mình một cấu phần tài chính để tăng cường năng lực thể chế vừa giúp họ có thể đưa vốn đến vùng xa, vùng sâu cho nông dân tiếp cận vừa nhằm “bình thông nhau” tập quán thanh toán quốc tế tại các khu vực có thành viên của IDA đến làm ăn. Đây là một “khế ước” lâu dài, nên họ thỏa thuận một đồng tiền quy ước là SDR (1 SDR = 1,24 USD tại thời điểm tháng 4- 2003).

WB đã dùng vốn của IDA tham gia Chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam năm 2002 bằng Dự án Tài chính nông thôn I có giá trị tương đương 200 triệu USD, kéo dài 40 năm và theo thỏa thuận chung, vốn được giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý - giải ngân.

Sau thấy bất tiện, vì nhiệm vụ chủ yếu của NHNN là quản lý nhà nước chứ không có chức năng thương mại; các ngân hàng thương mại tiếp cận để vào cuộc, nhưng chỉ có Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) là được cả WB và phía Việt Nam thống nhất lựa chọn.

Trên cơ sở của thành tựu Dự án I, BIDV đã đàm phán để WB nhất trí tài trợ Dự án Tài chính nông thôn II với tổng giá trị 200 triệu USD, thời hạn cũng 40 năm, có hiệu lực từ 14/4/2003 và sẽ khóa sổ vào 30/9/2008 tới đây.

Hiệu quả thấy rõ

Người ta tính sau giải ngân đợt 1, đã có ngót 200.000 tiểu chủ dự án được vay, 168.585 việc làm được tạo thêm. Mỗi đợt vay kéo dài từ 3 đến 5 năm, thì với 40 năm, Dự án II sẽ có khoảng 10 đợt giải ngân và số lượt người vay có thể đến 2 triệu. Chúng tôi đã tiến hành điều tra nhanh ở 6 tiểu dự án khác nhau và cho thấy kết quả như sau:

Ông Trịnh Đình Thận, ở Lập Ái, Gia Bình, Bắc Ninh vay 50 triệu đồng, từ tháng 9/2007, nuôi cá, vịt, lợn. Ông dùng lợi nhuận của vịt đẻ bán trứng để trả lãi ngân hàng, nuôi lợn và cấy lúa, đậu tương để đủ sống 6 người (4 con đang học) và để ra (sinh lợi) toàn bộ khoảng 60 triệu đồng tiền cá. Cũng ở xã này, ông Trịnh Đình Dụ vay 100 triệu đồng để nuôi cá, ngan Pháp và trồng chuối.

Sau một năm, tiền bán chuối gần đủ trang trải số lãi vay, để ra khoảng 150 triệu. Ông Ngô Văn Tốn ở Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh nuôi 1.475 con lợn giống, nuôi 1.000 con gà đẻ và vay 300 triệu của Dự án II để xây ao, mua 10.000 con ba ba, ông đã bán bớt 6.000 con, thu hồi vốn, hiện ba ba của ông đã chừng nửa cân / con, cuối sang năm bỏ rẻ cũng thu 1 tỷ. Ông Tốn dùng toàn bộ số nhau thai của lợn chế thức ăn cho ba ba, riêng khoản này đã đỡ chi chừng 150 triệu đồng/năm.

Do có cam kết môi trường, ông Tốn xây 150m3 hầm Bioga nên môi trường sạch sẽ, riêng dùng ga đã đỡ cho ông khoảng 400 triệu mỗi năm tiền điện chạy máy quạt, máy sưởi cho lợn. Ông cho biết mỗi năm trang trại của ông sinh lời 600 triệu, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là con số của nhà kinh doanh nói số lợi của mình.

Ông Lưu Văn Sơn ở Tây Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai vay 400 triệu để xây chuồng trại, mua tức ăn nuôi heo nái và heo thịt. Ông cho biết do dịch tai xanh, giá lợn hạ nên ông mất đúng số lãi, tức là khoảng 200 triệu. Ông xây 50m3 hầm Bioga chạy máy điện đủ dùng, nên nhà xây ngay gần chuồng trại mà vẫn mát mẻ.

