Những người muôn năm cũ

Những người muôn năm cũ
Cái cửa hàng ấy vẻn vẹn chưa đầy 4m2, khiêm tốn nép mình trên dãy phố thương mại của Hà Nội. Cửa hàng truyền thần Chân Phương của nghệ nhân Bảo Nguyên, cái nghề lặng lẽ, chân chỉ như chính biển hiệu.
Những người muôn năm cũ ảnh 1

Ngồi nói chuyện với ông một ngày cuối đông, câu chuyện rí rách, thoang thoảng lọt vào giữa những ầm ĩ bán mua, những màu sắc quần áo, những đa dạng giầy dép.

Người đàn ông ấy luôn ngồi ở căn phòng ấy, nhỏ bé, với chiếc áo rét đã cũ, chiếc quần kaki bạc màu, chiếc khăn len cùng chiếc mũ nồi đội lệch. Trên sống mũi chiếc kính lão đồi mồi trễ xuống. Cái thời trang ông vận đã thịnh hành cách đây mấy chục năm, nhưng ông vẫn thế, như cái nghề ông đang theo. Lặng lẽ, khép mình.

Cái nghề truyền thần ấy gắn với ông khi ông còn là một sinh viên trẻ. Năm thứ 3 đại học, khoa Vật lý trường Đại học Tổng hợp cũ, lỡ việc học, ông lang thang trên cũng dãy phố này, phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường.

Cũng tò mò khi thấy những người già có, trẻ có, cắm cúi vẽ những nét sao chép từ những tấm ảnh bán thân lên mặt giấy. Chỉ một màu mực đen, một phiên giấy trắng mà khuôn mặt người hiện lên rõ nét, tỏa ra cái thần, cái sắc rất thật, rất sống động. Tranh như ảnh, mà tranh lại chẳng phải tranh.

Ông muốn học, ông muốn được biết. Thế nhưng chẳng ai cho ông học. Người thì nhanh chóng xếp gọn bút, thu bảng, người thì dang tay đuổi khéo: “Tôi đang tập trung công việc, cậu thông cảm”. Mò mẫm đến xin học nghề, người ta quay mặt từ chối, cậu Bảo Nguyên buồn bã, nhưng trong lòng đã quyết sẽ về nhà tự làm tự học.

Từ đó, người nhà thấy cậu cứ cặm cụi lấy ảnh của từng người ra vẽ lại, phác ra giấy những nét thân quen. Rồi lại thấy cậu lân la lên phố, đứng xa xem người ta làm, rồi về nhà bắt chước làm đúng như thế.

Cái duyên, và cái khiếu sẵn có đã khiến Bảo Nguyên sớm thành nghề. 5 tháng sau cái ngày cậu lang thang trên phố Hàng Ngang, Bảo Nguyên đã có cửa hàng riêng của mình.

Nghề truyền thần du nhập vào Việt Nam từ khi nào chẳng rõ. Cũng chẳng có bút sách nào ghi rõ ai là người phát kiến ra nghề này đầu tiên. Chỉ biết được rằng, từ những năm 30, khi những bậc thầy về hội họa Việt Nam xuất hiện, những thiếu nữ Hà thành tỏa sáng trên từng khuôn tranh sơn mài, cũng là lúc các hiệu ảnh tân kỳ mọc lên ở Hà Nội và một số vùng khác.

Nghề vẽ chân dung lụi bại. Nhưng các bức ảnh lúc đó không giữ lại được mãi mãi, người ta lại có nhu cầu có một biện pháp nào đó, để lưu lại những hình ảnh xưa. Nghề truyền thần ra đời đáp ứng đủ được những nhu cầu trên.

Những năm thập kỷ 60, nghề truyền thần bước vào giai đoạn hưng thịnh, chỉ một dãy phố từ đầu Hàng Đào đến Hàng Giấy mà có đến 11 cửa hàng, mỗi cửa hàng có 4, 5 nghệ nhân hành nghề. Công việc nhiều, làm không hết, phải làm ngày, làm đêm mới hết việc.

Có những người cứng tay nghề, kiếm được 1 tháng đến 300 đồng (1 chiếc xe đạp Phượng Hoàng lúc ấy có giá 600 đồng, lương kỹ sư mới ra trường chỉ có vẻn vẹn 50 đồng). Ai ai lúc bấy giờ cũng biết đến cửa hàng 73 Cửa Nam.

Những nghệ nhân cứng tay nghề nổi danh nhanh chóng nhận được những đơn đặt hàng làm đến tối mặt vẫn không đáp ứng kịp. Rồi các cửa hàng truyền thần được gom lại thành các hợp tác xã truyền thần, làm việc theo dây chuyền.

