Kế hoạch kiểm toán Nhà nước năm 2014:

'Nội soi' hàng loạt tập đoàn, tổng công ty

Năm 2014, sẽ kiểm tra các tổng công ty và tập đoàn. Ảnh: Hồng Vĩnh
Năm 2014, sẽ kiểm tra các tổng công ty và tập đoàn. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sáng 18/2, tại cuộc họp công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014, ông Lê Minh Khái - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết trong năm 2014 sẽ tiến hành kiểm toán 42 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước (năm 2013 là 32), đi sâu vào nhóm tập đoàn tài chính, tiền tệ để đánh giá ảnh hưởng, hiệu quả tới nền kinh tế.

Đưa các “ông lớn” lên bàn “nội soi”

Phó tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết năm 2014, tổng số đầu mối kiểm toán là 185 (năm 2013 là 151). Trong đó có 14 bộ, ngành, cơ quan trung ương; 35 tỉnh, thành phố, 17 chuyên đề độc lập; 35 dự án đầu tư; 42 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước; 11 đầu mối kiểm toán thuộc Bộ Quốc phòng 30 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng.

Năm 2014 KTNN sẽ tập trung kiểm toán để phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế (tái cơ cấu đầu tư công, DNNN, các tổ chức tín dụng); kiểm toán thu, đặc biệt là kế hoạch thu ngoài quốc doanh, các khoản thuế lệ phí ngành giáo dục, y tế, giao thông… gắn với các chuyên đề giáo dục đào tạo, xây dựng nông thôn mới. Kiểm toán một số vấn đề xã hội quan tâm, như: giá xăng dầu, thu mua lúa gạo, sử dụng vốn cho vay - đầu tư tại một số ngân hàng...

Kế hoạch cũng đặt ra việc kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2013 của một số tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Thép…

Ngoài ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), kế hoạch kiểm toán trong năm 2014 sẽ có các tổng công ty bảo hiểm, tài chính lớn như Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Công ty Cho thuê tài chính 1 (ALC1) và ALC2 thuộc Agribank; Công ty Cho thuê tài chính của BIDV, của Vietinbank và Vietcombank…

Một số dự án đầu tư lớn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, công trình Nhà Quốc hội, dự án cải tạo trụ sở làm việc của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, trụ sở Bộ Ngoại giao, cầu Nhật Tân, cao tốc Nội Bài - Lào Cai…cũng sẽ nằm trong diện kiểm toán năm nay của KTNN.

Ngân hàng: Điểm nóng

Năm 2013, KTNN đã làm thủ tục chuyển 5 vụ việc cho các cơ quan chức năng, trong đó 4 vụ việc được chuyển cho cơ quan điều tra và 1 hồ sơ cho cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước để điều tra, thanh tra, xử lý những vụ việc, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán.

Cụ thể, 1 hồ sơ liên quan tới lĩnh vực ngân hàng là vụ việc bán ngoại tệ cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam của 3 ngân hàng: HSBC, BIDV chi nhánh Cần Thơ, Agribank. 4 vụ việc được chuyển cơ quan điều tra liên quan tới khả năng thất thoát vốn ở Tổng công ty Tài chính Sông Đà; mua bán không thu hồi được nợ và đầu tư của Tổng công ty thủy sản (Seaprodex); cho vay một số dự án về bất động sản không chấp hành đúng quy trình thủ tục của chi nhánh Agribank ở Bình Phú và TPHCM.

Về việc chi trả lương khủng cho lãnh đạo các doanh nghiệp công ích ở TPHCM, ông Khái khẳng định vai trò phát hiện của Kiểm toán Nhà nước đồng thời đánh giá cao xử lý của lãnh đạo TPHCM. Kiểm toán và thành phố vẫn tiếp tục xử lý một số đơn vị, cá nhân liên quan với các hình thức kỷ luật phù hợp nhưng chưa đến mức khởi tố.

Trả lời câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm toán đối với vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng xảy ra tại Vietinbank, ông Lê Minh Khái cho rằng khi kiểm toán một ngân hàng, kiểm toán chỉ có thể thực hiện bằng cách chọn mẫu. Nên việc không phát hiện được vụ việc này có thể do khi thực hiện kiểm toán, các hoạt động liên quan đến vụ việc này không nằm trong mẫu chọn của kiểm toán.

Nhiều tập đoàn thất thoát 50% vốn đầu tư ngoài ngành

Trước câu hỏi về việc nhiều tập đoàn nhà nước đầu tư ngoài ngành tràn lan, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết có một thực tế “số vốn bị thất thoát do đầu tư trái ngành nghề của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có chỗ lên tới 40 – 50%”.

Ông Mai Xuân Hùng nhận định, việc đầu tư ngoài ngành cũng xuất phát từ chủ trương ban đầu khi thành lập các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước với mục tiêu thành lập các tập đoàn đa ngành nghề, đa lĩnh vực mà quên mất ngành chính.

“Bản thân sức khỏe của doanh nghiệp còn yếu, làm trong lĩnh vực chính của mình còn chưa xong thì nói gì đến việc đầu tư ra ngoài ngành”, ông Hùng nhận xét. Ông Hùng cho rằng đây là bài học đắt giá và việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bây giờ là việc rất đáng làm, dù muộn.

Kiến nghị xử lý gần 23 nghìn tỷ đồng

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ 150 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính gần 22.780 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu hơn 4.000 tỷ đồng; các khoản giảm chi hơn 5.290 tỷ; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước gần 2.590 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước gần 9.820 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác gần 1.070 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG