Những đường hầm bí ẩn ở Đà Lạt

Biệt điện số 1
Biệt điện số 1
TP - Đà Lạt từng được Pháp đầu tư xây dựng như thủ đô mùa hè của người Âu ở Đông Dương, sau đó trở thành thủ phủ Hoàng triều cương thổ của vua Bảo Đại, nơi ăn chơi hưởng lạc của vua chúa, quan chức tướng lĩnh cao cấp thời Pháp, Mỹ.

Bởi thế, nơi đây đã trở thành "bảo tàng" lâu đài, dinh thự, báu vật với bao điều bí ẩn - mà những đường hầm ít người biết đến đang là "mỏ vàng" để khai thác du lịch hôm nay.

Biệt điện số 1
Biệt điện số 1.


Thủ đô mùa hè của người Âu ở Đông Dương

Đã từng tham quan tìm hiểu về những trạm nghỉ dưỡng của thực dân Hà Lan ở Indonesia và của người Anh ở Ấn Độ nên vào năm 1897, khi nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer nghĩ ngay đến việc tìm kiếm những nơi nghỉ ngơi tương tự cho người da trắng. Bác sĩ Alexandre Yersin đã đề nghị P. Doumer chọn Lang Biang - nơi mà ông đã tiến hành cuộc thám hiểm gian truân để khám phá từ 4 năm trước (1893). Hai năm sau, Toàn quyền Doumer đã đích thân thị sát và đồng ý thành lập trạm điều dưỡng tại Lang Biang - tiền thân của Đà Lạt sau này, miền đất quanh năm mát mẻ, trong lành giữa lòng một nước nhiệt đới.

Theo nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh, năm 1914, Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ gây khó khăn cho người Âu trở về quê hương nghỉ phép nên rất nhiều người Âu đã đổ xô lên Đà Lạt - vùng khí hậu trong lành gợi nhớ đến hình ảnh của cố hương: Những đỉnh núi tròn của dãy Vosges, những đỉnh núi cao của dãy Pyrénées, thác nước và rừng thông ở vùng Alpes và miền Trung nước Pháp...

Từ 1916 - 1926, Đà Lạt trở thành đơn vị trực thuộc Toàn quyền Đông Dương, do một đốc lý người Pháp cai trị nên việc mua bán, sang nhượng đất diễn ra sôi động trong giới quan chức và kinh doanh người Pháp. Năm 1923, đồ án thiết kế thị xã Đà Lạt đã được KTS Hébrard hoàn thành với ý đồ biến Đà Lạt thành thủ phủ Đông Dương.

Năm 1939, xảy ra Chiến tranh Thế giới lần thứ hai khiến nhiều người Pháp lại bị kẹt ở Đông Dương, số người lên nghỉ mát ở Đà Lạt càng tăng vọt, các phòng trong khách sạn được đặt thuê từ nhiều tháng trước. Năm 1941, Toàn quyền Decoux chủ trương chọn Đà Lạt làm thủ đô mùa hè của Đông Dương và giao cho Nha Quy hoạch đô thị và Kiến trúc Đông Dương nghiên cứu lập đồ án.

Đường hầm bí mật ở Sofitel Dalat Palace đã được phục hồi
Đường hầm bí mật ở Sofitel Dalat Palace đã được phục hồi.

Trước đó, Toàn quyền đã cho xây dựng một dinh thự tráng lệ (Biệt điện số 2) và được bài trí cực kỳ sang trọng trên đồi thông tuyệt đẹp độ cao hơn 1.500m, rộng khoảng 26 ha nhìn xuống hồ Xuân Hương thơ mộng. Sân vườn trong dinh có tượng thần vệ nữ sơn nhũ vàng.

Mỗi năm, vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10), Toàn quyền Decoux sống và làm việc tại biệt điện này và đã cho xây tầng hầm kiên cố được đúc bằng bê tông dưới khu bếp để tránh máy bay oanh tạc. Tầng hầm có cửa thông ra đường hầm bí mật dài hơn 500m với nhiều ngóc ngách dưới đồi thông để dễ dàng thoát ra ngoài khi xảy ra sự cố. Khi Ngô Đình Diệm cầm quyền ở miền Nam, nơi đây trở thành dinh thự riêng của vợ chồng ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Đến năm 1964, khi lên nắm quyền Thủ tướng, Nguyễn Khánh đã chọn Biệt điện số 2 làm tổng hành dinh trong mùa nghỉ mát và cho gia cố lại đường hầm để đề phòng bất trắc.

Biệt thự của Thứ phi Phi Ánh - nay là Nhà hàng Phù Đổng
Biệt thự của Thứ phi Phi Ánh - nay là Nhà hàng Phù Đổng.


Hệ thống đường hầm bí mật ăn thông giữa nhiều dinh thự

"Khi sửa sang Biệt điện số 1, chúng tôi đã phát hiện ra đường hầm bí mật nhưng Đức Kim Thượng (vua Bảo Đại - PV) căn dặn phải giữ kín chuyện này, không ai được hé răng" - bác Nguyễn Đức Hòa, hầu cận thân tín của cựu hoàng Bảo Đại kể và cho biết ngay sau đó, ngài cho đặt một chiếc ô tô gần khu vực có cửa hầm; đồng thời xây dựng bãi đáp máy bay trự ở phía sau dinh để nhanh chóng thoát thân khi xảy ra biến cố.

