Những xóm nghề đồng hương giữa Sài thành

Xóm dừa chân cầu Bình Triệu
Xóm dừa chân cầu Bình Triệu
TP - Đôi bàn chân nứt nẻ như ruộng lúa mùa hạn, đôi tay chai sạn, gương mặt hốc hác, dép chiếc thấp chiếc cao, cụ Nghiêng (81 tuổi, một thành viên trong xóm vé số Phú Yên) tất tả bước vào nhà sau một ngày đêm lặn lội bán hết 300 tờ vé số. Lùa vội chén cơm, nghỉ ngơi vài giờ cụ tiếp tục cho cuộc mưu sinh. 

Xóm vé số, lạc luộc…


Từ đường Nguyễn Trãi, quận 1, men theo con hẻm đổ bê tông rộng khoảng 2m, xen lẫn với những ngôi nhà cao tầng là những căn nhà cấp bốn lụp xụp. Người ta quen gọi đó là xóm vé số Phú Yên. Bởi trong xóm này tập trung hàng chục đại lý và vài trăm người bán vé số cùng quê Phú Yên.

Con hẻm nhỏ dẫn vào xóm vé số Phú Yên yên ắng. Họ chỉ ở nhà một vài giờ rồi lại cầm xấp tờ vé số tỏa ra các con đường ở Sài Gòn để kiếm sống. “Có người bán ngày ngủ đêm, có những người thì bán đêm ngủ ngày. Họ đa số là người già 70 đến 80 tuổi, tật nguyền nhưng hàng ngày họ phải lội bộ hàng chục, thậm chí cả trăm cây số. Người nào khỏe thì đi xe bus đến các quận ở xa như Gò Vấp, hay Thủ Đức, nhường các quận ở gần cho người tàn tật và người già ” - Ông Chín Quanh, chủ đại lý vé số nói.

Vợ chồng ông Chín Quanh rời Tuy Hòa, Phú Yên vào Sài Gòn từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, ông có dự định vào kiếm một công ăn việc làm ổn định nào đó để làm nhưng sau một thời gian dài không tìm được việc, ông bèn chuyển qua nghề bán vé số.

Khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, ông bà nghĩ ở quê hiện có bao người đang thất nghiệp, ngày kiếm không ra hai bữa cơm, nên thuê căn nhà cấp bốn, chia thành nhiều phòng nhỏ rồi về quê đưa những người đang lâm vào ngõ cụt vào đây cùng kiếm sống.

Đến nay, căn nhà rộng chưa đầy 100m2 của ông bà đang là “tổ ấm” của cả chục gia đình với đủ lứa tuổi từ cụ già trên 80 tuổi đến em bé mới vài tuổi nhưng họ có chung nguồn cội và chung một nghề. “Quê mình còn nhiều người không kiếm ra bữa ăn nên giúp họ được tí nào hay tí đó. Cái nghề này tuy vậy nhưng kiếm đồng tiền bằng chính mồ hôi nước mắt của mình”, ông Quanh bảo.

Những xóm nghề đồng hương giữa Sài thành ảnh 1 Những người phụ nữ Quảng Ngãi ngày đêm mưu sinh tại công viên 30/4

Xóm Phú Yên tập trung hơn chục đại lý vé số và mỗi đại lý có đến vài ba chục người cùng ở chung trong một ngôi nhà. Nói là đại lý vé số nhưng nếu người lạ đến đây không thể nhận ra bởi ở đây không có bảng hiệu, không tủ trưng bày. Chỉ những người trong hẻm và dân Phú Yên bán vé số ở đây mới biết được. 

Khu vực công viên 30/4 là nơi mưu sinh của hơn 40 người dân ngoại tỉnh, người bán trái cây, lạc luộc, người bánh tráng trộn, nước uống… Họ có một điểm chung là cùng quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi rủ nhau vào thuê chung một căn nhà làm chốn nương thân, cùng nhau đi bán hàng rong. 

