Đối mặt với hạn, mặn lịch sử - Bài cuối: Thủy, hỏa hợp bích

Kiểm tra nước dưới chân rừng tràm.
Kiểm tra nước dưới chân rừng tràm.
TP - Chưa bao giờ người dân ĐBSCL phải quay quắt như lúc này đồng thời đối phó với cả hạn và mặn. Hỏa hoạn rình rập những cánh rừng phòng hộ, nước mặn tấn công vào từng bữa ăn... Tương lai phía trước vẫn khắc khoải chờ...

Chảo lửa U Minh Hạ

Rừng tràm U Minh hạ trân mình gánh chịu nắng hạn khốc liệt được dự báo kéo dài, nguy cơ cháy rình rập. Những người quản lý, bảo vệ rừng và hàng ngàn hộ dân sinh sống vùng rừng căng mắt trong nắng đổ lửa xuống gần 40 ngàn héc ta rừng cấp báo cháy tăng lên từng ngày.

Cây cối, cỏ dại tuyến đường công vụ đường ống dẫn khí dọc tuyến kinh T21 phân chia Vườn quốc gia U Minh hạ với vùng đệm đã úa vàng, chết đứng với những biển báo dựng lên báo động cháy. Rừng tràm U Minh hạ đứng trước nạn cháy rừng do nắng nóng gay gắt, mùa mưa dừng sớm, mực nước rừng tràm U Minh hạ so với cùng kỳ thấp hơn 0,6 m.

Từ sáng sớm, nắng hầm hập, gió thổi mạnh, dớn nước vàng rộng hàng mét bờ kinh mương dọc ngang rừng tràm U Minh hạ. Trên 39.484 ha rừng ở đây có 65 chòi bằng sắt kiên cố và 62 chòi tạm bằng cây gỗ dựng lên để canh lửa.

VQG U Minh hạ có 8.527,8 ha rừng được bảo vệ nghiêm ngặt.

Đứng cổng VQG U Minh hạ, ông Huỳnh Minh Nguyên, GĐ VQG nói: “Mực nước kinh Minh Hà thấp hơn bên trong Vườn 2,5 m, đó là thành quả giữ nước phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) rất chu đáo, quyết liệt ngay từ cuối mùa mưa”.

Cty Lâm nghiệp U Minh hạ quản lý 20.135 ha rừng, dự báo cháy cấp II và cấp III, trong đó dự báo cháy cấp III gần 14 ngàn ha. Ông Trần Văn Hiếu, GĐ Cty Lâm nghiệp U Minh hạ nói: “Chúng tôi đã di chuyển 13 tổ máy bơm đến địa điểm cần thiết và huy động lực lượng ứng trực PCCCR 24/24, kể từ ngày 21/2/2016”.

Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Phòng cảnh sát PCCC Công an tỉnh tập huấn nghiệp vụ về công tác PCCCR cho các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm tại Cty Lâm nghiệp U Minh hạ, VQG U Minh hạ với 258 người tham gia. Ông Đỗ Văn Đồng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết: “Các đơn vị quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tràm đã chuẩn bị thiết bị chữa cháy, phương tiện đường thủy với 85 vỏ máy, hệ thống thông tin liên lạc bằng máy ICOM 106 cái, cùng điện thoại bàn và điện thoại di động để phục vụ PCCCR mùa khô”.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Trạm trưởng Trạm Kinh Đứng, quê Hà Tĩnh, đã gắn bó với rừng U Minh hạ hơn 15 năm, nói: “Vào mùa khô, anh em không được về thăm vợ con. Tất cả đều tập trung canh, giữ rừng”.

Ông Huỳnh Ngọc Cung, Trưởng ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi (Trần Văn Thời) nói: “Bà con vùng đệm tham gia trực canh lửa giữ rừng là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi vì khi lửa cháy rừng thì mảnh rừng, ruộng vườn cùng số phận của bà con đều bị ảnh hưởng”.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Quyển (Tư Quyển), 68 tuổi và bà Lê Thị Hai, 64 tuổi, ở ngã ba tuyến T21 và T19 thuộc ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi (Trần Văn Thời), từ năm 1980, vợ chồng ông dẫn 10 người con (8 trai, 2 gái) vào rừng U Minh hạ lập nghiệp trên diện tích 5 ha, vừa trồng rừng, vừa trồng lúa. Nhưng làm ăn khó khăn, con đông có vợ có chồng, đất đai trở nên chật hẹp nên đi Bình Dương làm công nhân hết.