Một nhánh của hệ thống đường hầm này từ Dinh I xuyên qua nhiều quả đồi để ăn thông đến tận Biệt điện số 2 và có các nhánh rẽ vào một số biệt thự trên đường Paul Doumer (nay là Trần Hưng Đạo) với tổng chiều dài lên tới 3km. Độ cao trung bình của đường hầm trên toàn tuyến khoảng gần 2m, rộng hơn 1m; tuy nhiên cũng có một số đoạn tương đối thấp nên phải đi lom khom; những nơi có ngã ba thường được mở rộng hơn, đủ chỗ cho 5 - 6 người trú ẩn; cửa hầm rộng 3m, cao 1,8m, cách mặt đất 2m được ngụy trang trong một căn nhà nhỏ.

Quân Nhật đã bí mật đào đường hầm với ý đồ bắt sống quan Tây ở các dinh thự trong cuộc đảo chính Pháp năm 1945; tuy nhiên, làm thế nào "hô biến" khối lượng đất đá rất lớn để che mắt quân Pháp trong suốt quá trình đào đường hầm hiện vẫn còn là điều bí ẩn. Bác Hòa cho biết vài năm sau đó đã từng cùng mấy người bạn lén đi sâu vào bên trong đường hầm; qua ánh đèn pin đã nhìn thấy rễ cây đâm tua tủa và dơi làm tổ dày đặc. Có lẽ quân Nhật không chặt rễ vì sợ cây sẽ chết hàng loạt khiến quân Pháp nghi ngờ.

Năm 1955, sau khi phế truất Bảo Đại và lên làm tổng thống, Ngô Đình Diệm chọn Biệt điện số 1 làm nơi nghỉ dưỡng. Ông ta đã cho đổ bê tông gia cố đường hầm đồng thời là lối thoát hiểm đã có từ trước. Đường hầm cách mặt đất hơn 10m; thông từ phòng ngủ của tổng thống ra bãi đáp của máy bay trực thăng. Sau lần thoát chết trong gang tấc khi Dinh Độc Lập bị ném bom, ông Diệm càng quan tâm tu bổ đường hầm. Cửa hầm được ngụy trang bằng một giá sách ở đầu giường của tổng thống; chỉ cần dịch chuyển nhẹ giá sách là có thể lách người qua cửa sắt để xuống đường hầm. Trong hầm bí mật có phòng riêng của tổng thống, phòng bảo vệ và phòng điện đài cơ yếu.

Cũng theo lời kể của bác Hòa, gần 20 người được đưa từ Huế vào để cải tạo, xây dựng đường hầm bí mật này suốt 2 năm ròng, sau đó họ bị đưa đi đâu không rõ. Và lần nào cũng vậy, vừa đặt chân tới biệt điện là tổng thống lập tức đi kiểm tra và căn dặn tui phải luôn ghi nhớ "không biết, không nghe, không thấy" đường hầm. Bởi thế khi quản gia của ông Diệm báo tổng thống sắp lên Đà Lạt là tui phải dọn dẹp địa đạo suốt mấy ngày liền để đảm bảo tất cả đều an toàn, trật tự, sạch sẽ.

Tại các biệt thự của Đại phú hào Nguyễn Hữu Hào, cha đẻ của hoàng hậu Nam Phương (nay là Bảo tàng Lâm Đồng), nhà Ngự Lâm Quân của vua Bảo Đại (hiện là trụ sở UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng)… cũng có đường hầm bí mật. Biệt thự Lam Ngọc trong khu biệt điện Trần Lệ Xuân có cả hầm trú ẩn và đường hầm thoát hiểm ra vườn hoa Nhật Bản và lối thoát bí mật ra khỏi biệt điện. Ngay đến khách sạn Lang Biang Palace (nay là Sofitel Dalat Palace) cũng có đường hầm hình chữ y khá qui mô (dài khoảng 40m, rộng 2m, nền đá, tường đúc xi măng) nối từ đại sảnh và nhà bếp ra cổng phụ bên sườn đồi.

Đây là khách sạn lớn, sang trọng và an toàn nhất Đà Lạt thời bấy giờ nên đã được chọn để tổ chức những sự kiện lịch sử lớn như hội nghị trù bị cho Hội nghị Fontainebleau giữa Pháp và Việt Minh năm 1946.

"Vì được xây dựng trong thời chiến (năm 1922 - PV) nên người Pháp thiết kế đường hầm để khách có thể thoát thân khi xảy ra bất trắc" - Tổng giám đốc Phạm Thành Trung nói khi hướng dẫn chúng tôi tham quan toàn tuyến đường hầm năm xưa; nay đã được sửa chữa, nâng cấp để khai thác du lịch: Trong tầng hầm có kho chứa rượu và quầy bar được mở cửa từ 16 giờ chiều đến 22 giờ đêm để phục vụ du khách. Ông Trung còn cho hay, đang xin phép các cơ quan chức năng để thông đường hầm từ khách sạn này với Hotel du Parc tạo nên sự liên hoàn độc đáo giữa hai khách sạn lâu đời bậc nhất Đà Lạt.

