Đó là một trong những nội dung trong bản tường trình của thuyền trưởng tàu Sunrise 689 Nguyễn Quyết Thắng vừa trở về sau khi bị cướp biển tấn công.
Cảnh sát biển lấy lời khai thuyền viên trên tàu. Ảnh: Zing
Ngày 11/10, tàu Sunrise 689 vừa bị cướp biển trở về neo đậu ở mũi Gành Rái thuộc phường 2, thành phố Vũng Tàu để phục vụ công tác điều tra. Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng đã viết bản tường trình về toàn bộ quá trình bị cướp biển khống chế, hút dầu trên biển Đông.
Anh Quyết cho biết, theo như kế hoạch của công ty, tàu Sunrise 689 nhận hàng tại cảng Singapore và trả hàng tại cảng Cửa Việt, Quảng Trị. Sáng 3/10/2014, tàu hàng Sunrise 689 đang hành trình rời Singapore về Việt Nam. Trong luồng di chuyển, lúc tàu Sunrise 689 đang thực hiện vòng tránh tàu Container SEA Master thì bất ngờ có 2 tàu cá và 1 ca nô chở 10 đối tượng tiếp cận mạn phải và lên tàu Sunrise 689.
Các đối tượng này dùng súng ngắn và dao uy hiếp các thuyền viên trên tàu. Chúng khống chế sĩ quan Lê Văn Trung cùng thủy thủ Phạm Xuân Lộc. Chúng tiếp tục xuống phòng khống chế thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng và những thuyền viên khác. Sau đó chúng trói tay thuyền viên, cưỡng chế tất cả thuyền viên vào trong phòng ở cá nhân của máy trưởng. Ngày đầu chúng không cho thuyền viên ăn uống. Những ngày tiếp theo, mỗi ngày chúng chỉ cho thuyền viên ăn một bữa.
Sau đó, tàu dưới sự kiểm soát của cướp biển, chúng tự điều động tàu chạy mấy ngày trên biển rồi tới vị trí neo để cướp hàng. Khi điều động, chúng khống chế thuyền viên không cho ra ngoài. Khi có một tàu vỏ sắt chuyên dụng chở dầu cập mạn, các thuyền viên nhìn qua cửa sổ, để ý thấy cướp biển có thuốc lá mang tem Việt Nam dùng và khi chuẩn bị bơm hàng có một tàu cá mang ký hiệu “KNF 7858” cập mạn phải, còn tàu lấy hàng cập bên mạn phải không rõ tên tàu và số hiệu.
Bản tường trình của thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng. Ảnh: Dân Trí
Tới 2h sáng ngày 9/10, khi lấy xong hàng, cướp biển định chuyển tàu đi chỗ khác để tiếp tục cướp hàng thì thuyền trưởng chỉ đạo anh em thuyền viên chống đối, kháng cự lại quyết liệt nên bọn cướp rút đi và tàu giành lại quyền kiểm soát.
Sau khi xem xét, kiểm tra lại thì thuyền viên thấy toàn bộ trang thiết bị hàng hải trên buồng lái bị phá hủy, chỉ còn lại duy nhất một la bàn. Đến 2h30, tàu tiếp tục hành trình về phía Việt Nam theo kinh nghiệm và dự đoán của thuyền trưởng. 5h30, tàu liên lạc được với công ty. 7h tàu gặp tàu cá, xin vị trí tàu. 7h30, tàu hành trình tới Hòn Khoai.
Cũng theo thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng, trong quá trình bị cướp, có 2 thành viên trên tàu bị thương. Trong đó, máy trưởng Lương Đại Thành bị dập bánh chè, gãy ngón chân bên trái; thủy thủ Trần Văn Lịch bị bong gân và sưng bên phải. Tuy nhiên, những tổn thất, mất mát của tàu và thuyền viên chưa thể thống kê được.
Trao đổi với chúng tôi, thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng cho biết, trong suốt nhiều ngày bị bọn cướp khống chế uy hiếp, đánh đập, các thuyền viên đã rơi vào trạng thái hoảng loạn. Sức khỏe bị suy yếu do mỗi ngày chỉ được ăn một bữa. Khi được lực lượng CSB của ta tiếp cận tàu, ai cũng mừng rỡ vì biết mình được cứu sống.
Kim tiêm được tìm thấy trên tàu. Ảnh: VietNamNet
Hiện công tác khám nghiệm hiện trường tàu Sunrise 689, ghi nhận lời tường trình của các thuyền viên đã hoàn tất. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký biên bản bàn giao phương tiện và thủy thủ trên tàu Sunrise 689 để tiếp tục điều tra làm rõ các vấn đề liên quan theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế.
Đại tá Trần Công Hiểu, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu cho biết, với tư cách là cơ quan chủ trì công tác điều tra vấn đề liên quan đối với tàu Sunrise 689, Bộ đội Biên phòng tỉnh xác định đây là nạn nhân của vụ cướp biển và có trách nhiệm phải hỗ trợ. Về vấn đề cụ thể của diễn biến cướp biển tấn công như thế nào, số dầu và tài sản bị cướp, vị trí xảy ra… còn phải chờ kết luận điều tra.
“Công tác điều tra đang được thực hiện khẩn trương, hỗ trợ cho các nạn nhân và đảm bảo các quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật và theo thông lệ quốc tế đối với tàu bị cướp hàng hóa khu vực biển quốc tế”, Đại tá Trần Công Hiểu nói.