Những ngày đi giữa lằn sinh tử

Những ngư dân can trường bền bỉ bám Hoàng Sa
Những ngư dân can trường bền bỉ bám Hoàng Sa
TP - Phóng viên Tiền Phong đã có 10 ngày bám biển Hoàng Sa trên con tàu ĐNa 90039 của thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B (Xuân Hà - Thanh Khê, Đà Nẵng). Trọn vẹn 10 ngày tiếp cận giàn khoan là quãng thời gian không bao giờ quên trong đời làm báo. Có lẽ, đó cũng là lần duy nhất cho đến nay, tôi hiểu được, thế nào là đi giữa lằn ranh sinh - tử…

Đây là lần thứ 2 trong đời tôi được có mặt ở vùng biển Hoàng Sa, chỉ cách đảo Tri Tôn chưa đầy 20 hải lý. Lần đầu vào năm 2010, đi với các chiến sĩ CSB vùng 2. Rất an toàn! Còn lần này, tôi là ngư dân thứ 13 trên con tàu của chú Tám (tên thân mật của thuyền trưởng Còn B), ra tiếp cận, đánh bắt ở vùng biển nơi có giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, bước vào trận chiến sinh tử thực sự.

Người lên “tiểu điếu thuyền”

Tối mịt ngày 11/5, đội tàu Thanh Khê đậu san sát. Không khí chộn rộn khẩn trương cho chuyến ra khơi. Nhận điện thoại của anh Lê Văn Chiến (thuyền trưởng ĐNa 90351), tôi chỉ kịp vơ vội mấy bộ quần áo, xách đồ nghề lao tới. Trong đầu chỉ nghĩ đến viễn cảnh sẽ tiếp cận giàn khoan như thế nào, truyền bài vở ra sao. 

Rạng sáng, khi đã ngồi trên mạn tàu, hít căng gió Sơn Trà, chỉ kịp nhắn tin cho anh Trần Tuấn (trưởng VP báo Tiền Phong ở miền Trung): “Em đã đi trên tàu ngư dân, anh chờ tin nhé”. Sau một cuộc điện đàm nữa của anh Tuấn thì mất sóng. Chúng tôi bước ngay vào trận chiến sinh tử. Tôi nhớ lại bản dịch của cụ Dương Quỳnh về tờ lệnh Hoàng Sa của tộc họ Đặng ở Lý Sơn. 

Là người cẩn thận, cụ Quỳnh thắc mắc một chi tiết, đó là có hay không những người binh phu lên tàu ra Hoàng Sa mấy trăm năm trước, họ được trang bị súng? Cụ Quỳnh bảo, không thể có, vì trong bản dịch có chữ “tiểu điếu thuyền”. Tức là binh phu lên những con thuyền đánh cá nhỏ. Và họ mãi mãi không trở về. Tôi như bất động vài phút ở trên tàu khi nhớ lại câu ca cổ: “Hoàng Sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về…”.

Thật may mắn, và cũng có lẽ sự háo hức khi nhìn thấy cái giàn khoan phi pháp Hải Dương 981 mờ ảo từ đằng xa nên dù sóng cấp 4 – 5, con tàu ĐNa 90039 dưới sự điều khiển lão luyện của chú Tám, có lúc chao nghiêng, tưởng chừng như bị nhấn chìm trong sóng, tôi vẫn không say.

Ngay buổi sáng đầu tiên, chúng tôi đã đụng độ với đội tàu Trung Quốc. Ăn vội bát mỳ tôm, tôi vẫn kịp cùng anh em ngư dân “súc miệng” mấy ly rượu nhỏ. Điều này khiến chú Tám ngạc nhiên, nói vui: Chú mi được đấy, sau này có thất nghiệp xuống đây, đi biển với chú. Câu nói chưa kịp dứt của chú Tám thì hàng loạt “trâu đen”, “trâu xanh”, tàu vỏ sắt màu ghi, hải giám, hải cảnh… đã hú còi u u. Đồng loạt lao tới. Máy trưởng Trường lắc đầu ngán ngẩm: Thế là chuyến biển này toi rồi. Họ cứ hành xử kiểu đó, không cách gì chúng ta thả lưới được. Những tay lưới nặng nghìn cân, nếu muốn thả, rồi kéo lên, mất gần một ngày. Tàu Trung Quốc kéo đến, chỉ còn cách vứt đi. Sang ngày thứ 2, sự khốc liệt được tăng dần. Và đó cũng là lúc những thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm như chú Tám, anh Chiến, Lê Dũng, Nguyễn Đình Sinh… bộc lộ hết can trường và bản lĩnh của những cột mốc sống giữa trùng khơi.

Những ngày đi giữa lằn sinh tử ảnh 1 Phóng viên Nam Cường đang tác nghiệp trên tàu cá của ngư dân tại Hoàng Sa

Trong 10 ngày, cứ một ngày 3 lần, ngư dân tìm cách tiến tới giàn khoan để đánh bắt, để khẳng định chủ quyền biển đảo, là những lần thần kinh của tôi căng ra như dây đàn. Tôi vẫn không thể nào quên cú trổ tài điệu nghệ của chú Tám trong ngày thứ 3. Đó là ngày mà anh em trong tổ đội đã nhận được thông báo qua Icom với nhau, đã có những thiệt hại đầu tiên. Tàu anh Trương Văn Hay, anh Sinh… đã nhận được những cú húc đầy dã tâm khiến mạn vỡ, giàn sập, rơi bóng đèn. Đó là lúc khoảng 19h tối, ánh trăng rằm đã chiếu xuống, lấp lánh trên mạn tàu. Ánh trăng lãng mạn phút chốc đã bị xé vụn bởi tiếng hụ còi âm âm u u như tiếng vọng từ địa ngục của phía tàu Trung Quốc. Những cú pha đèn sáng chói vào thẳng tàu ngư dân. Chú Tám vẫn không hề nao núng.