Nghề truyền thần vừa được các họa sĩ đương thời phục, lại vừa ghét. Phục bởi họ làm nghề cũng liên quan đến hội họa, nhưng lại được dân chúng ưa chuộng, ghét bởi vì họ cho công việc của những nghệ nhân truyền thần là công việc của những người thợ, không có sáng tạo, chỉ sao chép.

Rồi cũng đến thời kỳ nghề truyền thần dần lụi bại, những năm 80, khi có chính sách mở cửa, những hợp tác xã truyền thần giải thể, những nghệ nhân truyền thần về mở lại những cửa hàng của riêng mình. Cũng có nhiều người bỏ, chuyển sang nghề khác kiếm sống.

Cửa hàng của nghệ nhân Bảo Nguyên tồn tại ở đây gần nửa thế kỷ. Nó đã nuôi sống gia đình ông, nhưng đáng tiếc, mấy người con lại chẳng ai theo nghề cha. Chỉ có ông và vợ vẫn ngày ngày tỉ mẩn tô tô, chuốt chuốt. Những bức tranh truyền thần treo ở cửa hàng mỗi cái một vẻ, nhưng có một nét chung là trầm mặc và ánh mắt nhìn rất sống động.

Cái buồn, cái vui, cái say mê, đắm đuối, tất cả hội tụ ở đây và người ta nhận thấy những tâm trạng đó từ đôi mắt những khuôn hình trong tranh. Cái khó của người nghệ nhân làm nghề này là diễn tả được cái hồn qua đôi mắt, qua những nếp nhăn, qua cái nét rất thường, rất nhỏ trên khuôn mặt…

Vẽ thành công, khuôn hình phải sống, phải thật và đặc biệt là phải có thần, có hồn. Trên bản giấy trắng, màu mực phải đúng, chỗ đậm chỗ nhạt, thậm chí có chỗ đen ánh, nhưng có chỗ chỉ cần mờ mờ… có thế mới đúng.

Ngày trước, ông vẽ những khuôn hình này bằng mực tàu. Nhưng mực tàu vẽ chậm, mà khó vẽ, khó sửa. Thời kỳ kinh tế chưa mở cửa, có mấy nhà cung cấp nguyên liệu được đâu. Thế là những người làm truyền thần tự làm bột đen. Họ đốt dép lốp lấy muội. Hoặc bằng những cách thủ công khác.

Ông Bảo Nguyên tâm sự: “Hết bột, tôi dùng một chiếc đèn Hoa Kỳ, đốt thật to cho có khói đen. úp một chiếc phễu giấy lên trên hứng muội, rồi khi vẽ, dùng muội đèn luôn. Vẽ bằng muội đèn có cái hay là nó vẫn đen, nhưng lại ánh lên cái màu nâu nâu, đo đỏ của ánh lửa. Đẹp lắm”.

Muội đèn đã từng một thời vương vãi khắp nơi ở nhà ông, quần áo, tay chân vợ con lấm lem những muội.

Cái thời hưng thịnh đã qua, hơn 200 nghệ nhân của Hà Nội ngày ấy bây giờ còn ít lắm. Nghệ nhân Bảo Nguyên là một trong “những người muôn năm cũ” ấy còn lại. “Nghề còn, nhưng ít người theo.

Nghề truyền thần không đơn giản là chỉ vẽ theo, mà đòi hỏi sự tỉ mẩn, chau chuốt đến từng nét nhỏ. Thanh niên bây giờ không thích sự gò bó, còn những bậc cao niên xưa thì đã mắt mờ, chân chậm. Có muốn cũng chẳng còn theo nghề được nữa”.

Mà nghề truyền thần lại không được người ta để ý cho lắm, thế nên nghệ nhân đã ít, lại càng ít. Cả quãng phố Hàng Đào, Hàng Ngang bây giờ chỉ còn 3, 4 cửa hàng, cái nào cũng nho nhỏ, khiêm tốn lẩn khuất trong những dãy áo quần.

Cái nghề thủ công, đến cái bút cũng tự tạo từ đôi đũa ăn, từ cái tăm tre… đã tạo nên một nét đặc biệt cho nghề, cho phố phường Hà Nội. Chẳng thấy mấy người lai vãng, hoặc đặt hàng gì nữa, bây giờ có công nghệ điện tử can thiệp, họ xử lý ảnh bằng máy móc. Có mấy ai để ý đến một nghề thủ công.

Chỉ có những khách du lịch phương Tây đến săm soi. Họ thích những bức tranh thủ công, họ thích những ngòi bút tự tạo bằng đũa tre, bằng đầu tăm có bông quấn. Cái câu chuyện bên cạnh giá vẽ cũng lãng đãng, cũng phiêu du giữa con phố thương mại ồn ã, chẳng khi nào lắng nhịp…

“Những người muôn năm cũ
 Hồn ở đâu bây giờ”

Hồng Ngọc
An ninh Thủ đô

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.