Nô lệ xứ người

TP - Vừa qua, vì giết và ăn thịt một con chó, nhóm 16 lao động người Việt ở Đài Loan bị phạt tới 770 triệu đồng. Hai trong số bốn người giết chó bị tù 30-40 ngày. Hai người còn lại bỏ trốn. Luật bảo vệ động vật của Đài Loan sửa đổi năm 2018 nghiêm cấm giết và ăn thịt chó, mèo. Các lao động nhà ta đã được bên môi giới cảnh báo, nhưng chắc họ không tin luật xứ Đài lại được thực thi nghiêm ngặt đến vậy.

Người Việt nằm trong số ít những dân tộc đủ can đảm để ăn thịt chó mèo, những vật nuôi gần gũi với con người- được ở cùng nhà, thậm chí ngủ cùng giường… Nhưng thực tế không chỉ chó mèo mới “khôn”, nếu ta cho lợn gà bò thậm chí là cá được thân cận với mình, chúng cũng tỏ ra quyến luyến, có tình cảm với người chẳng khác gì chó, mèo. Nói chung người ăn chay vẫn sống được, nên là cũng cần biết bóp mồm bóp miệng theo đúng pháp luật nơi mình đang sống.

Năm qua vụ 39 người Việt thiệt mạng trong thùng xe tải ở Anh nằm trong top 10 tin tức được người Việt quan tâm. Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt 110,67% kế hoạch, tương đương 132.802 người. Đó mới là số người đi theo ngạch chính thức, 39 mạng người xấu số kia nằm trong số người đi chui không biết là bao…

Nhưng ngay cả đi theo con đường hợp pháp chưa hẳn đã an toàn. Nữ lao động Nghiêm Thị Hương ký hợp đồng làm đầu bếp 2 năm tại Arab Saudi, nhưng chỉ sau 7 tháng đã phải bỏ trốn vì không chịu nổi cảnh làm nô lệ. “Ngày xưa xem phim Nô tì Isaura thế nào, sau này mình bị y chang như thế”, Hương nói. Chị phải trốn vì không được các cơ quan hữu quan hỗ trợ để có thể về nước trước hợp đồng. Các nước Hồi giáo có luật “kafala” áp dụng cho lao động nước ngoài không cho họ chuyển việc mới hoặc về nước trước thời hạn mà không được chủ đồng ý. Điều này dẫn đến vấn nạn bóc lột, buộc người lao động làm việc như nô lệ, Channel News Asia nhận định.

Công ty xuất khẩu lao động chỉ cho những người như Hương liếc qua hợp đồng 30 phút trước khi lên máy bay, vì thế chị không hề biết đến cái gọi là kafala cho đến khi đặt chân xứ người. Những trải nghiệm hãi hùng của Hương đã được mô tả trong cuốn “Đừng chết ở Ả-rập Xê-út”. Nhờ đó chị được Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) trao danh hiệu Hiệp sĩ Công lý vì những đóng góp tích cực trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em năm 2018-2019.

TS Khuất Thu Hồng, Trưởng mạng lưới GBVNet đánh giá cao sự dũng cảm của Hương khi kể lại tường tận những chi tiết mà mười mấy năm qua, các công trình nghiên cứu về lao động di cư cũng không thể làm rõ: “Cho nên những người sắp đi không biết, những đại lý cũng không nắm được tường tận những nguy cơ rủi ro mà người lao động phải đối mặt ở nước ngoài”.

Đọc sách mà thấm nỗi bơ vơ cùng cực của người lao động nơi đất khách quê người, khi quyền sinh sát hoàn toàn nằm trong tay chủ. “Nó biến mình thành một thứ gì đấy mà mình còn không nhận ra mình nữa. Mình không biết mình là ai, đang ở đâu. Vật cũng không phải vật. Người cũng không phải là người. Nó cứ nửa người nửa ngợm. Sống khổ sở, bức bối”, Hương tâm sự.

Chị cũng nhận thấy sự lúng túng của giới chủ trong cư xử với người làm. Có vẻ họ cũng có tình cảm muốn bày tỏ khi được nhiệt tình phục vụ đến nơi đến chốn, nhưng: “Họ tự cho họ ở một địa vị không cho phép mình đồng đẳng với họ. Họ dùng bạo lực với mình không hẳn vì ghét mà do thói quen trong đối xử. Còn nếu họ tức giận thực sự thì không biết chuyện gì xảy ra...”. Thì cũng như thế, sự thực người Việt ăn thịt chó mèo không phải vì ghét chúng, rất yêu là khác. Tất cả chỉ tại thói quen, và sẽ vẫn tiếp diễn, nếu chúng ta không làm gì để ngừng nó lại.

Tháng 4/2018, một nữ lao động Philippines ở Arab Saudi bị chủ ép uống nước tẩy rửa phải nhập viện mổ gấp. Cùng thời điểm, tổng thống Philippines tuyên bố cấm vĩnh viễn việc xuất khẩu lao động sang Kuwait, kêu gọi người lao động về nước, sau khi xác một nữ giúp việc người Philippines được tìm thấy trong tủ cấp đông tại một căn hộ bỏ không ở Kuwait hồi tháng 2. Ông cam kết: “Chính phủ sẽ làm hết sức để giúp quý vị trở về và ổn định cuộc sống. Tôi kêu gọi lòng yêu nước, tình yêu Tổ quốc và gia đình của quý vị”.

Hương không phải trường hợp cá biệt. Nhiều nữ lao động Việt sang Arab Saudi giúp việc đã gặp cảnh ngộ tương tự. Có người bị hiếp dâm, có thai mới được về nước. Từ 5 năm trước, một tờ báo đã lên tiếng sau khi liên tục nhận được nhiều lời kêu cứu của nữ giúp việc tại Arab Saudi: “Liên tiếp các nước như Philippines và Sri Lanka tạm dừng cung cấp lao động giúp việc gia đình cho Saudi Arabia vì nhiều rủi ro. Gần đây, Indonesia cấm phụ nữ sang Trung Đông, đặc biệt là Arab Saudi làm nghề giúp việc nhà - theo chính phủ Indonesia là nhằm bảo vệ ‘phẩm hạnh phụ nữ và lòng tự tôn quốc gia'”.

Ngay lúc này, còn bao nhiêu gia đình Việt có thân nhân lang bạt nơi đất khách quê người, phải chốn chui lủi hay bị bỏ đói, hành hạ, cưỡng bức… để đổi lấy ngoại tệ gửi về. Chúng ta cần những đồng tiền đó hơn cả hạnh phúc, sự bình an cho đồng bào mình sao?!          

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.