Ông Tư Quyển nói: “Người dân ở đây sống chết vì rừng nên có ý thức canh chừng hỏa hoạn. Có khi đám cháy đốt đồng, bà con gánh nước cũng la làng cho mọi người biết để dập, không để cháy lan. Vợ chồng tôi giữ 3 ngôi nhà cho các con đi làm ăn xa, thay chúng nó trực phòng chống cháy rừng”.

Ông Tư Quyển chia sẻ thêm: “Bà con ở đây rất sợ cháy rừng, bởi “đốn củi 3 năm thiêu 1 giờ”. Khi rừng được giao bị cháy con cái đi làm ăn xa phải gọi về cùng chữa cháy, khiến đời sống càng khó khăn hơn. Nhận đất rừng mà cháy rừng còn mặt mũi nào nhìn bà con?”.

Đến nước lợ cũng hiếm

Chúng tôi về Bến Tre nơi bị nước mặn bao trùm, từ tháng 1/2016. Nước máy ở các đô thị có độ mặn trên 1 g/lít, còn người dân vùng ven biển đang khát cả nước có độ mặn 2 – 3 g/lít.

Cách trung tâm huyện Bình Đại chưa đầy chục cây số về hướng biển, cặp sông Cửa Đại là ấp 1, xã Bình Thới (Bình Đại, Bến Tre). Hai bên đường vắng vẻ, phần lớn nhà đóng cửa im ỉm. Duy nhất căn nhà lá cũ kỹ cặp mé sông mở cửa. Chủ nhà Nguyễn Thị Quyên, 41 tuổi, từ bên trong bước ra, thấy người lạ, hỏi: “Chú vô khảo sát để kéo nước máy hả? Tính khi nào kéo, làm sớm đi chứ dân ở đây tụi tui chịu hết nổi rồi”. Sau lời chào hỏi, biết là nhà báo, bà mời vào nhà: “Tôi biết mấy hôm nay nước máy lấy từ sông Ba Lai lên xử lý rồi bán cho dân, độ mặn đã lên đến 2 – 3 g/lít nhưng tôi và bà con ở đây mong có nước lợ đó để tắm, giặt còn đỡ hơn xài nước sông mặn chát”.

Như để thỏa nỗi ấm ức chất chứa, bà ngồi kể: ở đây cách xa trung tâm, đường sá khó khăn nên mỗi lần kêu xe chở nước phải đợi 4 – 5 ngày mới tới. “Nhiều lúc không có nước phải lấy can chạy xe đi xin nước về xài đỡ. Mấy chục năm chưa có năm nào mặn sớm và gay gắt như năm nay”.

Bản thân bà Quyên hằng ngày làm thuê từ sáng sớm đến chiều tối mới về, tiền công trên dưới trăm ngàn. Tuy nhiên, ngày có ngày không. Còn chồng bà làm công nhân cho một doanh nghiệp tư nhân, lương tháng hơn 4 triệu đồng. Gia đình bà có con gái học lớp 6. “Vợ chồng tôi làm không dám nghỉ tay. Đời tôi đã khổ nên cố gắng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn nhưng hằng ngày lo mưu sinh đã oải, lại còn lo thêm nước sinh hoạt đắt đỏ, mệt hơn”, bà Quyên thở dài. 

Đối mặt với hạn, mặn lịch sử - Bài cuối: Thủy, hỏa hợp bích ảnh 1

Mẹ con bà Trần Thị Yến Ngọc chắt chiu từng giọt nước rửa rau.

