Liên Xô bắt đầu phát triển súng bắn dưới nước từ 50 năm trước nhằm trang bị cho lực lượng đặc công người nhái và thợ lặn chiến đấu. Tuy nhiên, các vũ khí này còn nhiều hạn chế và chưa cho thấy tính khả dụng trong thực chiến.
Cuối thập niên 1960, Viện nghiên cứu Cơ khí Chính xác Khoa học Trung ương Liên Xô bắt đầu nghiên cứu chế tạo súng ngắn dùng dưới nước. Thách thức lớn nhất đặt ra là nước có lực cản gấp 800 lần so với không khí. Dù thế giới đã cho ra đời nhiều loại súng khai hỏa được dưới nước nhưng mức độ sát thương mà chúng tạo ra lại là chuyện khác.
"Đạn thông thường sử dụng dưới nước tỏ ra kém hiệu quả bởi nó không chính xác và bị hạn chế bởi tầm bắn ngắn, đồng thời mức sát thương giảm nhanh chóng", chuyên gia Robert Segel giải thích trên Small Arms Defense Journal. Về cơ bản, đạn truyền thống sẽ mất tốc độ và bị chìm hoặc rơi gần như ngay lập tức khi khai hỏa dưới nước.
Trong một thí nghiệm, nhà vật lý người Na Uy Andreas Wahl đặt một khẩu súng trường tấn công dưới nước trong bể bơi và buộc dây vào cò để khai hỏa. Ông đứng trước mũi súng vài mét rồi kéo dây bóp cò. Khẩu súng bắn được nhưng viên đạn rơi xuống đáy bể cách xa vị trí đứng của Wahl.
Súng ngắn SPP-1
Tất cả những rào cản trên không thể khiến Liên Xô nản chí. Dưới sự chỉ đạo của kỹ sư Vladimir Simonov, Viện nghiên cứu Cơ khí Chính xác Khoa học Trung ương đã tìm ra nhiều phương pháp giúp duy trì vận tốc đạn dưới nước. Liên Xô cuối cùng cũng thành công trong việc chế tạo một khẩu súng mà họ tin sẽ giải quyết được vấn đề. Khẩu súng này mang tên SPP-1.
SPP-1 trông gần giống súng ngắn thông thường. Nó có 4 nòng chụm lại trong một cụm hình vuông trước khóa cò và có thể tháo lắp. Điểm khác biệt lớn nhất giữa SPP-1 và các súng ngắn khác nằm ở cách nó khai hỏa. SPP-1 sử dụng đạn phi tiêu bằng thép, đầu dẹt, dài 115 mm, trọng lượng khoảng 13 g mỗi viên, theo Segel.
Khi đạn phi tiêu bay khỏi nòng súng, chúng sẽ giữ được đường bay ổn định nhờ cơ chế tạo bọt. Những bong bóng li ti xung quanh mũi phi tiêu đầu dẹt sẽ giúp đạn lướt đi dưới nước. Cơ chế tạo bọt giúp giảm lực cản phi tiêu, tăng độ chính xác và mức sát thương.
Hải quân Liên Xô năm 1971 biên chế SPP-1 cho lực lượng người nhái và thợ lặn chiến đấu. SPP-1 sau đó được bổ sung một vài cải tiến để nâng cấp thành súng SPP-1M. Đặc nhiệm hải quân Nga vẫn sử dụng SPP-1M ít nhất cho đến năm 2011.
Dù nhiều biến thể của súng SPP-1 đã xuất hiện song hiệu quả của chúng vẫn rất hạn chế. Tầm bắn tối ưu của SPP-1M chỉ đạt khoảng 17 m ở độ sâu 5 m và giảm nhanh khi độ sâu tăng lên. Súng SPP-1M có thể bắn trên mặt nước nhưng do nó dùng đạn phi tiêu trong nòng trơn nên độ chính xác giảm đáng kể.
Không để Liên Xô qua mặt, những năm đầu thập niên 1970, Mỹ cũng nhanh chóng bắt tay nghiên cứu súng ngắn dưới nước dành cho đặc nhiệm SEAL của hải quân. Khẩu Mk 1 ra đời và cũng sử dụng đạn phi tiêu.
Chuyên gia Joseph Trevithick từ trang tin quân sự War Is Boring cho biết Mk 1 sở hữu hộp tiếp đạn hình trụ chứa 6 viên và có thể tháo rời. Mk 1 có tầm bắn tối ưu khoảng 9 m ở độ sâu 18 m. Súng này cũng có khả năng bắn trên bộ nhưng tầm bắn và độ chính xác không cao, tương tự khẩu SPP-1.
Súng trường APS
Sau đó, Liên Xô khởi động nghiên cứu một khẩu súng trường tấn công dưới nước. Siminov một lần nữa phụ trách nhóm thiết kế và cuối cùng cho ra đời súng trường tấn công nhanh dưới nước APS.
Súng trường tấn công nhanh dưới nước APS. Ảnh: Wikimedia
APS có thiết kế đơn giản với chỉ 42 bộ phận cấu thành, hình dáng tương tự AK-47. Súng này bắn 5 đạn phi tiêu 66 x 120 mm từ hộp tiếp đạn 26 viên, theo chuyên gia vũ khí Chris Eger từ trang Guns.com.
Súng APS có tốc độ bắn 600 viên một phút, kể cả dưới nước hay trên cạn. Nhưng giống như khẩu SPP và Mk 1, súng APS có nòng trơn. Nó phát huy hiệu quả khi chiến đấu dưới nước nhưng gần như vô hại trên bờ.
Súng trường tấn công nhanh lưỡng dụng ADS
Súng trường tấn công nhanh lưỡng dụng dưới nước ADS. Ảnh: Wikimedia
Sự quan tâm của Nga dành cho các loại súng dưới nước gần đây tiếp tục được hâm nóng dù những vũ khí này còn nhiều hạn chế trong thực chiến.
Công ty sản xuất vũ khí KPB của Nga năm 2013 tuyên bố chế tạo thành công súng trường tấn công nhanh lưỡng dụng ADS, đạt hiệu quả tác chiến cả dưới nước lẫn trên bờ. Khi thay đổi môi trường chiến đấu, người dùng chỉ cần chuyển hộp tiếp đạn từ loại chứa đạn truyền thống sang hộp chứa đạn thiết kế đặc biệt.
"Kỹ sư của chúng tôi đã nghiên cứu ra một phương thức hoàn toàn mới để duy trì độ ổn định cho đạn khi sử dụng dưới nước. Lúc khai hỏa, một bong bóng khí sẽ bao bọc quanh viên đạn", Christian Science Monitor năm 2013 dẫn lời Maxim Velmezev, đại diện KPB, nói.
Cơ chế tạo bong bóng bao quanh đạn ADS dường như dựa trên một công nghệ tương tự của ngư lôi Shkval do Liên Xô thiết kế. Cơ chế này giúp tạo một bóng khí bao quanh đạn khi bay dưới nước, nhờ vậy ngư lôi có thể đi với vận tốc lên đến 370 km/h.
Tầm bắn tối ưu của súng ADS dưới nước đạt khoảng 25 m ở độ sâu 30 m và 18 m ở độ sâu 20 m. ADS nặng 4,6 kg và có thêm chức năng phóng lựu 40 mm, bắn 5 viên đạn 45 x 39 mm và có thể khai hỏa tới 800 viên một phút ở tầm bắn 500 m trên bờ.
Các nhà phát triển tin rằng tính hiệu quả và độ chính xác của súng trường ADS không hề thua kém, nếu không muốn nói là cao hơn, khẩu súng AK-47 huyền thoại, theo RT.