'Nói không' với bằng tại chức: Không bỏ sót người tài

Sinh viên lớp học tại chức Viện ĐH Mở Hà Nội - trung tâm đặt tại Đà Nẵng (đường Nguyễn Tất Thành) khó có “cửa” vào cơ quan nhà nước tại Đà Nẵng?
Sinh viên lớp học tại chức Viện ĐH Mở Hà Nội - trung tâm đặt tại Đà Nẵng (đường Nguyễn Tất Thành) khó có “cửa” vào cơ quan nhà nước tại Đà Nẵng?
TP - Đưa ra quy định không tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan hành chính nhà nước, ngành chức năng Đà Nẵng vẫn cho rằng, không lo bỏ sót người tài bởi đang có nhiều kênh “chiêu hiền đãi sĩ” khác.

> 'Nói không' với bằng tại chức: Chọn 'danh' để tìm người giỏi

Sinh viên lớp học tại chức Viện ĐH Mở Hà Nội - trung tâm đặt tại Đà Nẵng (đường Nguyễn Tất Thành) khó có “cửa” vào cơ quan nhà nước tại Đà Nẵng?
Sinh viên lớp học tại chức Viện ĐH Mở Hà Nội - trung tâm đặt tại Đà Nẵng (đường Nguyễn Tất Thành) khó có “cửa” vào cơ quan nhà nước tại Đà Nẵng? . Ảnh: Nguyễn Huy

Săn người tài từ bậc phổ thông

Đề án 47 phát triển nguồn nhân lực thành phố đang là một trong những kênh được quan tâm nhiều nhất, bởi chính sách đãi ngộ cùng điều kiện đầu vào không phải ai cũng đạt được.

Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó GĐ Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng cho hay: để tham gia đề án, các đối tượng phải đảm bảo tiêu chuẩn: ba năm phổ thông là học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT đạt loại khá, giỏi; tốt nghiệp ĐH nguyện vọng 1 điểm cao, không có điểm dưới 5; đoạt các giải quốc tế, quốc gia; thủ khoa đại học...

Theo đó, mỗi năm trung bình Đà Nẵng sẽ lựa chọn từ 30 đến 50 sinh viên và hỗ trợ đưa đi đào tạo trong nước, ngoài nước. Từ năm 2010, thành phố cử 30 SV đi học ĐH trong nước; 30 SV, 10 tiến sĩ, thạc sĩ đi học nước ngoài.

“Học viên được cử đi học sẽ được thành phố trả học phí và sinh hoạt phí trong suốt thời gian học. Chúng tôi cũng ràng buộc học viên phải làm việc tối thiểu cho thành phố sau khi học xong là 7 năm. Còn những trường hợp học xong đại học, muốn chuyển tiếp học sau đại học thì thời gian công tác sẽ gấp đôi” – Ông Nguyễn Phú Thái, GĐ Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng cho biết thêm.

Trung bình Đà Nẵng trích ngân sách khoảng 30 - 40 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ HS-SV có năng lực. Ông Thái nhận định: Chất lượng nhân lực cao đôi khi không đồng nghĩa với bằng cấp cao. Tuy nhiên, nó là cơ sở quan trọng để đánh giá, sàng lọc đầu vào.

Đơn vị hành chính công là nơi sử dụng nhiều lao động và người dân là đối tượng chính thụ hưởng từ hoạt động của các đơn vị hành chính công. Vì vậy, Đà Nẵng “đột phá” vào khu vực hành chính công bằng việc nâng chất con người ở khu vực này.

Nói không với “xin - cho”

Theo ông Chiến, nhờ chính sách thu hút và giữ chân người tài nên số lượng đối tượng đăng ký tham gia đề án ngày càng nhiều, kể cả người đến từ địa phương khác. Do đó, quy định không tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức cũng mang tính đặc thù nguồn nhân lực của thành phố.

Ông Bùi Văn Tiếng – Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho hay: Không chỉ hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mà quy định không tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nước cùng “nói không” với tình trạng xin – cho. Nếu cán bộ, quan chức nào có con em tốt nghiệp tại chức cũng không thể xin được vì Thành phố đã công khai quy định này để mọi người cùng thực hiện, giám sát.

Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết: Trong năm 2009, thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 119 người, trong đó có 22 thạc sĩ, 97 người tốt nghiệp ĐH loại giỏi. Từ năm 2000 đến 2009, Đà Nẵng đã thu hút được 753 người tài về công tác, tiết kiệm cho ngân sách đào tạo của thành phố hàng chục tỷ đồng.

Năm 2010, Đà Nẵng nhận thêm 2 tiến sĩ, 16 thạc sĩ, 64 sinh viên khá, giỏi về làm việc tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Toàn bộ số người được thu hút theo chính sách nguồn nhân lực năm 2010 đã được bố trí công tác phù hợp năng lực và trình độ chuyên môn.

Tiến sĩ Lê Tấn Duy - Phó GĐ ĐH Đà Nẵng: Nên hiểu đúng về đào tạo tại chức

Đà Nẵng đưa ra quy định không tuyển sinh viên tốt nghiệp tại chức đó là quan điểm của nhà tuyển dụng. Ở đây, chúng ta không chỉ nói về chất lượng giữa tại chức và chính quy, mà cần phải hiểu cho đúng về tại chức. Giờ không gọi “tại chức” nữa mà gọi là hệ “vừa học vừa làm”.

Bản thân từ này cho thấy, đối tượng đào tạo là những người đã có việc làm, muốn đi học thêm, nghĩa là làm trước, học sau, mục đích để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ chứ không mang nặng tính xin việc như các hệ đào tạo khác.

Mỗi năm, ĐH Đà Nẵng đào tạo 4.000 sinh viên hệ tại chức, việc đào tạo được sàng lọc rất cao, vì vậy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt 30 - 50%. Về bản chất, đào tạo tại chức không thua kém chính quy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG