Là vùng đất khắc nghiệt, việc trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày kém hiệu quả khiến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở các xã miền núi huyện Hương Sơn luôn chiếm tỷ lệ khá cao. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ tìm được giống cây chủ lực phù, những vùng đất hoang hoá của xã Sơn Kim 2 và Sơn Tây đã được phủ xanh bằng những đồi chè ngút ngàn. Có công ăn việc làm, kinh tế người dân vùng biên Hà Tĩnh đã phát triển lên từng ngày.
Theo lãnh đạo UBND xã Sơn Tây, hiện tại địa bàn có hơn hộ tham gia trồng chè, với tổng diện tích gần 300ha. Cây chè được xem là cây chủ lực phát triển kinh tế và cũng là cây xoá đói giảm nghèo của địa phương. Từ trồng chè, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
“Đầu ra luôn ổn định, năng suất và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng hoa màu nên địa phương thời gian tới đang đẩy mạnh để mở rộng diện tích. Toàn xã có gần 300ha, hiện đa phần chủ yếu liên kết với xí nghiệp Chè Tây Sơn nên người dân cũng yên tâm sản xuất. Nhờ trồng chè mà nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu”, ông Cao Văn Đức – Chủ tịch UBND xã Sơn Tây nói.
Khu vực trồng chè tại xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn). |
Trước đây, ở huyện Hương Sơn cây chè chỉ được trồng tại xã Sơn Kim 2 do công nhân xí nghiệp Chè Tây Sơn quản lý, trồng, chăm sóc, thu hái. Hiện tại ở đây có trên 300ha diện tích trồng chè. Trải qua nhiều khó khăn thay đổi phương thức canh tác, quy trình sản xuất, đến nay, toàn huyện Hương Sơn hiện có trên 630 ha chè công nghiệp, quy hoạch chủ yếu tại các xã: Sơn Kim2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Lâm...
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà những đồi chè xanh mướt nằm thoai thoải dọc theo triền núi, bờ sông còn là địa điểm thu hút khách du lịch ghé thăm, chụp ảnh lưu niệm.
Hiện nay, ngoài đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, huyện Hương Sơn cũng đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương xây dựng các đồi chè trở thành điểm tham quan, du lịch, trải nghiệm giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững.