Những tết xưa thương nhớ

Minh họa: đỗ phấn
Minh họa: đỗ phấn
TP - Không hiểu vì sao trong cái tết đủ đầy bây giờ lại cứ nghĩ đến những cái tết ngày xưa với nỗi niềm gần như là tiếc nhớ. Những cái tết của tuổi thơ.

Hồi còn rất nhỏ, tôi cùng mẹ ở cơ quan, tết được về nhà ông bà. Đó là một dịp rất vui vì được gặp nhiều ông bác, ông cậu, bà dì, các anh chị em họ hàng, được mua áo mới, được lê la đánh đáo thoải mái trên đường làng.
Trẻ con ngày ấy không thức khuya, dậy sớm được như trẻ con bây giờ, nhưng sáng 30 tết thể nào chúng tôi cũng náo nức dậy từ mờ sáng để chứng kiến cảnh chọc tiết lợn, dội nước sôi, cạo lông, ngả lợn, đổ dồi, giã giò, gói bánh chưng… Kế đó là những bữa chén tưng bừng mỗi năm đúng chỉ có một lần. Ông tôi bảy người con. Bảy gia đình. Tết mỗi nhà (trừ nhà tôi vì bố tôi công tác bên Lào - chiến tranh ít khi về Tết mà chúng tôi lại còn nhỏ, nhà neo người) đều làm một bữa cỗ linh đình mời ông bà và tất cả những nhà còn lại. Có nghĩa là mỗi Tết chúng tôi được ăn 6 bữa cỗ đầy tình thương mến ở nhà cô dì chú bác. Không có khái niệm cỗ không ngon, chỉ nhớ cỗ nhà này có thể ngon hơn cỗ nhà khác chủ yếu phụ thuộc vào độ khéo tay của gia chủ.
Sáng mồng một tết, lũ trẻ con chúng tôi tập hợp để đón xem một nghi lễ rất thú vị:  Ông cúng tổ tiên đầu năm. Trên bàn thờ cũng chả có gì nhiều, một đĩa xôi lớn có con gà luộc ngồi trên. Ông chắp hai tay vào nhau trịnh trọng và chúng tôi, những đứa cháu lít nhít của ông đứng cách một quãng, mặt mũi hơi sợ sệt (vì thấy ông trang nghiêm quá khi chắp tay hướng về cái bàn thờ mà lớp sơn ta đã bong tróc vì thời gian) căng tai nghe từng lời ông khấn: Việt Nam quốc, Thanh Hoá tỉnh, Thọ Xuân huyện, Xuân Minh xã, Phong Cốc thôn… Cái cách ông đọc chữ thứ tự không như bình thường đó năm nào chúng tôi nghe lại cũng vẫn thú, vẫn đầy mới mẻ.
Nhưng cái mà lũ nhóc chúng tôi thú hơn nữa là khi hương tàn được ăn những miếng xôi lúc nãy con gà luộc ngồi trên đó. Những miếng xôi thấm mỡ gà dẻo, thơm, ngọt, béo không lời nào tả xiết được đối với vị giác sắc lẹm của một thời đói kém…
Rồi mẹ tôi ốm, nghỉ mất sức và chúng tôi về sống ở quê. Tôi đã qua năm sáu cái tết trọn vẹn ở làng. 
Tết là cái gì đó rất dài với trẻ con nông thôn. Dài ở quá trình chờ đợi. Những dấu hiệu đầu tiên của nó là khi nào? Có phải là khi mẹ cắt ở sau vườn những cành lá gai lá trên xanh dưới bạc bảo chúng tôi phơi khô, tuốt xương lá đi rồi cất đợi đến Tết làm bánh gai đen nhánh? 
Hay là khi lũ nhóc chúng tôi đi học thấy những ruộng lúa nếp thân lá mập và xanh hơn lúa tẻ một hôm bỗng trổ hoa vàng? Rồi ngậm đòng đòng, cái thứ đòng nếp thơm ngon nên tất cả những khóm nếp ven đường, ven bờ ruộng là lối qua lại đều bị chúng tôi rút hết đòng để ăn, chả có bông lúa nào trổ lên được. Thấy nếp là thấy tết. Bây giờ bất kỳ đứa trẻ nào đều có thể ăn xôi, ăn bánh chưng vào mỗi buổi sáng, chứ chúng tôi khi ấy chỉ có cơ hội vào dịp giỗ tết.
Tôi vẫn nhớ hồi học lớp 5 hay lớp 6 gì đó, một hôm giờ ra chơi, đám bạn đứng túm tụm trên sân trường thẫn thờ nhìn ra những ruộng lúa nếp gần đó, một đứa buột miệng thở dài: Còn ba tháng nữa mới tết! Ba tháng đợi tết của trẻ con xưa dài lắm, gần như là… vô tận. Trẻ bây giờ không biết cái cảm giác đợi chờ đó nữa.
Cũng có thể hơi hướng tết bắt đầu khi thấy các anh trong làng hì hụi đi đào gốc tre. Đó là một việc rất tốn mồ hôi và nhiều khi trợt cả da tay vì gốc tre mọc rất sát nhau và rất chắc. Người đánh gốc tre phải có cuốc, thuổng, búa và nhiều khi cả xà beng. Hay là cái gốc tre phơi khô chất bếp dùng để nấu bánh chưng thì rất được lửa.
Dấu hiệu Tết sẽ rõ ràng hơn có từ khi hóng hớt nghe được người lớn chấm chọn con lợn nhà ai sẽ được chăm nuôi để “đụng” (chung nhau làm thịt) vào dịp Tết. Thỉnh thoảng chúng tôi lại đáo qua để nhìn chú hợi mà mình biết chắc sẽ lên mâm vào đầu xuân năm mới.
Tết gần hơn nữa khi làng binh binh, thụp thụp tiếng giã bột chuẩn bị đến Tết làm các loại bánh.
Rồi khi trời nổi heo may, mía trổ cờ hoa thì cái Tết đã gần lắm rồi. Làng chặt mía, nấu mật. Hồi ấy đường rất ít, thành ra mật rất quan trọng, dùng để làm bánh gai, bánh mật, kẹo lạc, chè lam, chấm bánh chưng… Cũng là một thứ mà hồi bé tôi thấy rất quý, lúc nào cũng thèm.
Náo nức nhất là phiên chợ 25 tết (Tết vừa rồi tôi về quê đi qua cái chợ ấy, tên là chợ Thạc, đúng ngày phiên, đã dừng xe quanh quẩn xúc động bồi hồi ở đó cả tiếng đồng hồ cho dù bây giờ khung cảnh, hàng hoá, con người và cách mua đã rất khác trước). Một phiên chợ đầy màu sắc, có lẽ còn sinh động hơn cả phiên chợ Tết của Đoàn Văn Cừ (vì có thêm nhiều thứ hồi thi sĩ làm bài “Chợ Tết” nổi tiếng còn chưa có). Ngoài việc mẹ có thể mua ở phiên chợ đó nhiều thứ ngày thường không thể mua, thì chúng tôi sướng vì được đến chợ xem và mua những là lưỡi câu, dây cước (dùng làm dây câu), diêm (để bóc thuốc ở đầu que ra làm pháo)…
Pháo là một thứ mà tôi đồ rằng không chỉ có tôi mà còn rất nhiều người nhớ tiếc. Tôi nghĩ lẽ ra nó vẫn còn đến tận bây giờ, còn đến mãi mãi nếu không có thói trọc phú thái quá. 
Hồi đó, nếu không quá nghèo, mỗi nhà đều mua một bánh pháo để đốt giao thừa. 
Giao thừa, thường là trời lạnh, có khi lún phún mưa xuân. Treo bánh pháo đầu hiên đốt lên nghe tiếng pháo rộn ràng báo hiệu xuân sang, hít hà mùi thuốc pháo thơm và ấm. Đồng thời cũng để tai nghe làng trên xóm dưới râm ran tiếng tạch tạch tạch, đùng, ghi nhớ tiếng pháo nhà ai giòn hay ỉu để bàn luận mấy ngày Tết. Và sáng mồng một, mở cửa ra, cảnh xác pháo hồng một khoảng hiên với sân nhà mới xao xuyến, mới mẻ và ấm áp làm sao. 
Nhưng rồi cái thời kinh tế thị trường, người ta đua nhau kiếm các loại pháo kích cỡ ngày càng lớn hơn, nổ to hơn, đốt nhiều hơn. Pháo trở thành một lối chơi trọc phú để ganh đua, khoe mẽ dẫn đến nhiều tai họa. Những làng nghề làm pháo thường xuyên xảy ra tai nạn cháy nổ. Xe khách nổ tung cháy trụi, hàng mấy chục người cháy đen chết oan khốc do có kẻ buôn thuốc pháo đi trên đó. Ngày càng nhiều trẻ con nát tay, mù mắt vì pháo. Và nghe nói (không biết có đúng không vì chỉ là nghe nói) có một quan chức không phải nhỏ vừa làm được cái nhà lớn, tết treo trên trăm bánh pháo quanh nhà đốt. Khói làm chính ông ta, một người có tiền sử bệnh tật gì đó, sặc chết. Pháo bị cấm cho đến tận giờ.
Tôi đọc một tài liệu nói rằng pháo nguyên là để thay cho một nghi thức cổ xưa tạo tiếng động xua ma đuổi quỷ. Thời xửa xưa, người ta dùng xoong nồi, mâm… gõ tạo tiếng động lớn để đuổi tà ma. Khi biết làm thuốc pháo thì dùng nó để tạo tiếng động thay thế. 

