Ðề cử xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” 2021:

Những tấm gương phòng, chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
Bà Phan Thị Bính. Ảnh: CTV
Bà Phan Thị Bính. Ảnh: CTV
TP - Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố (Sở Nội vụ Hà Nội) vừa công bố danh sách và tóm tắt thành tích 9 cá nhân dự kiến được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021 để lấy ý kiến nhân dân.

Vì cộng đồng

Trong số các cá nhân nằm trong danh sách đề cử có bà Phan Thị Bính, công dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Bà Bính sinh năm 1956, dù hoàn cảnh còn khó khăn, sức khỏe không được tốt nhưng với tấm lòng nhân ái, hơn 21 năm qua, bà gắn bó và giúp đỡ cho rất nhiều cảnh đời cơ cực trong cuộc sống. Bà luôn tích cực tham gia công tác thiện nguyện như thường xuyên nấu cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phóng xạ và U bướu Quân đội; cứu trợ lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn, tiền mặt cho bà con tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Đặc biệt năm 2018, bà đã bán 1 mảnh đất, ủng hộ gần 1 tỷ đồng và vận động bạn bè, gia đình góp thêm tiền mua xe cấp cứu nhằm tổ chức vận chuyển những bệnh nhân là người nghèo các tỉnh về Hà Nội hoặc từ Hà Nội về quê. Chia sẻ với báo chí về quyết định này, bà Bính cho rằng: “Thật ra cũng không có gì to tát. Lần đó, tôi có đọc được trên báo câu chuyện về một trường hợp vì hoàn cảnh quá nghèo, không có đủ tiền để thuê xe cấp cứu đưa bệnh nhân đã mất về nhà. Người anh đành phải bó chiếu thi thể của em rồi chở về bằng xe máy. Câu chuyện khiến tôi không cầm được nước mắt. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ phải mua xe để giúp đỡ người nghèo có phương tiện di chuyển lúc ốm đau, bệnh tật”.

Từ suy nghĩ đó, bà Bính học hỏi những mô hình xe cấp cứu từ thiện hoạt động ở Cần Thơ, An Giang; quyết định bán đất để có tiền mua xe cứu thương giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Bà Bính dùng chính số điện thoại cá nhân làm số điện thoại đường dây nóng, liên hệ với Phòng Công tác Xã hội của các bệnh viện. Cảm thông với tấm lòng thiện nguyện của bà Bính, có 10 lái xe đăng ký lái xe cấp cứu miễn phí giúp bà Bính.

Trong năm 2020 và 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 và lũ lụt miền Trung diễn ra phức tạp, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư, bà đã bàn giao xe cứu thương cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận Hoàng Mai mượn để phục vụ đưa đón bệnh nhân và vận chuyển máy móc. Ngoài ra, bà còn đứng ra huy động các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, khẩu trang gửi đến các khu cách ly; cùng các nhóm từ thiện ủng hộ lương thực, thực phẩm cho các vùng dịch phía Nam.

Những người trong “cuộc chiến”

PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nằm trong đề cử xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2021. Ông Hạnh sinh năm 1961, có trên 35 năm công tác trong ngành Y tế, trải qua nhiều vị trí công tác.

Năm 2019, ngay từ khi có thông tin về các ca bệnh viêm phổi tại Vũ Hán (Trung Quốc), ông Hạnh đã cùng tập thể Ban Giám đốc Sở Y tế tham mưu cho thành phố trong chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch do chủng mới của vi rút Corona theo các cấp độ dịch, các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch theo diễn biến tình hình dịch phù hợp với thực tiễn của thành phố, góp phần trong công tác đảm bảo sức khỏe cho nhân dân Thủ đô.

9 cá nhân dự kiến được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021 là những tấm gương sáng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển Thủ đô những năm qua.

Cùng nằm trong danh sách đề cử còn có GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Bà Mai sinh năm 1967, có trên 30 năm công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư với nhiều công trình nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới của vi rút, tập trung vào dịch tễ học phân tử miễn dịch và phát triển vắc-xin, qua đó góp phần vào việc phát triển các chiến lược phòng ngừa ở Việt Nam cũng như chia sẻ thông tin giữa hệ thống giám sát toàn cầu. Giáo sư Mai 18 năm trước là người thuộc tập thể các nhà khoa học đầu tiên xác nhận rằng cúm A(H5N1) gây bệnh ở người tại Việt Nam. Chính vì thế, bà đã có phát hiện quan trọng trong việc mô tả đặc điểm vi rút cúm và bệnh lý miễn dịch liên quan…, góp phần to lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Với kinh nghiệm thành công trong nghiên cứu SARS-CoV (2003) và cúm gia cầm A/H5N1 (2004), GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai chỉ đạo trực tiếp nhóm nghiên cứu phân lập vi rút 2019-nCoV từ những mẫu bệnh phẩm dương tính đầu tiên, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công vi rút này vào năm 2020 (sau Trung Quốc, Australia và Singapore). Việc này cũng góp phần để Việt Nam sớm sản xuất xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm nhằm điều trị và chống dịch hiệu quả.

Bà Mai cũng là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, Trưởng đoàn Chỉ đạo xét nghiệm các đợt dịch tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh… đóng góp rất lớn cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước.

MỚI - NÓNG