Nỗi đau không biên giới

Nỗi đau không biên giới
TP - Không họ hàng, không chung quốc tịch nhưng họ luôn sát cánh với nạn nhân chất độc da cam VN trong “cuộc chiến” đòi các Cty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm về những tội ác trong quá khứ.

“Tiền bạc không thể giải quyết được vấn đề. Phải làm thế nào để chăm sóc sức khỏe cho những đứa trẻ đang bị chất độc da cam/dioxin gặm nhấm hàng ngày hàng giờ, cũng như lấy chất độc ra khỏi nguồn đất, nguồn nước sinh hoạt”.

Roger Bush mở đầu câu chuyện với Tiền Phong với những cơn ho không dứt. Từng thớ thịt, những mạch máu nhỏ li ti càng hằn rõ hơn trên khuôn mặt người cựu binh New Zealand sau mỗi lần dứt tiếng ho.

Năm 1968, Roger Bush có mặt tại Biên Hòa trong lực lượng lượng bộ binh Mỹ. Trong những lần chuyển quân qua các vùng từ Biên Hòa đến Tây Ninh và Vũng Tàu, Roger Bush và một số người bạn đã bị nhiễm chất độc hóa học và bị chết sau khi trở về nước một thời gian mà không hay biết mình mắc bệnh.

Hơn 30 năm sau, Roger Bush mới tìm ra nguyên nhân vì sao mình hay cáu giận vô cớ, cơ thể bỗng dưng vẩn đỏ, sần sùi… Hai con gái và người con trai của ông cũng bị ảnh hưởng bởi chất dioxin.

Cuộc sống gia đình đảo lộn. Vợ khuyên đi khám nhưng bác sỹ cũng chẳng tìm ra nguyên nhân. Căn bệnh mơ hồ biến ông thành người khác hẳn.

Một ngày ông tình cờ đọc được bài báo viết về các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Linh cảm như mách bảo, Roger lên mạng tìm kiếm và phát hiện mình cũng là nạn nhân chất độc da cam trong hơn 30 năm qua.

Tháng 1/2006, Roger bắt đầu sưu tập tài liệu và  tìm gặp 600 cựu chiến binh New Zealand. Các cựu binh đang trong hoàn cảnh chán chường, tuyệt vọng vì những căn bệnh: Ung thư da, ung thư tế bào và dị dạng.

“Dù chưa gặp các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhất là những đứa trẻ, nhưng chúng tôi hiểu và thấy mình phải làm một cái gì đó cho các em. Tôi cũng có nghe nói về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chống lại các công ty hóa chất Mỹ.

Chúng tôi đang theo dõi tiến trình của các bạn và hy vọng chân lý sẽ thuộc về Việt Nam. Hiện chất độc đó vẫn nằm rải rác trong nguồn đất, nguồn nước ở nhiều vùng của Việt Nam và trẻ em là những nạn nhân đáng thương nhất”- Roger tâm sự.

Và hành trình tìm công lý của người con mất bố

Không phải nạn nhân chất độc da cam, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của loại chất độc nguy hiểm này đối với sức khỏe nhưng ông Arthur James Connolly, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Canada (AOSC), có những nỗi đau luôn giằng xé trong tâm trí.

3 trong số 6 thành viên trong gia đình ông Connolly, gồm bố, người anh trai và người chị gái, đã lần lượt qua đời vì những căn bệnh quái ác do chất độc da cam gây ra.

Bố Connolly đã bị nhiễm chất độc da cam khi đóng quân tại khu căn cứ quân sự New Brunswick từ năm 1966 đến 1967. Sau khi bố, anh trai và em gái ông Connolly qua đời cả gia đình đều không hề biết người thân của họ chết vì bị nhiễm dioxin.

Mãi đến năm 2005, sự thật mới phơi bày khi ông Connolly tình cờ xem một chương trình nói về việc rải chất độc da cam của quân đội Mỹ. Trong đầu ông lóe lên ý nghĩ: Phải chăng các thành viên trong gia đình cũng chết vì ảnh hưởng của chất độc da cam? 

“Đây quả thật là một cơn ác mộng. Chúng tôi rất choáng váng, bối rối, tức giận vì chính phủ trong suốt một thời gian dài đã không thừa nhận những ảnh hưởng của chất độc da cam đối với các cựu chiến binh và những người con của họ”- Ông Connolly nói.

Biết được sự thật về cái chết của các thành viên trong gia đình, ông Connolly đã lập ra trang web www.agentorangealert.com kể về câu chuyện gia đình mình. Rất nhiều người đã truy cập trang web và tất thảy mọi người đều xúc động về câu chuyện trên.

Connolly cho biết, ông luôn ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong vụ kiện. “Bố, anh trai và em gái của tôi đều đã chết nhưng tôi sẽ thay họ nói lên những nỗi đau mà gia đình chúng tôi đã phải chịu đựng trong những năm qua. Không chỉ các công ty hóa chất mà cả chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh.

Chúng  tôi sẽ tiếp tục vận động để chính phủ có những chính sách hỗ trợ không chỉ cho các cựu chiến binh Canada, cho con cháu của họ mà còn cho cả các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”- Ông Connolly khẳng định.

MỚI - NÓNG