Những người 'tạo hình' cho rác thải

0:00 / 0:00
0:00
Jan Zellmann, đồng sáng lập Dự án ReForm Plastic giới thiệu về quy trình “tạo hình” rác cho khách tham quan nhà máy. Ảnh: Giang Thanh
Jan Zellmann, đồng sáng lập Dự án ReForm Plastic giới thiệu về quy trình “tạo hình” rác cho khách tham quan nhà máy. Ảnh: Giang Thanh
Những túi ni lông, hộp xốp, ly nhựa, thìa nhựa dùng một lần… được các chuyên gia “tạo hình” trở thành những tấm ván nhựa dùng để đóng thùng rác, tủ đựng đồ, bàn, ghế… với màu sắc, mẫu mã đa dạng tại nhà máy ReForm Plastic (TP Hội An, Quảng Nam). Vòng đời của rác thải nhựa được kéo dài, nhằm góp phần giảm phát thải nhựa ra môi trường.

“Hô biến” rác thành bàn, ghế, tủ…

Sâu trong khuôn viên Nhà máy xử lý rác thải hữu cơ Cẩm Hà (TP Hội An, Quảng Nam), cạnh bên bãi tập kết rác hữu cơ khổng lồ, nhà máy của Dự án ReForm Plastic nằm gọn trong một căn xưởng cũ rộng 200m2. Một dây chuyền với những loại máy móc hiện đại được lắp đặt với nguyên liệu đầu vào là ngổn ngang các loại rác thải nhựa. Bên khu trưng bày sản phẩm chỉ rộng chừng vài mét vuông, Jan Zellmann - Đồng sáng lập Dự án ReForm Plastic đang say sưa giới thiệu cho khách tham quan nhà máy những thành phẩm được tái tạo từ rác thải nhựa.

Ngay lối vào nhà xưởng là điểm phân loại rác, các công nhân sẽ tiến hành phân loại để chọn ra các loại chai nhựa có thể bán phế liệu, chỉ giữ lại những rác thải “phế phẩm” để cho vào dây chuyền. “Ở đây, nguyên liệu của chúng tôi là những thứ rác thải nhựa có giá trị thấp nhất, không ai thu mua. Từ những nguyên liệu đó, qua các công đoạn xử lý, chúng tôi “tạo hình” rác và biến chúng thành những tấm ván nhựa, hoàn toàn có thể thay thế các loại vật liệu khác trong gia công sản phẩm nội thất”, Jan giới thiệu cho các khách mời trong “tua” tham quan nhà xưởng.

Những người 'tạo hình' cho rác thải ảnh 1

Rác thải nhựa sau khi phân loại sẽ lần lượt theo băng chuyền qua 2 phễu lớn được cắt thành các vảy nhựa và rửa sạch. Toàn bộ nước thải rửa rác sẽ được xử lý sinh học bằng một hệ thống riêng biệt, làm sạch để tạo thành bùn sệt. Sau đó, các vảy nhựa sẽ được động cơ bắn sang trạm làm khô và chuyển đến khu vực tập kết. Tại đây, vảy nhựa sẽ được cho vào máy ép nhiệt để ép thành các tấm ván nhựa kích thước 1,2m x 1,4m.

“Tùy theo yêu cầu của khách hàng, chúng tôi có thể gia công để tạo ra các hoa văn, màu sắc tùy chỉnh như cẩm thạch mờ, màu đơn sắc, đá cẩm thạch… để tăng tính thẩm mỹ… Ngoài công dụng thông thường, mỗi sản phẩm là một bài học chân thực, gần gũi nhất về bảo vệ môi trường”.

Jan Zellmann

“Các vảy nhựa sẽ được ép ở nhiệt độ 150oC đến 250oC liên tục trong 1 tiếng đồng hồ với lực ép là 100 tấn. Chúng tôi dùng nhiệt và lực để các vảy nhựa kết dính tạo thành tấm ván chứ không đốt nhựa. Các chuyên gia đã phải thử nghiệm nhiều lần để tìm ra nhiệt độ phù hợp nhằm kết dính vảy nhựa, cho ra thành phẩm có độ cứng, độ dẻo và độ bền cao nhất”, Jan giải thích.

Ý tưởng về dự án được Jan và các cộng sự ở Công ty Evergreen Labs (một công ty tư vấn, hỗ trợ các dự án về môi trường) ấp ủ nhiều năm nay. Trước khi bắt đầu ReForm Plastic, Evergreen Labs có tiếng ở Đà Nẵng với nhiều hoạt động về môi trường, thu gom rác thải nhựa ở các địa điểm du lịch. “Qua quá trình đó, chúng tôi nhận thấy chỉ thu gom rác là chưa đủ. Nếu có thể tạo giá trị cho rác, cộng đồng sẽ thay đổi đáng kể cách nhìn nhận về rác khi nó trở thành tài nguyên của một lĩnh vực sản xuất và có thể tạo ra giá trị kinh tế”, Jan cho hay.

