Những hướng dẫn viên đeo khăn quàng đỏ

Những hướng dẫn viên đeo khăn quàng đỏ
TP - Không chỉ nhận bảo vệ các di tích lịch sử, di sản văn hóa thế giới trên địa bàn, hầu hết các em học sinh tiểu học, THCS huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) còn có thể thuyết trình về di sản Mỹ Sơn thậm chí nhiều em còn nói vanh vách bằng tiếng Anh.

Những ngày kỷ niệm 10 năm Mỹ Sơn đón nhận bằng Di sản văn hóa thế giới, du khách trong và ngoài nước đổ về tham quan. Lẫn trong dòng người, em Phùng Thị Trinh, học sinh lớp 9, trường THCS Ngô Quyền (Duy Hải, Duy Xuyên) dõng dạc: “Cháu rất vui khi được giúp cô chú đến tham quan Mỹ Sơn trong những ngày nghỉ này. Cháu sẽ giới thiệu từng điểm di tích, các giá trị, nét độc đáo của di sản văn hóa Mỹ Sơn...” - giọng cô bé trong trẻo. Không chỉ hướng dẫn bằng tiếng Việt, Trinh còn giới thiệu cho các đoàn khách nước ngoài bằng tiếng Anh một cách trôi chảy.

Đây là lần thứ hai, Phùng Thị Trinh được cử đến tham gia hướng dẫn về miền di sản ngay tại khu di sản Mỹ Sơn. Cùng đi với em có hàng chục học sinh khác trên địa bàn tham gia hoạt động ngoại khóa, như em Đặng Quốc Vũ (lớp 9, THCS Phù Đồng), Phạm Thị Phước (lớp 8, THCS Lương Thế Vinh)...

“Nhìn các em hướng dẫn chẳng khác những hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Điều độc đáo là cách giới thiệu của các em hồn nhiên, nhí nhảnh lại rất dễ giúp chúng tôi hình dung về những giá trị của Mỹ Sơn”- anh Nguyễn Trung Hiếu, một du khách Hà Nội nhận định.

Em Phùng Thị Trinh bộc bạch: Ban đầu khi đứng trước đoàn khách đông người, nhất là các đoàn quốc tế bọn em cũng hơi run vì sợ kiến thức, vốn tiếng Anh của mình ít. Nhưng sau một hai lần cũng quen dần và tự mình học hỏi, bồi dưỡng thêm.

Theo ban giám hiệu trường THCS Ngô Quyền, có khoảng vài chục em có thể thuyết trình bằng tiếng Anh về di sản Mỹ Sơn còn lại hầu hết đều có thể tự giới thiệu về di sản bằng tiếng Việt.

Đưa di sản vào học đường

Ông Võ Thiện Tịnh - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Duy Xuyên cho biết: Sau Hội nghị của UNESCO tổ chức tại Quảng Nam về di sản, ngành giáo dục huyện nảy ra ý tưởng giáo dục di sản trong học đường và bắt đầu triển khai ngay từ năm học 2004 - 2005.

Theo đó, phòng phối hợp với BQL Khu di tích Mỹ Sơn biên soạn bộ tài liệu Thiết kế dạy và học, hoạt động tập thể trong chương trình giáo dục về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Giáo dục ý thức giữ gìn bảo vệ, chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa của đất nước cung cấp cho giáo viên.

Nội dung chính là giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của khu đền tháp, quá trình tôn tạo Mỹ Sơn và các di tích lịch sử, văn hóa liên quan trên địa bàn Quảng Nam và cả nước. Ngoài ra tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thi thuyết trình di sản bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh...

Thầy Võ Quang Lực, Hiệu trưởng trường THCS Trần Cao Vân cho biết: Chúng tôi tổ chức một tiết học riêng về di sản Mỹ Sơn sau đó lồng ghép các nội dung giáo dục di sản vào các chương trình, môn học phù hợp như địa lý, lịch sử, giáo dục công dân để triển khai liên tục cho các em qua các năm học.  

Sau 5 năm triển khai hoạt động dạy và học về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, 21 trường tiểu học và 15 trường THCS ở Duy Xuyên đã thực hiện gần 5.000 tiết dạy chuyên sâu, 8.000 tiết dạy lồng ghép và gần 1.000 lần tổ chức hoạt động ngoại khóa.

Trong khoảng 20.000 học sinh hai cấp tiểu học, THCS trên địa bàn phần lớn đều có thể thuyết trình về di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, đặc biệt nhiều em có khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh một cách trôi chảy.

MỚI - NÓNG