Những thứ không nên ăn khi quá chén

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Trong cuộc sống có những lúc bạn không thể khước từ lời mời nâng chén rượu. Và khi đã lỡ nhấp môi, thường khó cưỡng lại được hương vị men nồng. Dưới đây là những lời khuyên khi đã lỡ quá chén.

Không nên dùng

- Cà phê đen. Dù cà phê đen có thể giúp làm giảm bớt cảm giác mệt mỏi do say rượu và nhức đầu nhưng đây chỉ là cách giải quyết tạm thời, các triệu chứng khó chịu sẽ quay trở lại ngay sau đó. Cà phê là một chất lợi tiểu, càng làm cho cơ thể mất nước và khiến các triệu chứng của say rượu tăng thêm. Ngoài ra, bạn cũng tránh ăn cacao, sô cô la hay những thực phẩm chứa nhiều axit bởi chúng chỉ làm cảm giác khó chịu, buồn nôn tăng thêm, cũng dễ mắc phải những triệu chứng tiêu chảy, đau dạ dày...

- Uống panadol, tylenol - đây là cách trị nhức đầu rất nguy hiểm. Gan đã rất mệt nhọc để “giải quyết” rượu lại thêm paracetamol sẽ khiến gan dễ bị viêm và tổn thương.

- Ăn thực phẩm rán, nhiều dầu mỡ. Nhiều người cho rằng ăn các loại thực phẩm này trước khi uống rượu bia thì dầu mỡ sẽ che phủ các màng nhày ở dạ dày, nhờ đó sẽ làm giảm sự hấp thu của rượu bia vào máu. Tuy nhiên,  sau khi uống rượu, nếu ăn tiếp các loại thực phẩm này thì càng gây khó chịu đường tiêu hóa do dạ dày và ruột bị kích ứng.

- Thực phẩm hun khói. Nhiều người lầm tưởng carbon trong thực phẩm nướng khét là than hoạt tính, thường dùng để điều trị ngộ độc thực phẩm. Thực tế, không phải than hoạt tính nên thực phẩm nướng cháy không có tác dụng khử độc. Các loại chế phẩm than hoạt tính được bán trong nhà thuốc dùng để chữa say rượu cần uống trước khi “nhập tiệc”, chứ không phải sau khi “xỉn” rồi mới uống.

- Pizza, phô mai. Nhiều người có thói quen ăn pizza làm bữa ăn lót dạ mỗi khi say xỉn. Khi trong người đã có rượu hay bia thì cũng là thời điểm cơ quan tiêu hóa không còn khỏe mạnh như bình thường. Vì thế, việc ăn  pizza, phô mai lúc say sẽ không thể tiêu hóa được và gây nên tình trạng khó tiêu, ợ chua, tức ngực, cơ thể khó chịu... nghiêm trọng hơn là đau bụng và nôn ói.

- Bánh kem là món ăn không thể thiếu trong những bữa tiệc sinh nhật, liên hoan... do đó nhiều người thường dùng bánh kem như mồi nhậu. Đây là việc làm rất gây hại đến dạ dày. Với những người có hệ tiêu hóa tốt thì có thể chỉ hơi bị đầy bụng, có những người ăn bánh kem và uống rượu sẽ bị đau bụng, nôn ói.

Những điều nên làm

- Uống thêm nước. Bia rượu thường làm cơ thể mất nước, gây ra những triệu chứng vô cùng khó chịu như nhức đầu, xây xẩm mặt mày, đầu óc quay cuồng. Vì thế, cách tốt nhất là bạn hãy uống thật nhiều nước.

- Chuối. Rượu cũng như các chất lợi tiểu khác sẽ làm cơ thể mất đi lượng kali đáng kể. Ăn chuối hoặc các loại trái cây giàu kali sẽ giúp cải thiện tình hình. Ngoài ra, một mẹo chữa say rượu rất hay từ chuối đó là chuối xay, thêm tí sữa và mật ong.

- Súp, canh thịt giúp cơ thể lấy lại muối cũng như lượng kali đã bị mất.

- Nước ép trái cây. Ăn trái cây hoặc uống nước ép trái cây sẽ giúp người say rượu lấy lại năng lượng, được cung cấp vitamin và các chất dinh dưỡng, để cơ thể loại bỏ độc chất nhanh hơn.

- Ăn trứng. Trứng chứa cystein, sẽ làm mất acetaldehyde trong cơ thể vốn được sinh ra sau khi uống rượu. Ăn trứng ngay buổi sáng sau đêm say rượu còn giúp loại bỏ những độc chất do chuyển hóa rượu trong cơ thể. 

- Bánh mì nướng. Bạn có thể dùng vài lát bánh mì nướng ăn kèm trứng để giảm bớt chất cồn trong dạ dày vì có sự kết hợp của protein và carbohydrate trong trứng và bánh mì - là nguồn dưỡng chất tốt giúp phục hồi cơ thể.

- Uống ngũ cốc trộn với sữa ít béo. Sữa là loại đồ uống có thể hạn chế sự hấp thụ rượu vào trong máu vì thế trước khi uống rượu, bạn nên uống 1 cốc ngũ cốc trộn sữa ít béo để vừa đủ năng lượng và tránh bị say xỉn.

- Cơm rang gà cũng là sự lựa chọn lý tưởng cho bữa sáng sau một đêm say xỉn. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyên rằng, “thầy thuốc” hay nhất để chữa say rượu chính là thời gian vì nếu không uống thêm nữa thì các triệu chứng say rượu sẽ biến mất trong vòng từ 8 đến 24 giờ. 

Theo ANTĐ
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".