Phải mất hơn 3 năm, các chuyên gia của dự án mới có thể nghiên cứu công thức phối trộn rác thải nhựa, chế tạo các loại máy móc và thiết lập dây chuyền phù hợp cho dự án. Chỉ tay vào những tấm bảng với đủ loại màu sắc được dựng lên để làm vách ngăn nhà xưởng, Jan phấn khởi giới thiệu “bảo tàng” độc đáo của ReForm Plastic. “Đó là những thành phẩm từ ngày đầu tiên chúng tôi bắt tay thực hiện dự án cho đến tận bây giờ. Có thể thấy, qua thời gian, những tấm ván nhựa có màu sắc sáng hơn, bề mặt phẳng mịn hơn…”, Jan nói.

Nhân lên những vòng đời của rác

Từ một phòng thí nghiệm nhỏ trong container cũ ở Đà Nẵng, năm 2020, ReForm đã nhận được cái gật đầu của UBND TP Hội An (Quảng Nam) để xây dựng một nhà máy thông qua sự giới thiệu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN). Mất 1 năm chật vật vì COVID - 19 và lũ lụt, nhà máy mới chỉ vận hành chính thức được khoảng 5 tháng với hơn 30 tấn thành phẩm (khoảng 1.000 tấm ván nhựa).

Công suất nhà máy ước tính xử lý được 1.000 tấn rác thải nhựa 1 năm. Hiện, các sản phẩm tấm ván nhựa của ReForm rất được ưa chuộng ở thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…, nhà máy hoạt động không kịp để cung cấp cho các đơn hàng lớn. “Việc nâng cấp công suất rất dễ dàng. Vấn đề lo lắng nhất của chúng tôi hiện nay chính là nguồn rác đầu vào. Trong tương lai, để đảm bảo ổn định nguồn rác đầu vào, chúng tôi sẽ xây dựng các trạm thu hồi và phục hồi tài nguyên trong cộng đồng ở TP Hội An và cả đảo Cù Lao Chàm, đồng thời, đảm bảo người dân thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn”, Jan chia sẻ.

Những tấm ván nhựa của ReForm có hoa văn độc đáo, đặc trưng cho nguyên liệu rác tạo ra chúng. Như The Classic làm từ bao ni lông, bao nhựa dẻo, giấy bóng, hộp xốp với mỗi mét vuông dày 1cm cần dùng 1.900 túi ni lông, hay The Cloud làm từ túi dứa, ly nhựa, muỗng, dao nhựa dùng 1 lần với mỗi mét vuông dày 1cm cần 3.050 ly, dao muỗng nhựa hoặc 130 túi dứa…

Đặc biệt, ReForm Plastic có chính sách thu gom miễn phí tất cả các sản phẩm cũ, bỏ đi của dự án sau quá trình khách hàng sử dụng. Những sản phẩm cũ này sẽ được cắt nhỏ và xử lý qua dây chuyền để tạo nên vòng đời mới. “Các sản phẩm của chúng tôi đều đảm bảo đạt ngưỡng an toàn dành cho đồ chơi trẻ em theo tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN). Hiện, chúng tôi đang có showroom ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cùng 2 cơ sở nhượng quyền ở Myanmar. Chúng tôi đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân có thể xây dựng các nhà máy ở nhiều địa phương khác dưới hình thức nhượng quyền”, Jan cho hay.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, ReForm Plastic là dự án rất phù hợp với địa phương bởi chính quyền thành phố luôn ưu tiên phát triển thành phố du lịch xanh, thành phố môi trường. “Những kết quả của dự án đã chứng minh rác hoàn toàn có thể biến thành tài nguyên nếu chúng ta quản trị tốt. Các túi ni lông, hộp xốp, muỗng nhựa bỏ đi… có thể tái chế và trở thành các vật dụng hữu ích trong đời sống. Trong bối cảnh hiện nay, kéo dài vòng đời là cách tốt nhất để rác thải nhựa không bị thải ra môi trường”, ông Hùng đánh giá.

Điểm học tập cộng đồng về môi trường

“Đây là sự hợp tác mang tính thử nghiệm giữa TP Hội An và EverGreen Labs để tìm ra lời giải cho bài toán rác thải nhựa. Thành phố cũng chỉ đạo Phòng GD&ĐT và Phòng TN&MT tham mưu để đưa nhà máy ReForm Plastic trở thành một điểm học tập cộng đồng, giáo dục về môi trường cho các em học sinh trên địa bàn”, ông Nguyễn Thế Hùng nói.


MỚI - NÓNG