   *
*   *

Bố tôi đã mất hơn mười năm. Giờ đây, Tết, nhất là sáng mồng Một, tôi nhớ ông quá. Nhớ những cái Tết đã rất xa, tôi, đứa con xa nhà khi ấy còn chưa lập gia đình nên có rất nhiều quyền khi trở về nhà dịp Tết. Tôi có quyền ngủ muộn sáng mồng Một. Tôi khoan khoái nằm vùi trong chăn ấm, hình dung cái lạnh đầu xuân đầy xao xuyến ngoài hiên nhà, tai lắng nghe tiếng chân mẹ tôi đi lại để làm cái gì đó ăn sáng, tiếng bố tôi lanh canh chuẩn bị bộ ấm chén trà để tiếp những vị khách đầu tiên xông nhà chúc mừng năm mới.

Những tết xưa thương nhớ ảnh 1
Đặc biệt nhớ tiếng đài bố thường mở to sáng ngày đầu tiên của năm. Những giọng đọc truyền cảm của những phát thanh viên tuyệt vời truyền đi những bút ký tài hoa của những cây bút hạng nhất của đất nước. Cả bài viết, cả giọng đọc đều thấm đẫm hơi xuân lẫn chất văn hoá truyền đời, đầy xúc động bồi hồi và cũng đầy náo nức, bao giờ cũng gieo mầm hi vọng.  Cuộc sống ngày một khá lên, Tết đủ đầy hơn nhiều nhưng sao mình vẫn tiếc nhớ? Có thể và có lẽ đó là dấu hiệu của tuổi già. Nhưng cũng có thể và có lẽ là chúng ta đang thực sự mất dần đi cái gì đó rất thân thương đã từng là phong vị ngàn năm của đời sống từng gia tộc, từng làng xóm và cả đất nước? 
MỚI - NÓNG