Cùng ấp, bà Trần Thị Yến Ngọc bán bánh mì ở chợ Bình Đại, ngao ngán: “Tôi mong có nước máy đến để xài chứ tình trạng này kéo dài là dân xơ xác”. Ngồi trò chuyện, bà nghĩ về tương lai sẽ không biết ra sao. “Sắp tới trời không mưa thì không biết tiền đâu mà mua nước lợ. Cả tháng nay vợ chồng tôi chắt chiu từng giọt nước, đến nỗi cả hai đều phải tắm nước sông mặn chát. Sau đó, lên nhà dội đỡ vài ca nước lợ cho đỡ ngứa. Còn con cái học hành tới đâu hay đến đó chứ không dám mơ sẽ lo cho con thành tài”. Gia đình bà Ngọc từ đầu năm đến nay đã mua hơn chục xe bồn chở nước, nơi này xa các giếng có nước ngọt nên giá mua rất đắt. Trước tết, giá một xe chở 2 m3 là 100.000 đồng, nay lên 180.000 đồng. Bà nhẩm tính mà buồn lòng, bán bánh mì cả ngày lời chưa đầy trăm ngàn, còn mua xe nước bằng hơn 2 ngày làm, mà xài chưa đầy tuần là hết.

Cách nhà bà Ngọc một đoạn, đến nhà ông Nguyễn Văn Thể, 65 tuổi, hoàn cảnh còn khó khăn hơn khi hai vợ chồng già, sống nhờ chiếc ghe nhỏ cũ kỹ, sang sông (bên huyện Gò Công, Tiền Giang) chặt củi thuê. Nói về công nghệ xài nước thời nhiễm mặn, vợ ông Thể cho biết, nước rửa rau xong rồi dùng rửa chén, sau đó tưới cây. Còn giặt đồ thì trước đây xả 3 lần nước, giờ còn 2, xen kẽ 1 lần nước mặn cho đỡ hao. Tuy nhiên, mỗi tháng cũng tốn gần 500.000 đồng.

Cùng ấp, ông Phan Văn Út chỉ tay về dãy lu 6 cái trước nhà để trữ nước mưa, nay trơ đáy: “Tôi gọi điện kêu mấy ngày mà xe chưa chở tới, trong khi giá đắt đỏ”. Ông Út có 0,5 ha ao nuôi tôm chưa dám thả tôm giống vì mặn và nắng gắt. “Bây giờ làm ăn khó khăn, nuôi tôm thua lỗ. Trong khi, đi biển cá ít, cả chủ và người làm công đều không có ăn. Dân nghèo giờ không biết làm gì để sống”, ông nói.

Đối mặt với hạn, mặn lịch sử - Bài cuối: Thủy, hỏa hợp bích ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Lan chở nước trên con đường cây cối héo xác xơ. Ảnh: Hòa Hội.

Ở Bình Đại, một số khu vực có những ngôi chùa có giếng nước ngọt, đang là chỗ dựa cho các gia đình nghèo. Chiều 21/2, bà Nguyễn Thị Lan dắt xe đạp chở đứa con trai hơn tuổi ngồi trên bội phía trước, đeo sau 2 can nhựa loại 20 lít đầy nước, ỳ ạch hơn hai cây số trên con đường lồi lõm để về nhà. Mồ hôi ướt áo, bà ngừng lại kể: “Nhà nghèo không tiền mua nổi cái bồn chứa nước lấy đâu mua nước xe nên ngày nào tôi cũng đạp xe ra chùa chở nước về sinh hoạt”, bà than thở.

Phóng viên Tiền Phong chạy qua 4 – 5 giếng nước ở các chùa, đến 7 – 8 giờ sáng hầu như giếng nào cũng cạn trơ đáy.

Những ngày này, bắt gặp nhiều xe chở nước chạy khắp các con đường ở huyện Bình Đại từ trung tâm đến các con hẻm sâu phục vụ dân suốt ngày đêm. Chủ xe bồn Lê Văn Sang đang ngồi chờ nước chảy vào bồn vẻ mặt trầm ngâm: “Tôi thức từ 4 giờ sáng để bơm nước vào xe bồn, chạy đến chiều tối được 10 chuyến, mỗi xe bán giá 70.000 đến 150.000 đồng, tùy gần xa. Tuy nhiên, khách hàng ở gần gọi điện liên tục nhưng không dám nhận, phải hẹn vì không đủ nước”.

Trước tết, giá một xe chở 2 m3 là 100.000 đồng, nay lên 180.000 đồng. Bà Ngọc nhẩm tính mà buồn lòng, bán bánh mì cả ngày lời chưa đầy trăm ngàn, còn mua xe nước bằng hơn 2 ngày làm, mà xài chưa đầy tuần là hết.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.