Từ sau chuyển đổi đất trồng lúa xen nuôi tôm, dọc tuyến Sông Trẹm (Thới Bình) canh cánh nỗi lo thiếu nước ngọt vào mùa khô. Bà con mua lu, khạp, thùng phi… trữ nước mưa để uống. Còn nước sinh hoạt phải tốn vài trăm ngàn đồng đổi nước giếng, nước ngầm nơi khác.
“Móng tay móng chân vàng hoe”
Giữa cái nắng cháy da, cháy tóc vào điểm giao mùa khô, ông Lê Văn Diễn, ở ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch (Thới Bình), sang nhà ông Trần Văn Năm, bàn chuyện đổi nước. Thấy chúng tôi cùng vài cán bộ UBND xã Biển Bạch đến, ông Năm cầu xin: “Mấy ông làm ơn cho cấp trên kéo nước sạch, lẹ lẹ, thiếu nước ngọt chịu hết nổi rồi”. Bà Nguyễn Thị Ba ở gần đó trờ đến, ngồi bệt xuống đất trước hiên nhà, nói: “Đi gom gốc rạ, sình bùn, ngứa muốn điên đầu, nghĩ đến tắm giặt bằng nước phèn, nổi da gà”. Ngôi nhà kế bên, người dân khom lưng, múc nước vàng khè để xài. Bà Ba cho biết, bà con ở đây nuôi heo lớn để bán, có tiền mua sắm đồ đạc trong nhà. Vào mùa khô, nếu heo chưa lớn cũng phải bán bớt vì sợ thiếu nước, uống nước phèn, heo đổ bệnh. “Nhà tôi, xài tiết kiệm lắm cũng phải tốn hơn 100 ngàn đồng đổi nước ngọt”, bà Ba thở dài.
Tại nhà bà Trần Thị Út cùng ở ấp Thanh Tùng, chiếc ao còn chút nước, nhiều gia đình xung quanh đến xin nước mòn bờ ao. Bà Út nói: “Đàn ông tắm nước phèn, chỉ được tắm một lần trước khi đi ngủ. Chị em phụ nữ xài nước phèn đẹp tự nhiên, móng tay móng chân vàng hoe, mạ vàng 18 không bằng”. Nhiều người ở xã Biển Bạch nói họ thuê thợ khoan giếng nhưng không gặp mạch nước ngầm. Ông Lê Văn Kịp kể: “Nhiều dàn thợ hì hục suốt tháng trời, ăn cơm trừ, không dám lấy tiền vì không có nước ngọt”.
Người dân phải đi xa gánh nước ngầm để sinh hoạt hằng ngày.
Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đoàn Xuân Nguyện cho biết: “Nước sạch cho xã Biển Bạch nói chung là nan giải. Đặc biệt, ở ấp Thanh Tùng không khoan được nước sạch. Chúng tôi đã kiến nghị cấp trên đầu tư trạm nước sạch tại trung tâm xã để kéo về cho bà con nhưng chưa được”. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch - vệ sinh môi trường Cà Mau, nói: “Cứ tới mùa khô là sốt ruột, ở xã Biển Bạch không có nước ngầm để khai thác. Chúng tôi đang làm thủ tục đầu tư 31 tỷ đồng để xây dựng trạm nước ngọt tại xã Tân Bằng, rồi kéo 75 km đường ống cho bà con xã Biển Bạch, nhưng thủ tục quá chậm”.
Năng suất lúa giảm 2/3
Ngày 21/2, Sở NN & PTNT Cà Mau thống kê sơ bộ, có 28.400 ha lúa bị thiệt hại do nắng nạn, trong đó có 18.000 ha lúa trên đất nuôi tôm và 10.400 ha lúa đông-xuân. Có 5.800 ha lúa gần như mất trắng. Các địa phương trong tỉnh nói rằng, diện tích lúa thiệt hại chưa có dấu hiệu dừng lại do nắng hạn gay gắt kéo dài.
Đi qua những ruộng lúa trên đất nuôi tôm ở xã Biển Bạch, Tân Bằng, Tân Lộc, Tân Lộc Bắc (Thới Bình), xã Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hưng (Trần Văn Thời), xã Khánh Hội, Khánh Tiến (U Minh), chúng tôi đều thấy cảnh thiếu nước và xâm nhập mặn. Bà con cho biết, mỗi công lúa chỉ khoảng 20 giạ thay vì gần 40 giạ so với những năm trước. Vả lại, lúa chín sớm do thiếu nước nên không chắc hạt, lúa lép nhiều hơn. Ông Lê Văn Kịp, ở ấp 18, xã Biển Bạch, trồng 35 công lúa, bình thường mỗi năm thu về trăm giạ. Nhưng năm nay, “tôi chỉ mót được gần 10 công, không đủ gạo ăn”, ông Kịp than. Hàng xóm Lê Hoàng Nam nói: “Mưa ít, nắng nhiều, không đủ rửa mặn mặt đất trên đất nuôi tôm, bị mất trắng 20 công lúa, phải mua gạo ăn hằng ngày”. Ông Lê Văn Thương (ở xã Khánh Hải) thở ngắn thở dài: “Năm nay, mưa ngừng, nước cạn, năng suất lúa đông xuân của bà con ở đây giảm 2/3 bình thường”.