Ngồi bệt xuống nền đất, tay xoa xoa bóp bóp đôi chân bị thoái hóa khớp gối, bà Nguyệt (55 tuổi) bảo, do mùa màng ở quê bị chuột phá hoại và bão lũ, hạn hán nên mất trắng, cả gia đình chỉ trông vào sào ruộng thì không đủ ăn. Bà quyết định lên đường vào Sài Gòn kiếm sống, đến nay cũng hơn 20 năm.

Buôn bán tằn tiện gửi tiền về nuôi ba đứa con từ khi còn đỏ hỏn đến khi tốt nghiệp đại học. “Lúc tôi đi đứa lớn đang ở truồng tắm mưa, chơi đồ đất. Đến nay hai đứa đã tốt nghiệp đại học, một đứa đang học năm thứ hai”.

Về quê thấy những người hàng xóm cũng tình cảnh mất mùa, không có gạo ăn như mình nên bà rủ vào thuê chung một căn nhà con hẻm nhỏ trên đường Kỳ Đồng, quận 3 rồi truyền nghề cho nhau đi bán hàng rong. 

Những xóm nghề đồng hương giữa Sài thành ảnh 2 Giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi trong xóm vé số Phú Yên 

Căn nhà bà Nguyệt cùng đồng hương ở chưa đầy 70m2, không có gác nhưng có đến hơn 30 người cùng quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi ở. “Nói nhà cho sang chứ lụp xụp lắm. Mọi người đi làm cả ngày, ai về sớm tìm được chỗ rộng ngủ, ai về muộn thì phải chịu nằm chật. Có khi mỗi người chỉ được hai ô gạch để nằm, mỗi ngày trả 3 nghìn đồng”.

Bà Nga (60 tuổi), một “đồng nghiệp” của bà Nguyệt cũng ở Sơn Tịnh kể: “Mấy chị em cùng quê tụ họp lại ở trọ trong căn nhà, tối đến mỗi người được chia một chỗ nằm hơn một mét. Hằng ngày, cứ 5 giờ sáng thì rủ nhau dậy làm hàng, sau đó đạp xe hơn 5km đến công viên rồi tỏa ra các con đường”. Con hẻm nơi bà cùng những người đồng hương thuê cũng có nhiều nhà khác chung cảnh ngộ như mình. Mỗi nhà vài chục người cùng quê dắt díu nhau lên Sài Gòn kiếm sống.

Hằng ngày, họ phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng chuẩn bị hàng hóa đi bán đến tối khuya mới về. Có khi chưa hết hàng phải cố vào các quán nhậu bán đến 2 giờ sáng hôm sau mới được về nhà. Thế nhưng, những bữa ăn của họ chỉ là hộp cơm lề đường giá chưa đến 10 nghìn thậm chí có ngày bán ế không có tiền mua cơm.

“Bình thường họ bán cho người khác giá 15-20 nghìn đồng nhưng thấy mình nghèo khổ họ lấy 10 nghìn. Có ngày không bán được đồng nào thì phải mang xoài, lạc đi đổi ổ bánh mì hoặc bánh bao ăn tạm cho qua bữa”, bà Nguyệt nói.

Xóm dừa miền Tây

Nằm gọn lỏn dưới chân cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức là nơi tập trung hơn chục gia đình cùng quê Bến Tre lên làm nghề bóc vỏ dừa và đi giao mối cho các đại lý, quán cà phê ở khắp Sài Gòn.

Mặc chiếc quần xà lỏn, áo không cài khuy, ngồi kê quả dừa lên đùi, con dao thái bén như lưỡi dao lam cứ thoăn thoắt lượn tròn trên quả dừa. Nhiều khi chân run lên vì mỏi và chỉ cần bất cẩn là lưỡi dao lia xuống đùi liền.