Lúc đó, lần lượt 5 - 6 tàu màu ghi đang quây đội tàu Thanh Khê vào giữa. Chú Tám trầm tĩnh: Quan trọng nhất là sợ nó cài bẫy tạo tình huống. Nó đã tạo được tình huống để tàu mình điều khiển lỡ trớn, lao vào tàu nó là ngay lập tức bị quay phim chụp hình. Rồi sau đó, họ sẽ trưng ra bằng chứng, tàu cá mình gây hấn, mặc dù sự thật không phải như vậy. Và lúc này, nhận thấy sự rục rịch di chuyển của các tàu, lập tức “trâu xanh” 98003 dường như đã được phân định “kèm cặp” ĐNa 90039 lao tới, ép ngay mạn trái. Mạn bên kia là một “trâu đen”, trước mũi là đội tàu ghi. 

Lùi sâu vào giàn khoan, để nhận được những cú húc chí mạng giữa đêm đen? Chú Tám lùi thật, và chỉ vài phút sau, một tiếng thét đanh gọn từ phần đuôi: “Vọt!”. Chú Tám bật dậy, cài số, tăng tốc, bẻ bánh lái, lách vào giữa “trâu xanh” và hai tàu ghi. Cú bẻ lái thiện nghệ khiến “trâu xanh” lỡ trớn, suýt tông hẳn vào tàu đồng bọn. Sự sống và cái chết dường như chỉ trong tích tắc. Mặt chú Tám vẫn không hề biến sắc, giọng đều đều: Lo là lo cho chú mi, không biết bơi lội thế nào.

Truyền bài trong vòng quây tàu Trung Quốc

Những phóng viên đi Hoàng Sa đợt đầu tiên, lại ở trên tàu ngư dân, điện thoại vệ tinh lúc đó là một điều quá xa xỉ. Truyền bài về tòa soạn bằng cách nào? Nhận được sự lo lắng của tôi, chú Tám bảo: Không lo, sẽ có cách truyền bài cho chú, ảnh thì bó tay.

Và đến ngày thứ 2, dẫu vẫn đi lại bình thường, vẫn bia rượu cùng ngư dân, nhưng cũng có lúc tôi bắt đầu cảm thấy sự nôn nao dữ dội. Gió lớn, sóng càng lúc càng mạnh. Vẫn phải mở laptop gõ bài, lúc này đã là 20h tối. Trên khoang lái, chú Tám bắt đầu mở Icom, tôi điện thoại về qua hệ thống của Đài duyên hải miền Trung. Nhờ đài kết nối tới điện thoại văn phòng. May mắn làm sao, vẫn còn phóng viên Hoài Văn trực ở đó. Cuộc điện thoại qua Icom phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới xong 1.200 chữ. Giữa sóng biển ầm ào, nói chữ được chữ mất, phải dịch từng chữ một. Có những lúc quá mệt, tôi phải nhờ anh Trường đọc giùm. Và thật kinh hoàng là trong lúc tôi với chú Tám đang truyền bài về tòa soạn, tàu Trung Quốc đã áp sát mạn. 

Lúc này, ĐNa 90039 thả dù, để trôi tự do. Chú Tám quyết định tắt máy để tạo không gian yên tĩnh cho tôi đọc bài. Tàu dần trôi vào giàn khoan. 3 - 4 tàu sắt Trung Quốc lao tới, áp sát, dọi đèn pha thẳng vào khoang lái. Tiếng còi tu tu mỗi lúc một gần. Giờ là ban đêm, sẽ vô cùng nguy hiểm nếu va chạm. Anh em thuyền viên thất kinh. Chú Tám vẫn điềm nhiên: Cứ từ từ, nó chưa dám làm gì đâu. Để yên cho chú Cường truyền bài về tòa soạn. Tôi vừa đọc bài, ứa nước mắt. Khi dòng cuối cùng của bài vừa đọc xong trọn vẹn, kèm theo lời chúc bình yên của phóng viên Hoài Văn thì cũng là lúc chú Tám bay ngay tới vô lăng, bật công tắc khởi động. “Vọt thôi, bài đã xong”. Đó cũng là bài tường thuật duy nhất của tôi ở Hoàng Sa, không kể những phóng sự sau khi vào bờ. Thật đơn giản, những ngày sau đó, sự căng thẳng được đẩy đến mức nghẹt thở. Các tàu Trung Quốc không để yên một phút nào cho tàu cá được thảnh thơi. Đến việc ăn cơm cũng vội vàng, đừng nói viết bài.

Những ngày sát cánh cùng ngư dân ở Hoàng Sa, có một tâm trạng mà giờ đây tôi không thể không nói: Tôi có sợ không? Câu trả lời là có. Đó là những lúc đêm về, dài dằng dặc. Nằm trên thuyền lênh đênh giữa sóng nước. Tôi gần như thức trắng, mắt cứ chăm chăm nhìn vào… áo phao. Chỉ cầu mong sao, tàu Trung Quốc đừng lao tới vào ban đêm. Và rồi, chỉ sau cái ngày chúng tôi xin chuyển qua tàu kiểm ngư để tác nghiệp, một tàu trong đội đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Sự hy sinh gian khổ, sự can trường dũng cảm, hết mình vì chủ quyền biển đảo, xin dành những điều này cho các ngư dân, cho những kiểm ngư viên, những chiến sĩ cảnh sát biển.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.