Đối mặt với hạn, mặn lịch sử:

Ưu tiên các nguồn lực phòng chống hạn, mặn

Người dân Thới Bình, U Minh đang chỉ nước đã cạn xuống trên cánh đồng. Ảnh: Tiến Hưng
Người dân Thới Bình, U Minh đang chỉ nước đã cạn xuống trên cánh đồng. Ảnh: Tiến Hưng
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 22/2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, Chính phủ, các ngành và địa phương đang ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phòng chống hạn, xâm nhập mặn có tính lịch sử, đặc biệt là ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Đối mặt hạn, mặn lịch sử

Ông Thắng cho biết, ngày 22/2, tại Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc về tình hình hạn hán với một số tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Theo ông, dự báo của các chuyên gia quốc tế và trong nước, năm nay hiện tượng El Nino cường độ mạnh và kéo dài, khiến lượng mưa ít hơn, nhiệt độ tăng cao, nước bốc hơi nhiều.

Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng trên phải tới 60 năm mới xuất hiện một lần, với độ tác động, ảnh hưởng kỷ lục. Do vậy, nguồn nước tại các sông suối, ngay cả trong mùa mưa rất ít, lượng nước tích trữ ở các hồ chứa cũng ở mức thấp.

Thưa ông, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp gì ứng phó với hạn hán và xâm mặn ở ĐBSCL?

2016 là năm tác động mạnh của El Nino, nên ngay trong mùa mưa, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã chỉ đạo địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ. Các địa phương cũng nhìn nhận thấy vấn đề nên họ vào cuộc quyết liệt.

Trước hết, là đánh giá lại nguồn nước, để định hướng sản xuất. Chỗ nào phải dừng sản xuất, hoặc chuyển sang cây trồng sử dụng ít nước. Có giải pháp cung cấp nước sinh hoạt cho dân.

Hiện các cơ quan như Tổng cục Thuỷ lợi, Viện khoa học Thủy lợi đã có những bản dự báo cập nhật liên tục về hạn hán và xâm nhập mặn, nhất là tại ở ĐBSCL để kịp thời chỉ đạo địa phương điều chỉnh thời vụ. Chỗ nào phải dừng sản xuất, các địa phương cũng thực hiện nghiêm túc. Theo dự báo, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khá nặng vào sâu với nồng độ cao như ở các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre…

Còn với vùng trọng điểm của hạn hán ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên thì sao thưa ông?

Ưu tiên các nguồn lực phòng chống hạn, mặn ảnh 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng.

Hạn hán ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên là việc cần ứng phó, xử lý ngay, nhưng cũng là vấn đề lâu dài. Trước mắt, khu vực này phải kiểm đếm nguồn nước, tùy tình hình cụ thể ở từng địa phương để lên phương án sử dụng nước. Trong đó, phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm có giá trị cao (như cà phê, hồ tiêu…); điều chỉnh thời vụ, cây trồng… Những giải pháp ngắn hạn đó, hiện các địa phương đang chỉ đạo rốt ráo. Nhiều nơi huy động cả lực lượng vũ trang chuyển nước đến cho dân. Ở Ninh Thuận, người dân dời đàn gia súc đến vùng khác để chăn nuôi…

Về lâu dài, cần định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn cây dùng ít nước, phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội địa phương; trồng rừng để giữ nước; tăng cường hạ tầng như hồ chứa, hệ thống kênh mương, đặc biệt khuyến khích sử dụng tiết kiệm nước.

Với những vùng không sản xuất được, sẽ hỗ trợ người dân ra sao để duy trì cuộc sống, chống chọi với hạn, mặn?

Cùng với các giải pháp trên, cần hỗ trợ người dân, nhất là hộ khó khăn về gạo không để đói khát; vùng chuyển đổi cơ cấu có thể hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp (phân bón…). Vùng cần nạo vét kênh mương, đắp đập tạm trữ nước, bơm nước, chuyển nước…trong điều kiện vượt quá ngân sách địa phương, cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ từ nguồn ngân sách T.Ư.

Kêu gọi các nhà tài trợ

Thưa ông, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hạn, mặn cần một một nguồn lực rất lớn, chúng ta huy động nguồn lực từ đâu cho vấn đề này?

Về nguồn lực, không phải đến lúc này mới tính. Thủ tướng đã chỉ đạo trong hai năm gần đây, kêu gọi, vận động các nhà tài trợ quốc tế tài trợ vốn cho các tỉnh khô hạn. Trong gian đoạn tới, sẽ ưu tiên trái phiếu Chính phủ cho một số hồ lớn.

Một số đối tác phát triển đã cam kết hỗ trợ trong Chương trình an toàn đập, các tỉnh trong vùng hạn đều được cấp vốn từ chương trình này. Với chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, các tỉnh Tây Nguyên và Ninh Thuận, Bình Thuận đều được hỗ trợ. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đang nghiên cứu một dự án quản lý nước cho vùng hạn, trong đó có hỗ trợ cho một số tỉnh hạn nặng ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Bộ NN&PTNT cũng chủ động đưa vào kế hoạch vốn trung hạn một số công trình, dự án từ nguồn ngân sách do Bộ quản. Một số dự án phục vụ tái cơ cấu ngành, trong đó có tái canh cây cà phê, tưới tiết kiệm nước cho cà phê, lúa…

Riêng ở ĐBSCL, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ cho khu vực này với nhiều chương trình dự án. Hiện có nhiều đối tác như Ngân hàng Thế giới (WB) đang hỗ trợ ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với dự án trên 300 triệu USD; Chính phủ Nhật Bản thông qua tổ chức JICA cũng hỗ trợ trực tiếp cho một số dự án; đồng thời Chính phủ cũng đang chuẩn bị kỹ thuật cho một số dự án khác.

Cảm ơn ông!

Nhiều hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu

Sáng 23/2, tại thành phố Cần Thơ, Bộ TN&MT phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao về quy hoạch ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Tham dự có bà Đại sứ Catharina, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, đại diện nhiều cơ quan trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL. Hội nghị nhằm tập hợp các ý kiến để lập ra quy hoạch và xây dựng chương trình cho ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là quy hoạch sử dụng đất và nước, giảm tổn thương do hạn hán, lũ, xâm nhập mặn; phân bổ nguồn lực để thực hiện trong từng giai đoạn; hành động kịp thời để ngăn ngừa các tác động xã hội có thể nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia Hà Lan đã giới thiệu bản kế hoạch có 4 kịch bản dài hạn và biện pháp đo lường tác động biến đổi khí hậu với ĐBSCL.   

                Trường Ca- Sáu Nghệ

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.