Những kỷ niệm khó quên về nhạc sĩ Văn Dung

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhạc sĩ Văn Dung không chỉ để lại những ca khúc nổi bật trong dòng nhạc cách mạng, mà còn là một tấm gương tự học cùng lối sống hòa đồng. Các đồng nghiệp nhắc tới người bạn, người anh và người thầy Văn Dung với niềm kính trọng, khâm phục không kém phần trìu mến.

Dù là một tên tuổi ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm kinh điển như Những bông hoa trong vườn Bác, Đường Trường Sơn xe anh qua, Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh… nhưng Văn Dung lại là nhạc sĩ tự học, cũng từ vốn tiếng Pháp ông có được khi học tiểu học. BTV Tiến Mạnh, người có thời gian công tác cùng ông tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay khi tuổi đã lớn, Văn Dung vẫn tiếp tục tự học tiếng Anh.

BTV Tiến Mạnh nhớ về nhạc sĩ Văn Dung như một đàn anh rất nhiệt tình chia sẻ và chăm lo tới thế hệ nhạc sĩ trẻ, đã hướng dẫn anh nhiều trong công việc. Thỉnh thoảng anh hay được nhạc sĩ mời đến nhà để chia sẻ những thông tin mới về âm nhạc hoặc cùng ông nghe và phân tích các tác phẩm kinh điển.

Anh Mạnh nhận xét Văn Dung “sáng tác với tâm thế nhà báo” nên ngôn ngữ cách đặt vấn đề mỗi tác phẩm thường mang tính báo chí, thời sự. Nhạc sĩ Văn Dung từng nói với Tiến Mạnh: “Mỗi người đều có cái hay cái đẹp cho mình học hỏi”. “Ông luôn có sự lạc quan, bao dung trong đánh giá về con người cho nên tạo sự gần gũi với tất cả những ai từng gặp”, anh Mạnh kể. Nhạc sĩ Lân Cường- Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết thêm: “Anh Văn Dung thẳng thắn, trung thực, tốt tính, ai cũng chơi được hết. Nhưng anh vẫn giữ quan điểm của mình”.

Những kỷ niệm khó quên về nhạc sĩ Văn Dung ảnh 1

Nhạc sĩ Văn Dung luôn đem lại tiếng cười cho mọi người- Ảnh: Tư liệu

Theo thông tin từ BTV Tiến Mạnh thì Văn Dung sinh ra trong gia đình tiểu tư sản ở phố Bích Câu, Hà Nội. Sau 1945, bố của Văn Dung từng làm Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời ở phố Hàng Bột, Hà Nội. Mấy năm sau ông mất để lại mẹ Văn Dung nuôi 7 người con. Văn Dung phải lao động từ sớm để phụ giúp gia đình. Ban ngày ông trang trí phông màn cho Đoàn Kịch nói Trung ương. Đêm lại đi làm hậu đài, kéo phông màn... Thời gian rảnh ông dạy bình dân học vụ cho đến khi tham gia lớp báo chí trung ương do Ban Tuyên giáo tổ chức năm 1960.

Tốt nghiệp năm 1961, Văn Dung về công tác tại ban Công nghiệp, Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhạc sĩ Cầm Phong phát hiện ra tiềm năng của Văn Dung và đề nghị ông làm biên tập âm nhạc. Năm 1993 ông được giao làm Chủ nhiệm chương trình Ca nhạc mới (tức giới thiệu ca khúc mới) song song với việc làm biên tập. Ông cũng tích cực tham gia công tác Đoàn của Đài và theo anh Mạnh đó là một trong những lý do khiến ông thành công với Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Tiến Mạnh nhớ người bạn đời của nhạc sĩ cũng công tác tại Đài- nghệ sĩ Tuyết Nhung cũng chính là người đầu tiên thu thanh Những bông hoa trong vườn Bác. Văn Dung có trí nhớ đặc biệt tốt, không chỉ giúp ông có sở học rộng mà ông còn nhớ kỹ những người đã gặp, những việc đã chứng kiến. Chính vì vậy ông hay được giao trọng trách… viết điếu văn cho các nhạc sĩ đồng nghiệp. Anh Mạnh nhớ một câu mà Văn Dung tâm đắc hay nói: “Không đi mà tìm hiểu hết cái hay cái đẹp của núi sông thiên hạ thì cũng không xứng đáng là bậc quân tử”.

Nhạc sĩ Lân Cường cho biết: “Khi anh Hồ Quang Bình mất, anh Văn Dung đang là Phó lên làm thay hai năm 2016-17. Sau đó do sức khỏe anh yếu nên lui về làm Chủ tịch danh dự. Khi anh ở trong BCH thì tất cả các cuộc biểu diễn của bọn mình anh đều làm tổng đạo diễn. Anh luôn đưa ra những ý tưởng rất hay, làm rất giỏi, tư duy rộng mở”. Có lần Văn Dung tâm sự: “Mình không phải Đảng viên nhưng cậu xem bài nào của mình cũng hướng về Đảng”. Điều này theo ông Cường thể hiện rõ nhất qua bài Những bông hoa trong vườn Bác. Và chính Văn Dung cũng từng nói: “Bác muốn chúng ta là những bông hoa. Đúng, chúng ta phải là những bông hoa. Cả tập thể này là một vườn hoa đẹp của tổ quốc”...