Khi mặt ruộng không còn nước, bà con cũng không thể bơm nước dưới sông, rạch lên cứu lúa vì nước mặn. Ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết, vùng sản xuất lúa 2 vụ của huyện hoàn toàn phụ thuộc nước trời, nên bà con đành chịu trận. Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đoàn Xuân Nguyện nói: “Bà con trong xã trồng khoảng 200 ha, mưa ít, nắng nhiều, lúa chết. Chúng tôi vận động bà con cố gắng giữ, nhưng không biết mùa sau còn bao nhiêu”.
Giải pháp - có, tiền - không
Tại cuộc hội nghị bàn biện pháp chống hạn mặn khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kiến nghị giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, La Nina. Đối với vùng rừng U Minh hạ, phải nạo vét, mở rộng tuyến kênh trục để trữ nước, tăng cường tuyến đê, đập, cống chống xâm nhập mặn vào mùa khô.
Trước đó, Sở NN&PTNT Cà Mau kiến nghị chuyển đổi 34.713 ha đất lúa, mía tại huyện Thới Bình, 8.798 ha đất trồng lúa tại huyện U Minh và 18.8 ha đất trồng lúa tại thành phố Cà Mau sang sản xuất lúa-tôm. Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN & PTNT Cà Mau, nói: “Chúng tôi đã kiến nghị điều chỉnh lại Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 mang tính khoa học, khả thi, phù hợp với lợi thế và tình hình thực tế của từng địa phương”.
Vì đói nghèo, bà con lén đưa nước mặn vào rừng để nuôi tôm. Ảnh: N.T.H
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát định hướng về việc dẫn nước ngọt từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau, trữ nước ngọt… Theo giới chức các địa phương, những việc này cần vốn đầu tư lớn, vượt quá khả năng của họ. Những năm qua, Cà Mau mời gọi các nhà tài trợ xây dựng hồ chứa nước ở U Minh hạ, khoảng 200 ha, trữ lượng 8-10 triệu m3, nhưng chưa tổ chức nào gật đầu. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, nói: “Trước mắt, chúng tôi xin vốn để nạo vét hệ thống kinh mương để tăng trữ lượng nước, duy tu cống bọng, đê điều để chống xâm nhập mặn vào vùng ngọt hóa vào mùa khô. Đây là số vốn vượt quá khả năng của địa phương, hàng ngàn tỷ đồng, phải xin Trung ương”.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh đã tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về tác động của biến đổi khí hậu, cách thức ứng phó…
__________
(Còn nữa)
Nguy cơ cháy rừng
Rừng tràm U Minh hạ nằm trong vùng ngọt hóa huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình (Cà Mau) đang bị khô hạn khốc liệt; mực nước trong rừng thấp hơn cùng kỳ hằng năm đến 0,6m. Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh hạ, cho biết: “Nguy cơ cháy rừng rất cao nên anh em thay phiên canh trực suốt những ngày Tết”. Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, nói: “Chúng tôi đã đắp đập để giữ nước sớm, vừa khảo sát khô hạn và tăng cường lực lượng, phương tiện để phòng chống cháy rừng”. Hàng trăm hộ dân sống vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh hạ canh trực trên phần đất của minh, vừa thay phiên nhau đầu quân cho Vườn Quốc gia để phòng cháy chữa cháy rừng. Khoảng 40.017 ha có nguy cơ cháy rất cao.
Đói nghèo, nông dân tiếp tay cho xâm nhập mặn
Đất rừng U Minh Hạ 39.484 ha nằm ở huyện Trần Văn Thời, U Minh đang bị nước mặn bao vây. Một phần do xâm nhập mặn vào mùa khô, một phần do bà con “xé rào” đưa nước mặn vào vùng đệm nuôi tôm. Ông Năm Đảm ở ấp 18, xã Nguyễn Phích (U Minh) nói: “Mấy năm trước, rừng ngập mặn miệt Năm Căn có mô hình “con tôm ôm cây đước”. Còn xứ này tự phát mô hình “con tôm ôm gốc tràm” cũng kha khá”. Những cây tràm lưa thưa, èo uột không chịu được nước mặn. Ai cũng hiểu, đưa nước mặn vào rừng, tràm sẽ không xanh nổi, nhưng cưỡng lại cái đói nghèo càng khó hơn. Ông Đảm nhận khoán 5 ha đất rừng, quy hoạch 30% trồng lúa, 70% trồng rừng, nhưng lén đưa nước mặn vào nuôi tôm cho đỡ nghèo. Ông Năm Nha, Trưởng ấp 18, nói rằng, chuyện khó, khổ, đói diễn ra thường xuyên, nên chuyện “ăn cắp” nước mặn nuôi tôm của bà con được lờ đi. Nhiều hộ nhận khoán đất rừng làm ăn không khấm khá, đã “sang tay” năm lần bảy lượt mà vẫn nợ ngân hàng. Ông Trương Minh Tặng nói: “Tôi mắc nợ ngập đầu, không sao ngóc nổi vì thế chấp “bằng khoán xanh” để vay 18 triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con lên gần 100 triệu đồng”.
Chuyện đưa nước mặn vào rừng tràm nuôi tôm ở Trần Văn Thời, U Minh, rồi đốt bỏ mía để nuôi tôm ở Thới Bình diễn ra đã lâu. Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thới Bình, nói: “Bà con sống trong vùng ngọt hóa nôn nóng chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang luân canh lúa-tôm. Thực ra, bà con đã tự chuyển đổi từ ngọt sang lợ nhỏ lẻ, da beo. Nếu được thay đổi quy hoạch theo hướng lúa-tôm sẽ được đồng thuận, không phải vận động, xử phạt bà con ham làm giàu”.