Những sỹ quan tương lai đến từ buôn làng

Những sỹ quan tương lai đến từ buôn làng
TPCN - Theo A Lầng, dân tộc Xê Đăng của anh có hai học viên đang học trường Sỹ quan lục quân II. Ngày anh trúng tuyển đúng vào lễ hội đâm trâu, buôn làng đã mừng khôn xiết.
Những sỹ quan tương lai đến từ buôn làng ảnh 1
Lính trẻ                        

Đây là lần đầu tiên buôn có người vào học trường lớn như vậy. Từ trước đến nay, thanh niên buôn học cao lắm đến lớp mười, mà cũng chỉ dăm người.

A Lầng học được như vậy là nhờ khi xong cấp hai, anh được vào học trường học sinh dân tộc nội trú. Nhờ vậy, khi thi vào trường Sỹ quan lục quân II, anh đạt điểm khá cao.

Sau năm học thứ nhất, tôi đã thấy mình lớn lên rất nhiều. Đó là nhờ môi trường văn hóa Quân đội. Hàng ngày chúng tôi không chỉ được học kiến thức quân sự mà luôn được tiếp xúc với kiến thức văn hóa. A Lầng tâm sự vậy.

Không chỉ riêng A Lầng, nhiều học viên dân tộc ít người cũng có chung tâm sự như thế. Theo các anh, thời sống ở buôn làng, phum sóc, chủ yếu tiếp xúc với nguồn văn hóa dân gian, văn học truyền miệng, ở cao nguyên có sử thi, ở đồng bằng sông Cửu Long có chuyện kể đậm màu sắc Khmer.

Chính nguồn văn hóa, văn học này vun đắp cho họ tâm hồn phong phú. Nhưng phải đến khi vào trường sỹ quan, các anh mới được tiếp nhận văn hóa đọc và các chương trình văn học.

Học viên Thạch Bảo, người Khmer, quê ở An Giang, nói với tôi: Chương trình dạy văn đã hướng dẫn chúng tôi phương pháp tiếp cận với văn học viết. Thư viện nhà trường có hàng ngàn đầu sách là nơi để chúng tôi đến đọc trong các ngày nghỉ cuối tuần.

Đồng chí Đại tá chủ nhiệm chính trị nhà trường cho hay, các đồng chí học viên người dân tộc ít người thời gian đầu vào học không tiếp thu nhanh như học viên người ở thành phố, nhưng nhờ có ý chí miệt mài, chăm học nên đến năm thứ hai, thứ ba học giỏi dần lên.

Đến khi tốt nghiệp, số lượng học viên người dân tộc ít người đạt loại khá giỏi rất cao, có đồng chí là thủ khoa. Hơn thế, học viên người dân tộc có thể lực tốt, giỏi chịu đựng khí hậu khắc nghiệt, mang vác giỏi, nên khi luyện tập ở thao trường, hành quân dã ngoại đều đi đầu.

Điều đặc biệt là thời gian đầu học viên người dân tộc ít người chưa quen với cách đọc sách, nhưng sau một thời gian được học chương trình văn học của nhà trường, đã đọc say mê, nhiều người còn hiểu văn học hơn một số học viên quê ở thành phố.

Ksok Đông là học viên xuất sắc của trường. Thời thơ ấu, cậu rất cực khổ, ba mất sớm, mẹ tảo tần nuôi ba người con, chỉ lo cái ăn cũng đã héo quắt người, mà cũng chỉ lo được ăn cháo, ăn củ gừng.

Nhưng rồi, khi một đơn vị bộ đội đến buôn làm công tác dân vận, bộ đội đã cấp gạo, đề nghị chính quyền xã xóa đói giảm nghèo cho gia đình ấy. Rồi Ksok Đông được nhận vào trường Dân tộc nội trú của tỉnh Gia Lai.

Mấy năm học, anh đều đạt học sinh tiên tiến. Sau khi tốt nghiệp, anh thi đậu trường Sỹ quan lục quân II. Hiện anh là đảng viên trẻ của nhà trường. Khi hỏi nguyện vọng, anh đáp: Học xong tôi sẽ xin được trở về Tây Nguyên phục vụ. Và chắc chắn tôi sẽ góp sức mình để xây dựng tủ sách, thư viện cho đơn vị.

Đồng chí K Đê, người dân tộc K Ho, nói: Truyện cổ dân gian Việt Nam chúng ta kết thúc đều có hậu. Đọc sách văn học chúng tôi như được sống trong thế giới nữa, đó là thế giới do nhà văn sáng tạo nên.

Trường Sỹ quan lục quân II, có môi trường văn hóa khá lý tưởng, thư viện nhà trường là nơi lưu trữ cung cấp nguồn sách báo phong phú. Đó là môi trường đào tạo người sỹ quan tương lai toàn diện của quân đội.

MỚI - NÓNG