Tối 29/4, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022 chính thức khai mạc tại khu vực Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” (quận Hoàn Kiếm) và khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Tiếp nối Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022” với chủ đề “Get on Hanoi 2022” và hưởng ứng Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 5/2022, Lễ hội quà tặng Du lịch Hà Nội nằm trong chuỗi các sự kiện, lễ hội, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch sôi động, hấp dẫn của ngành du lịch Thủ đô năm 2022.
Lễ hội góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội, kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và khôi phục thị trường khách du lịch đến Hà Nội sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Lễ Khai mạc |
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Hà Nội là một trong hai trung tâm du lịch lớn, đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch của cả nước nói chung và của Bắc Bộ nói riêng. Thành phố Hà Nội đã xây dựng được hệ thống dịch vụ và các sản phẩm du lịch tiêu biểu để du khách lựa chọn và trải nghiệm tại các cơ sở lưu trú du lịch, các điểm đến di sản văn hóa, bảo tàng, vui chơi giải trí và đặc biệt là tại các làng nghề với nhiều hoạt động hấp dẫn.
"Nằm trong khu vực trung tâm vùng Đồng bằng Sông Hồng, thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề truyền thống, trong đó rất nhiều làng nghề có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm như: Làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Duyên Thái, rèn Đa Sỹ, đúc đồng Ngũ Xã, mây tre đan Phú Vinh, làng nón Chuông... đã ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, cùng với xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, chủ trương đẩy mạnh phát triển các sản phẩm quà lưu niệm du lịch mang tính đặc trưng của Thủ đô cũng là yêu cầu cấp thiết với ngành du lịch", ông Quyền cho biết.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và các đại biểu thăm quan gian hàng. |
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022 diễn ra trong 03 ngày (từ ngày 29/4 - 01/5/2022) với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Trưng bày 100 gian hàng quà tặng của nghệ nhân các làng nghề, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm quà tặng lưu niệm, các doanh nghiệp du lịch; Biểu diễn đường phố; Không gian trải nghiệm văn hóa làng nghề; Không gian “Chợ xưa phố cũ”; Khu trưng bày triển lãm ảnh đẹp du lịch Hà Nội...
Du khách có thể tham gia vẽ trực tiếp tại chỗ bức tường Graffiti chủ đề Hà Nội; Xích lô tour xung quanh khu vực Bờ Hồ; Tham dự talkshow với các nghệ nhân ca trù, rối nước, quạt giấy; Tọa đàm và chia sẻ về văn hóa thưởng thức hương vị trà Việt; Trình diễn của các ban nhạc Acoustic, nhạc Rock và nhạc truyền thống; giải nhảy Hiphop kết hợp DJ và trống của các nhóm nhảy đến từ các khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố.
Nhiều chương trình hấp dẫn
Chào mừng đại lễ 30/4 - 1/5 và phục vụ SEA Games 31, Sở Du lịch Hà Nội cũng phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitouris khai trương tour xe đạp “Dấu chân làng cổ Bát Tràng
Theo đó, du khách tham gia tour sẽ trải qua lộ trình 15km đi qua Hàng Ngang - Hàng Đào - chợ Đồng Xuân - cầu Long Biên - đê Long Biên - Bát Tràng với nhiều hoạt động hấp dẫn, mới lạ.
Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tour xe đạp đến làng cổ Bát Tràng |
Ngoài ra, Sở Du lịch còn phối hợp với Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động tặng quà cho du khách về thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện từ 30/4 đến 1/5 tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo đó, trong 2 ngày 30/4 và 1/5, Ban tổ chức sẽ tặng 30.000 suất quà cho du khách đến thăm, viếng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) và Quốc khánh 2/9, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục tặng quà cho du khách đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự kiến tặng khoảng 30.000 suất quà.
Khai trương 2 phố đi bộ
Từ ngày 30/4, hoạt động của tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đưa vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm nhằm tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân địa phương và du khách vào mỗi dịp cuối tuần.
Bên cạnh đó, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ cũng được mở trở lại từ 6/5. Duy trì từ 8 giờ sáng thứ Bảy đến 23 giờ Chủ Nhật hằng tuần tại khu vực sân khấu chính vườn hoa Trịnh Công Sơn và mở rộng phạm vi tổ chức các hoạt động từ phố Trịnh Công Sơn đến đường dạo Hồ Tây.