Các loại thực phẩm họ nhà đậu như đậu xanh, đậu tương, đậu đen đều rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn chúng một cách thoải mái.
Đậu xanh
Đậu xanh chứa một lượng giá trị dinh dưỡng cao mà không chứa nhiều chất béo. Tuy nhiên, có những người không nên ăn đậu xanh vì nếu ăn sẽ có mang bệnh vào người.
Theo Đông y, những người có thân nhiệt tính hàn (như chân tay lạnh thiếu lực, lưng, chân đau nhức và đi ngoài phân lỏng…) khi ăn đỗ xanh càng làm bệnh tình nặng thêm thậm chí còn làm đau bụng đi ngoài dẫn đến mất nước làm cho cơ bắp và khớp đau nhức, từ dạ dày yếu dẫn đến hệ thống tiêu hoá.
Người già, trẻ em và những người bị đau dạ dày, tụy yếu và lạnh không nên ăn nhiều chè đậu xanh. Trong đậu xanh có chứa một số hàm lượng dinh dưỡng còn cao hơn thịt gà, nên trong thời gian ngắn khó tiêu hóa hết, dẫn đến đầy bụng và khó chịu. Hơn nữa đậu xanh thuộc loại thức ăn lạnh, vì vậy, sau khi ăn chè đậu xanh bệnh dễ bị tái phát.
Khi đang đói bụng bạn cũng không nên ăn đậu xanh vì đậu xanh có tính hàn khi ăn vào bụng đói không tốt cho dạ dày, nhất là lúc dạ dày đang bị co bóp vì đói.
Những chị em có hệ tiêu hóa kém nếu ăn quá nhiều đỗ xanh cũng sẽ dễ bị các bệnh phụ khoa như: bạch đới, trướng bụng, đau bụng kinh …
Đậu tương
Đậu tương cũng được biết đến là thực phẩm có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ mãn kinh. Đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương có thể làm tăng cường estrogen trong cơ thể, tác động đến collagen trong da làm cho da đẹp hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều đậu tương cũng nguy hiểm, nhất là khi bị bệnh.
Những người cao tuổi và những người mắc bệnh thận, thiếu máu thiếu sắt, bệnh gút, xơ cứng động mạch thì không nên thường xuyên sử dụng loại đậu này… bởi nó sẽ làm suy giảm chức năng thận, ảnh hưởng đến các chức năng tiêu hóa khác.
Đậu tương có chứa hàm lượng protein thực vật cao, khi vào cơ thể sẽ qua quá trình chuyển hóa và cuối cùng một phần lớn sẽ biến thành chất thải chứa nitơ và được thận bài tiết ra bên ngoài. Khi về già, chức năng bài tiết chất thải của thận bị suy giảm, nếu không chú ý đến việc ăn uống và ăn quá nhiều đậu phụ, nạp quá nhiều protein thực vật sẽ tăng chất thải chứa nitơ.
Điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng của thận cũng tăng lên, chức năng thận tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng đến sức khoẻ nói chung.
Ăn nhiều đậu tương cũng dẫn đến thiếu i-ốt bởi trong các hạt đậu tương có chứa một chất gọi là saponin, không chỉ có thể ngăn ngừa xơ vữa động mạch, mà còn thúc đẩy sự bài tiết của iốt trong cơ thể con người. Vì vậy, uống sữa đậu nành trong một thời gian dài có thể dễ dàng dẫn đến thiếu hụt i-ốt và một số bệnh khác.
Đậu đen
Đỗ đen là nguồn thực phẩm ngon miệng và có lợi cho sức khỏe. Khi kết hợp với các loại ngũ cốc như gạo lức… sẽ tạo ra nguồn protein chất lượng cao.
Theo y học cổ truyền, đậu đen tính hơi ôn, vị ngọt, quy kinh thận, có tác dụng trừ thấp, giải độc, bổ thận, bổ huyết, bồi bổ cơ thể. Nhiều sách cổ viết rằng, ăn đậu đen chữa được chứng thủy thũng, tê thấp, bổ thận, giải độc cơ thể, phụ nữ dùng lâu ngày thì làm đẹp dung nhan.
Nhiều tổ chức y tế công cộng bao gồm cả Hiệp hội Tiểu đường, Hiệp hội Tim mạch, và Hiệp hội Ung thư của Mỹ đều nói về các loại đậu, trong đó có đậu đen, như là một nhóm thực phẩm chính giúp ngăn ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe.
Theo sách dinh dưỡng ghi lại, trong đậu đen có chứa hàm lượng cao protein 24,4 g%, lipid 1,7 g%, glucid 53,3 g% và rất nhiều axit amin thiết yếu. Ngoài ra, đậu đen còn chứa rất nhiều vitamin quan trọng như vitamin A 5mg, B1 0,5mg, B2 0,21mg.
Đỗ đen giúp bổ thận, bổ máu và có tác dụng làm sáng mắt. Đặc biệt chè đỗ đen có tác dụng điều trị đối với thận yếu, lưng eo nhức mỏi, mặt sưng phù, phong thấp tê liệt, thấp khớp hoặc các bệnh lở loét.
Tuy nhiên, đậu đen có tính mát nên không dùng cho người bị hư hàn (loét hành tá tràng, dễ tiêu chảy, tiêu chảy mạn), chân tay lạnh, sợ lạnh. Những người bị bệnh này nếu ăn nhiều đậu đen sẽ càng làm cho bệnh nặng hơn, khó điều trị dứt điểm.