Lâm Đồng hỗ trợ người Mạ và S’Tiêng vùng sâu thoát nghèo bền vững

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao bậc nhất tỉnh Lâm Đồng, Cát Tiên đã triển khai đạt hiệu quả nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để giảm nghèo bền vững.
Lâm Đồng hỗ trợ người Mạ và S’Tiêng vùng sâu thoát nghèo bền vững ảnh 1

Heo lai dễ nuôi, cho năng suất cao

Tái canh cây giảm nghèo

Huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) có hàng chục dân tộc thiểu số cư trú, chủ yếu là người Mạ và S’Tiêng với xuất phát điểm về dân trí và cơ sở hạ tầng thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao bậc nhất toàn tỉnh.

Hơn 10 năm trước, cây điều được chọn là cây giảm nghèo ở huyện Cát Tiên. Tuy nhiên, cùng với thời gian, các vườn điều trở nên già cỗi và bị sâu bệnh nên sản lượng, chất lượng đều thấp. Do nguồn sống chủ yếu là cây điều nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa lâm vào hoàn cảnh khó khăn, trông chờ vào sự trợ cấp của Nhà nước.

Trước tình hình đó, huyện Cát Tiên đã quy hoạch các vùng sản xuất với cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện mới. Các ban ngành chức năng đã vận động, hướng dẫn hàng trăm hộ cải tạo, tái canh, chuyển đổi cây điều già cỗi sang cây điều cao sản hoặc những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như cà phê, cao su và cây ăn quả.

Lâm Đồng hỗ trợ người Mạ và S’Tiêng vùng sâu thoát nghèo bền vững ảnh 2
Giống điều cao sản rất sai quả

Mặt khác, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chính quyền địa phương đã tổ chức khai hoang, hỗ trợ lúa giống và cử cán bộ xuống tận nhà hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng lúa nước và một số cây ngắn ngày để giải quyết lương thực tại chỗ.

Riêng trong năm 2022, bằng nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng của Trung ương và địa phương, huyện Cát Tiên tập trung hỗ trợ kinh tế vườn hộ, chuyển đổi diện tích vườn điều già cỗi và vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phát triển các vùng chuyên canh trồng lúa nước…

Đẩy mạnh chăn nuôi heo rừng lai

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các xã Tiên Hoàng, Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng được chính quyền địa phương định hướng, hỗ trợ nuôi heo rừng lai, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở hướng mới để phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Chị Điểu Thị Trang là một trong những hộ mạnh dạn thử nghiệm nuôi heo rừng lai ở xã Đồng Nai Thượng. Mặc dù đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi nhưng chị vẫn thả rông đàn heo rừng lai trong một khoảng thời gian nhất định để phù hợp với tập tính ưa chạy nhảy và tự kiếm ăn của loài heo rừng.

Heo rừng lai rất háu ăn, từ bắp, khoai mì, khoai lang đến cỏ voi, bẹ chuối, thức ăn thừa của con người; do đó không mất nhiều công sức chăm sóc mà đàn heo vẫn lớn nhanh, thịt săn chắc, ít mỡ, thơm ngon… được khách hàng ưa chuộng.

Theo chị Trang, điều quan trọng là phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tiêm phòng đúng kỳ. Sau khoảng 5 - 6 tháng là đã có thể xuất chuồng, với cân nặng từ 20 - 30 kg/con nên lợi nhuận từ việc nuôi heo rừng cao hơn so với nuôi các loại gia súc gia cầm khác.

Ban đầu chị nuôi thử 6 con, sau đó mua thêm và nhờ các con nái mắn đẻ nên hình thành đàn heo hơn 30 con, cho thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Thấy các hộ nuôi thử nghiệm heo rừng lai đạt hiệu quả kinh tế cao, ban ngành chức năng đã nhân rộng mô hình và hỗ trợ hàng trăm hộ khác ở vùng xa Cát Tiên chăn nuôi loại gia súc này.

Ngày càng có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại, tăng quy mô chăn nuôi, không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá giả.

UBND huyện Cát Tiên chỉ đạo các xã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung với mật độ cao tại các thôn, hướng đến thành lập các tổ hợp tác nuôi heo rừng lai để có tư cách pháp nhân, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định.

Ngoài các giải pháp trên, huyện Cát Tiên còn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo.

Đồng thời, huyện còn đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp, ưu tiên giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho những hộ dân, cộng đồng dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng...

Nhờ vậy, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cát Tiên giảm 7,2%. Huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm hàng năm từ 3-4%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 50 triệu đồng trở lên.

MỚI - NÓNG