Dùng thủ thuật giấu nợ
Trong Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2012 theo báo cáo của các TCTD là 133.060 tỷ đồng tương đương 4,93% tổng dư nợ. Tuy nhiên, trong một báo cáo cơ quan thanh tra NHNN đã khẳng định: theo đánh giá thận trọng qua giám sát của NHNN và tính thêm các khoản nợ xấu trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng; các khoản nợ xấu tiềm ẩn do được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ; các khoản nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines thì nợ xấu của các TCTD là gần 465 tỷ đồng (tương đương 17,21% tổng dư nợ).
Vì sao lại có sự chênh lệch này? Theo cơ quan thanh tra NHNN, mặc dù không ai mong muốn thấy sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ nợ xấu của TCTD báo cáo (3-4%) với tỷ lệ nợ xấu theo đánh giá của NHNN (17%), nhưng rất tiếc đó là thực tế chất lượng tín dụng mà chúng ta phải đối mặt. Cụ thể hơn, qua thanh tra giám sát, cơ quan này đã “bóc” mẽ được một số thủ thuật giấu nợ xấu của chính các TCTD.
Theo đó, vào trước năm 2012, về cơ bản NHNN thiếu hệ thống giám sát chất lượng tín dụng hữu hiệu, chính vì vậy rất khó khăn để có thể đưa ra con số nợ xấu sát với thực tế trừ khi tiến hành thanh tra toàn diện về chất lượng tín dụng và NHNN không thấy được nợ xấu tiềm ẩn, chất lượng tín dụng thực tế mà chủ yếu là dựa vào số liệu báo cáo của TCTD. Nói cách khác, các TCTD đã sử dụng các chiêu trò, thủ thuật giấu nợ xấu. Từ năm 2012 trở lại đây, NHNN đặc biệt coi trọng công tác thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng để phục vụ cho yêu cầu quản lý và xử lý nợ xấu, vì vậy các biện pháp giám sát chặt chẽ nợ xấu đã được triển khai và con số nợ xấu theo đánh giá của NHNN là cơ sở đưa ra các quyết định quản lý chứ không chỉ dựa vào số liệu nợ xấu do TCTD báo cáo. Việc cho phép các TCTD được cơ cấu lại nợ và nguyên nhóm nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN thực sự có ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và các TCTD trong việc kiềm chế nợ xấu kèm theo đó NHNN áp dụng cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ và buộc TCTD phải minh bạch hơn thực chất nợ xấu, nợ cơ cấu lại.
Tự tin xử lý
Trở lại lịch sử, tỷ lệ nợ xấu trên 10% của các TCTD cũng đã từng xảy ra gần đây. Năm 1999, 2000, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng khoảng 13%. Theo đánh giá của IMF, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD thời điểm đó không dưới 30% theo chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, Việt Nam đã phải triển khai một chương trình xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2001-2005 bằng tiền của ngân sách nhà nước.
Thống kê của cơ quan thanh tra NHNN, đến cuối năm 2014, hệ thống các TCTD đã xử lý được tổng số 311 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 67% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012), cụ thể: xử lý thông qua sử dụng dự phòng rủi ro là 131 nghìn tỷ đồng; bán nợ cho VAMC là 119 nghìn tỷ đồng; xử lý thông qua các hình thức khác (khách hàng trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm,...) là 61 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, nợ xấu được kiềm chế và tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đến cuối năm 2014 là 145,2 nghìn tỷ đồng tương đương 3,25% tổng dư nợ và nợ xấu theo số liệu giám sát của NHNN là 214,9 nghìn tỷ đồng tương đương 4,83% tổng dư nợ. “Kết quả xử lý nợ xấu nói trên khẳng định tỷ lệ nợ xấu ở thời kỳ 2011-2012 không thể là 3-4% và đánh giá về nợ xấu của NHNN là hợp lý, có cơ sở”- cơ quan thanh tra NHNN cho biết.
Cũng theo cơ quan này, để đạt được kết quả xử lý nợ, các TCTD phải tập trung mọi nguồn lực và NHNN áp dụng mọi biện pháp quản lý, điều hành để phục vụ cho mục tiêu xử lý nợ xấu như tiết giảm chi phí, hạn chế hoặc không chia cổ tức, kiểm soát cấp phép, mở rộng hoạt động gắn với xử lý nợ xấu… Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nêu trên và sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan, NHNN khẳng định hoàn toàn tin tưởng mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối năm 2015 hoàn toàn khả thi.
5 giải pháp đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3%
- Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế hợp lý và an toàn hệ thống;
- Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua, bán và xử lý nợ xấu; chỉ đạo VAMC phối hợp với các TCTD đẩy mạnh mua, xử lý nợ xấu.
- NHNN chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ hệ thống TCTD, VAMC xử lý nợ xấu.
- Các TCTD tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; rà soát, tiết giảm các chi phí tập trung nguồn lực cho việc xử lý kiểm soát nợ xấu phát sinh mới.
- VAMC thực hiện việc mua, bán, xử lý nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và nước ngoài tham gia mua, xử lý nợ xấu…
(Nguồn: Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - NHNN)