Nhạc sĩ Lân Cường thống kê Văn Dung để lại 54 ca khúc. Nhưng vợ nhạc sĩ cho biết đó là chưa kể một loạt ca khúc ông viết cho các ban ngành, tặng luôn bản thảo. Ngoài ra ông còn làm nhạc cho phim Mê Thảo thời vang bóng và nhạc cho vở rối Hai cây phong. Lễ viếng nhạc sĩ Văn Dung diễn ra từ 10-11h ngày 12/3 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354 số 120 Đốc Ngữ, Hà Nội.

"Bố Dung"

Tôi gọi “bố Dung”- đó là một ngoại lệ bởi tôi không mấy khi gọi người cao tuổi là bố! Với tôi, ông thật gần, nhưng cũng thật xa. Gần là bởi tại những lời nói, những chỉ bảo của ông dành cho tôi trong nghề nghiệp như một người cha đối với con gái (vì ngay từ khi tôi về VOV ông luôn gọi là con chứ không gọi cháu bao giờ). Còn xa là bởi tại thế hệ hậu sinh chúng tôi sẽ còn học, học nữa, học mãi cũng khó lòng theo kịp ông.

Những kỷ niệm khó quên về nhạc sĩ Văn Dung ảnh 2

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Khi tôi thi tuyển vào Đài Tiếng nói Việt Nam làm biên tập âm nhạc, nhạc sĩ Văn Dung ngồi trong Hội đồng Giám khảo chuyên môn. Sau này, khi ông về Hội Âm nhạc Hà Nội công tác, nhạc sĩ Hồ Quang Bình khi đó làm Chủ tịch đã giao cho nhạc sĩ Văn Dung chọn người để xây dựng cơ sở dữ liệu cho website. Nhạc sĩ Hồ Quang Bình và nhạc sĩ Văn Dung (Phó Chủ tịch) đã thống nhất giao cho tôi thực hiện phần chân dung tác giả tác phẩm. Và nhạc sĩ Văn Dung sẽ hiệu đính trước khi được xuất bản vào kho dữ liệu trên web. Đó là khoảng thời gian tôi và ông làm việc thường xuyên hàng tuần để hoàn thiện dự án. Tôi đã học được ở ông rất nhiều từ cách viết, cách lập luận. Ông luôn tâm niệm, người làm báo phải trung thực với ngòi bút của mình. Viết hoa mỹ quá về người này, sẽ vô tình làm hại người khác và cũng đừng để người được phỏng vấn, được viết khi đọc lại thấy ngượng vì những điều nhà báo viết không đúng với họ".

Vốn là người sống nội tâm, nhưng bố Dung cũng rất cởi mở. Khi nào cần nghiêm khắc, nghiêm túc, ông khá kiệm lời, nhưng trong các cuộc vui thì ông cũng là người khá tếu táo và luôn mang lại tiếng cười cho mọi người. Trong giới nhạc sĩ, hẳn ai cũng từng nghe câu chuyện về ông và về giai thoại Bài ca đường 9 như khúc khải hoàn về đường mòn Hồ Chí Minh: “Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn/ Em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn/ Nghe sấm dội, cả non ngàn/ Nghe bão nổi cả đôi miền…”đã được ông hóm hỉnh hát thành: “Ông Văn Dung ơi! Ông đang ở đâu?/ Ông đi theo ai ông đang tận đâu?/ Nghe tiếng vợ - gầm trên đầu/ Nghe chó sủa, càng thêm sầu!". Ông vui tính vậy đó...

Một điều cũng khá thú vị là, với những phóng viên khi mới nhập môn, được tiếp xúc với ông, thế nào cũng được ông hỏi: "Bạn hiểu thế nào về văn hoá?". Và sau câu trả lời từ những hiểu biết của mình về văn hoá, bạn đã có cơ hội được tiệm cận một cách sâu rộng về khái niệm văn hoá ở những tầng nấc khác nhau trong kho kiến thức uyên thâm của nhạc sĩ tài hoa Văn Dung. Tất cả được ông trải nghiệm, tích lũy, đúc rút kinh nghiệm trong nhiều năm lăn lộn với cả nghề báo và âm nhạc. Là nhạc sĩ với những bài ca đi cùng năm tháng, nhưng ông sống giản dị, bình lặng và thiết tha với cuộc sống như chính những giai điệu chứa chan tình cảm của ông gửi lại cho hậu thế.

Cầu mong ông an yên ở Cõi Về!

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến

MỚI - NÓNG