Cũng do cam kết và giữ đúng cam kết bảo vệ môi trường, lò gốm đất đen của anh Trần Thanh Tâm ở Tân Vạn, Đồng Nai cũng xây ngay cạnh nhà ở và ông Lê Văn Lý ở Châu Thành An Giang xây lò gạch tuy nen với ống khói rất cao nên cây vườn xung quanh vẫn xanh tốt, sai hoa đậu trái. Anh Tâm vay 200 triệu, sau 1 năm lãi đúng 200 triệu, ông Lý vay 300 triệu, không cho biết số lãi, nhưng ông trả cho 20 lao động làm thuê mức lương chừng 3 triệu/ người, mỗi tháng.

Ông Lê Phú Tùng ở Hòa Bình, Chợ Mới, An Giang vay 1.550 triệu, mỗi năm làm ra 500 tấn cá da trơn, thu từ 6,5 đến 7 tỷ đồng, sinh lợi chừng vài tỷ vì tự chế lấy thức ăn cho cá, giá thành hạ, lại biết “né” vụ để bán xong giá cá mới xuống. Từ tay trắng, sau mấy năm làm ăn với Dự án Tài chính nông thôn I và II, ông mua được 42 công ruộng (4,2 ha).

Bà Vương Tiểu Lan ( Xiaolan Wang), Giám đốc tư vấn WB tại Việt Nam nhận xét: “BIDV trong suốt quá trình mấy năm thực hiện Dự án Tài chính nông thôn I và II đã không phụ lòng tin của NHNN, của WB. BIDV đã làm tốt hơn tất cả các nước mà WB đã thực hiện ý chí của IDA về mô hình này. Để đàm phán cho Dự án I, chúng tôi mất hơn 1 năm, cho Dự án II mất vài tháng, nhưng cho Dự án III sẽ triển khai trong nay mai, chúng tôi chỉ đàm phán mất có đúng 1 ngày”.

Có một điểm rất đáng suy nghĩ là lãi suất của Dự án không thấp hơn thị trường, cao hơn nhiều so với ngân hàng chính sách và các dự án ưu đãi khác của nhà nước nhưng, như đã thấy, lợi nhuận của nó là rất cao, trung bình từ 40 đến 50% số vốn.

Tôi đều hỏi mỗi người vay, họ đều trả lời số vốn là “đáng kể”, đủ cho chủ dự án thực hiện ý đồ của mình, điều mà các ngân hàng thương mại và chính sách khác không thể có nổi do các ràng buộc của định chế. Mặt khác, tỷ lệ rủi ro dưới 1%, nghĩa là rất thấp.

Tìm hiểu sâu hơn ở Sở Giao dịch III của BIDV - một Sở được lập ra để thực hiện Dự án I, II và nay đang là Dự án III, chúng tôi được biết quy trình thẩm định các tiểu dự án là hết sức nghiêm ngặt, luôn luôn có hệ thống kiểm tra đánh giá chéo, lại có hẳn một phòng Môi trường để thẩm định giải pháp của dự án và kiểm tra nó suốt quá trình vay.

Không nghi ngờ gì nữa, IDA và WB và BIDV nhắm đến những chủ dự án nhỏ và vừa ở nông thôn, họ được “tuyển lựa” kỹ lưỡng về năng lực làm ông chủ, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng qua xử sự với môi trường và trả công người lao động (ở cả hai đầu đất nước, các chủ dự án nhỏ đều trả cho người lao động trên dưới 100.000 đ mỗi ngày công hoặc 1.700.000 đ + cơm nuôi + nhà ở như ở trang trại ông Tốn.)

Vâng, các ông chủ ở nông thôn sẽ làm CNH, đô thị hóa ở nông thôn, bảo vệ môi trường ở nông thôn (tức là gần như toàn bộ đất nước!) thay Nhà nước lo toàn bộ “gánh lo toan” việc làm cho nông dân nông thôn để có thể rảnh tay, chỉ chuyên chú hoạch định chính sách, quản lý theo pháp luật.

Và dành số tiền hàng ngàn tỷ hằng năm vẫn chi thông qua các chính sách và định chế ưu đãi nông dân nông thôn vào đầu tư cơ sở hạ tầng, “mang chợ” đến tận ruộng, vườn, trại của nông dân; cũng như thay ý chí người nông dân phải có ruộng để họ cày cấy lấy công 5.000 đồng/ngày bằng ý chí người nông dân phải có ít nhất 90.000 đồng mỗi ngày, chẳng hạn.

MỚI - NÓNG