Trưa 25/2, ông Nguyễn Thanh Dũng, 41 tuổi, ở ấp Sóc Lèo B, thị trấn Lịch Hội Thượng (Trần Đề) phơi lúa giữa trời nắng gắt. Ông cho biết, có 9 ha lúa OM 4900, thu hoạch cách nay 2 ngày, bị nhiễm mặn mất trắng 0,7 ha, còn lại năng suất 4 tấn/ha (giảm khoảng 50% so với trước), được trên 33 tấn lúa nhưng thương lái chê xấu không mua. “Hai ngày nay đã có 3- 4 thương lái đến xem lúa nhưng đều lắc đầu bỏ đi vì lúa đen và lép nhiều”, ông Dũng nói.
Vợ ông Dũng là bà Trương Thị Đáng cầm nhật ký ghi chép ra cộng trừ rồi nói, vụ này đầu tư trên 120 triệu đồng nhưng giờ bán không ai mua nên không biết lấy gì trả nợ, “chưa năm nào làm lúa khổ như năm nay”. Mẹ của bà Đáng là bà Châu Thị Lan cũng vừa thu hoạch 1,7 ha, được gần 7 tấn lúa, không ai mua nên chở từ nhà ở trong ruộng ra sân của con gái gần 3 km để phơi nhờ. Bà Lan cho biết, đầu tư gần 40 triệu đồng nhưng giờ không có tiền trả nợ cho đại lý vật tư nông nghiệp.
Cùng ấp, bà Trần Thị Thi thu hoạch 1 ha lúa OM 4900, chỉ được vỏn vẹn 0,4 tấn cũng chưa bán được. Bà nói: “Tôi kêu 3 - 4 thương lái rồi nhưng họ chê lúa lép nên không mua”. Diện tích 1 ha bà đang canh tác lại là thuê của người khác với giá một năm 11 triệu đồng, bà hy vọng bán lúa có tiền cho con trai đi bộ đội kỳ này mà không được. “Con trai tôi tối nay lên đường đi nghĩa vụ quân sự rồi nhưng chưa có được xu nào cho con”, bà Thi quẹt nước mắt.
Phòng NN&PTNT huyện Trần Đề cho biết, vụ đông xuân 2016, toàn huyện có 22.712 ha. Tính đến ngày 22/2, diện tích nhiễm mặn hơn 2.681 ha, trong đó, diện tích mất trắng hơn 1.076 ha, còn lại thiệt hại 30 - 70%. Có 2.059 hộ đang gặp khốn đốn vì lúa bị xâm nhập mặn, phần mất trắng, phần năng suất thấp lại không bán được.