Ông Nguyễn Thắng Ngọc (50 tuổi) làm nghề gọt vỏ dừa cho chủ hàng đến nay cũng hơn 10 năm. Mỗi ngày làm việc quần quật ông kiếm được khoảng 160 ngàn đồng, trừ tiền ăn uống, thuê ở cũng còn lại mấy chục ngàn dành dụm gửi về quê cho con ăn học. “Ngày mới làm bị đứt tay, đứt chân như cơm bữa. Giờ tôi xắn quần lên là anh thấy toàn sẹo do dao gọt vỏ dừa để lại”. 

Ngồi đối diện với ông Ngọc là Đức, năm nay mới 13 tuổi nhưng đã rất lành nghề. Một tay cầm quả dừa, tay kia cầm con dao sắc bén cứ thoăn thoắt. Bàn tay đầy những vết thẹo do dao cứa. “Ngày mới làm chưa quen, đêm về mỏi nhừ tay với đầu gối. Gọt dừa mà đứt tay, đứt chân ở đây ai mà chẳng bị, riết rồi quen”.

Tình đồng hương nơi đất khách

Tha hương đến nơi đất khách mưu sinh, mỗi xóm có một nghề riêng nhưng điểm chung và tài sản của họ là gia đình và tình đồng hương, nương nhờ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Tại xóm vé số Phú Yên, có những người đã ở với ông Chín được gần chục năm. Phần vì miếng cơm manh áo, phần vì nặng tình đồng hương không nỡ chuyển đến nơi khác. Đi bán từ lúc 11 giờ đêm hôm trước, đến gần 2 giờ chiều hôm sau, ông Nguyễn Hữu Xiêm (66 tuổi) mới bán hết xấp 350 tờ vé số trở về nhà. Ông Xiêm già cả rồi, ở quê lại không có việc gì làm nên vào đây nương nhờ nhà ông Chín đi bán vé số hơn 6 năm nay. “Cũng may là có ông Chín giúp, tui mới kiếm được chốn nương thân chứ không thì bây chừ không biết ở đâu”.

Cũng như ông Xiêm, cụ bà Nguyễn Thị Nghiêng năm nay đã 81 tuổi nhưng hằng ngày cụ vẫn len lỏi vào các con hẻm, quán nhậu để mưu sinh. “Tui được ông Chín đưa vô ở hơn 5 năm rồi, có ngày đi bộ mấy chục cây số khắp các con phố Sài Gòn. Hai mẹ con đi bán cũng đủ tiền sinh sống và gửi về cho ông già chữa bệnh. Ổng bệnh đã hơn chục năm chữa hoài không khỏi”.

Cách nhà ông Chín vài căn là nhà bà Nguyễn Thị Lương (72 tuổi) căn nhà của bà thuê lại với giá 6 triệu đồng/tháng rồi chia thành từng phòng nhỏ cho người bán vé số ở. Người nào ở phòng lớn thì đóng nhiều tiền, phòng nhỏ đóng ít.

Căn nhà khoảng 60 m2 nhưng được chia làm 8 phòng, mỗi phòng hai người. Tất cả những người ở đây đều khuyết tật, không thể làm nghề gì khác nên đi bán vé số. Khi chúng tôi đến thì tất cả các phòng đều khóa cửa. Họ đang bươn chải mưu sinh tranh thủ chợp mắt khi trở về, chuẩn bị cho những nhọc nhằn ngày kế tiếp.

Để kiếm được một ngày hơn trăm nghìn, những người ở xóm dừa này phải lao động cả ngày không ngừng nghỉ. Vừa gọt vỏ, vừa ngâm cho trắng quả dừa thì được trả 400 đồng mỗi trái. Mỗi ngày bình quân ông Ngọc gọt được hơn 400 trái.

“Ngồi một chỗ cả ngày, có khi mỏi nhừ người, đầu gối run bần bật vì mỏi mới được 400 trái. Đó là lành nghề rồi và làm cả ngày mới được chứ người mới vào nghề nhiều nhất cũng được 200 trái là cùng. Tuy kiếm tiền không nhiều nhưng công việc ổn định, tự do, mình ưng thì làm, không ưng thì nghỉ. Nói chung là khỏe hơn thợ hồ”, ông Ngọc nói.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.