Nóng chuyện đầu tư vào di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn

Một góc di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Ng. Thành
Một góc di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Ng. Thành
TP - Dự án Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn là một trong số 16 dự án trọng điểm mà thành phố Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh kêu gọi đầu tư vào di tích cấp quốc gia đặc biệt này, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Di sản văn hóa; đồng thời phải được Thủ tướng thông qua Quy hoạch quản lý di tích này. 

Nhiều lo ngại

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Báo cáo số 21 về chương trình xúc tiến đầu tư năm 2019 của thành phố. Đi kèm với báo cáo này là danh sách 44 dự án kêu gọi đầu tư và danh mục gồm 16 dự án trọng điểm đang đàm phán, xúc tiến đầu tư. Đáng chú ý, trong số 16 dự án trọng điểm có dự án Khu công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) đang được một nhà đầu tư của Singapore quan tâm. Tuy số vốn đầu tư chưa xác định nhưng UBND TP Đà Nẵng cho biết: “Nhà đầu tư quan tâm và đang đề xuất phương án quy hoạch cho dự án”.

Nóng chuyện đầu tư vào di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn ảnh 1 Lãnh đạo TP Đà Nẵng đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn sáng ngày 20/1/2019. Ảnh: Văn Tâm 

Điều đáng nói, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng di tích cấp quốc gia danh thắng Ngũ Hành Sơn là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Việc mời gọi đầu tư nước ngoài ở khu di tích cấp quốc gia đặc biệt khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi, lo ngại liên quan đến dự án này.

“Muốn làm trước hết phải quy hoạch quản lý di tích trước đã. Khi có quy hoạch quản lý di tích được Thủ tướng phê duyệt, trên cơ sở đó mới triển khai dự án công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn”. 

Ông Huỳnh Văn Hùng, 
Giám đốc Sở Văn hóa  – Thể Thao TP Đà Nẵng 

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao (VH -TT) TP Đà Nẵng cho biết: Trước đây thành phố có chủ trương xây dựng Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, hiện nay thành phố đang giao cho các sở ngành tiếp tục kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay di tích Ngũ Hành Sơn đã được Thủ tướng công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt nên tất cả đang phải dừng lại để làm quy hoạch chung về quản lý di tích Ngũ Hành Sơn. Nhất quyết không thể làm riêng, tách rời công viên văn hóa ra khỏi di tích đặc biệt này được.

“Muốn làm trước hết phải quy hoạch quản lý di tích trước đã. Khi có quy hoạch quản lý di tích được Thủ tướng phê duyệt, trên cơ sở đó mới triển khai dự án công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn”, ông Hùng nói.

Theo ông Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng, Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn đã kêu gọi 10 năm nay nhưng không có nhà đầu tư nào vào đầu tư. Dự án đang tạm thời dừng lại để chờ quy hoạch chung về quản lý di tích theo Nghị định 166 của Chính phủ, rồi mới triển khai sau.

Nóng chuyện đầu tư vào di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn ảnh 2 Thực hiện nghi thức cắm mốc di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn tại lễ đón nhận Bằng xếp hạng Ảnh: Văn Tâm

“Chúng tôi đang báo cáo UBND TP để làm quy hoạch. Hiện nay, đang mới giai đoạn báo cáo, một vài tháng nữa mới hợp đồng với đơn vị nước ngoài làm quy hoạch di tích. Trong quy hoạch di tích đó, có một phần công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn. Công viên văn hóa phải nằm trong tổng thể di tích, không thể tách rời. Nếu tách rời sẽ phá hoại di tích cấp quốc gia đặc biệt này”, ông Hùng cho biết.

Đồng thời, ông Hùng cũng cho biết: Việc xây dựng công viên văn hóa phải chấp hành các quy định của Luật Di sản văn hóa và buộc phải tuân thủ theo quy hoạch quản lý di tích. Công viên phải nằm trong tổng thể quy hoạch quản lý của di tích.

Bài toán bảo tồn và phát triển

Trong khi đó, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết: Việc xây dựng dự án Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn muốn triển khai tất cả phải được Bộ VH-TT&DL thông qua. Di tích Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, nên việc thu hút đầu tư và triển khai dự án phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của Luật Di sản văn hóa. Nếu trước đây di tích chưa được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt thì chỉ cần căn cứ theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch. Nhưng nay phải bắt buộc tuân thêm theo Luật Di sản văn hóa. “Tất cả sẽ được kiểm soát rất nghiêm ngặt, tuân thủ đúng các quy định của luật”, ông Vũ Quang Hùng cho biết.

Được biết, năm 2009, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định số 4064/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn kèm theo bản vẽ tổng mặt bằng quy hoạch, tỷ lệ 1/2000 do Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và thực nghiệm kiến trúc xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc TPHCM lập. Vị trí quy hoạch dự án thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn với phía đông giáp đường Sơn Trà - Điện Ngọc, phía tây giáp sông Cổ Cò, phía nam giáp sông Cổ Cò, làng đá mỹ nghệ Non Nước và phía bắc giáp khu dân cư quy hoạch.

Tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch là 138,9426ha. Hình thái không gian Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn được cấu trúc theo ý tưởng kết nối 5 ngọn núi của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ Sơn) với sông Cổ Cò và Biển Đông. Khi xây dựng Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn sẽ có các khu chức năng như: Khu Trung tâm lễ hội; Khu Bảo tàng đá - Công viên Ngũ Hành; Khu Chùa Quán Thế Âm; Khu Làng hành hương và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng; Khu Vườn tượng; Khu buôn bán đá mỹ nghệ; Khu Danh thắng bảo tồn; Bãi xe….

Năm 2016, UBND TP Đà Nẵng đã có điều chỉnh ranh giới quy hoạch dự án này. Dự án này đã nhiều lần được Đà Nẵng mời gọi đầu tư nhưng sau 10 năm vẫn chưa có nhà đầu tư nào nhảy vào. Dự án treo suốt thời gian dài khiến người dân trong vùng dự án bức xúc.          

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.