Nhiều nhà nghiên cứu có chung nhận định sở dĩ xuất hiện hệ thống đường hầm bí mật qui mô tại các dinh thự bởi Đà Lạt từng giữ vai trò quan trọng về chính trị, quân sự, KT-XH. Và trong tình hình chiến tranh hỗn loạn, các đế quốc, thực dân (Pháp, Nhật, Mỹ) không ngừng xâu xé, thao túng nền chính trị thuộc địa; chuyện thay thầy đổi chủ, bạo loạn, đảo chính xảy ra liên miên nên vua chúa, tổng thống cùng các quan chức cao cấp luôn trong tâm trạng bất an, thủ thế, đề phòng.

Đáng tiếc, sau hàng chục năm bị bỏ hoang, hệ thống đường hầm bí mật ở Đà Lạt đã xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ biến mất do tình trạng đất sụt, cỏ cây che phủ. Nhiều chuyên gia ngành du lịch cho rằng nếu đầu tư duy tu, phục hồi hệ thống đường hầm bí mật thì các tour tham quan, nghỉ dưỡng ở các dinh thự Đà Lạt sẽ thu hút rất đông du khách bởi sự lạ lùng, độc đáo cũng như những dấu ấn gắn liền với thời kỳ lịch sử đầy biến động của đất nước.

Phiên bản cổ vật triều Nguyễn tại Biệt điện Bảo Đại
Phiên bản cổ vật triều Nguyễn tại Biệt điện Bảo Đại.


Kho báu của triều Nguyễn tại Đà Lạt

Cùng với việc khôi phục đường hầm, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan có thẩm quyền nên nhanh chóng tiến hành thẩm định, đánh giá giá trị của hơn 120 báu vật triều Nguyễn từng được cất giấu hàng chục năm ở Biệt điện Quốc trưởng để đưa ra trưng bày nhằm tăng thêm sức hấp dẫn của dinh thự này. Bác Hòa cho biết năm 1949, Hoàng thái hậu Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại đã chuyển các hòm bảo vật từ Huế vào Đà Lạt bằng máy bay riêng của nhà vua và cất giấu trong kho của biệt điện.

Số vàng ngọc, châu báu này do nhiều đời nhà Nguyễn để lại, gồm những vật gia bảo trang trí cung đình, dinh thự như tượng Phật, kỳ lân, sư tử, voi, nai, lư hương bằng ngọc, bình phong chữ vàng đế ngọc… được chế tác từ các kim loại và phi kim loại quý như vàng, bạc, ngọc, pha lê…

Ấn tượng hơn cả là chiếc thau rửa mặt bằng ngọc, thành bịt vàng gắn 119 hạt ngọc nhiều màu tuyệt đẹp mà theo hồi tưởng của bác Hòa, trước khi cất vào két sắt, bà Từ Cung nghẹn ngào nói: "Kỷ vật của Tiên đế (vua Khải Định - PV) đó! Người quý thứ này lắm nhưng tiếc là đã bị mất 2 hạt ngọc!". Kế đến là bức trấn phong bằng bạc có gắn 6 chữ vàng Tứ tuần Đại khánh Bảo Đại.

Bức Trấn phong của triều Nguyễn tại Biệt điện Bảo Đại
Bức Trấn phong của triều Nguyễn tại Biệt điện Bảo Đại.

Phong phú hơn cả là các tượng Đức Phật (13 tượng) với đủ kích cỡ, màu sắc và kiểu dáng khác nhau: Có những tượng mang hình bà Phật nâng lộc bình hoặc tọa đài sen; lại không ít những bức Phật ông cỡi kỳ lân, đọc sách, đội mũ… Ngoài ra còn phải kể đến những vật dụng sinh hoạt gia đình sang trọng của vua chúa như chậu bạc, bình rượu ngọc, chén ngọc bịt vàng, thau có vành bằng vàng, muỗng đồi mồi có ngà…

Không ít bảo vật, đặc biệt là các tượng Phật từng được các chuyên gia đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không chỉ tinh tế về mỹ thuật mà còn ẩn chứa sức mạnh tâm linh, trí tuệ của người Việt Nam. Những bảo vật đó chỉ có thể được chế tác bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân "cao thủ" trong nghề chuốt ngọc, chạm vàng, đúc đồng. Niên đại của những vật gia bảo này còn chờ sự thẩm định của các chuyên gia nhưng cũng không loại trừ khả năng một số món là đồ cổ.

Sau khi Bảo Đại bị truất phế và phải chạy sang Pháp sống lưu vong lần nữa, Dinh Quốc trưởng trở thành nơi nghỉ dưỡng, tiếp khách của chính phủ Ngô Đình Diệm rồi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. "Làm sao bác có thể che giấu các két sắt đựng bảo vật suốt 20 năm dưới chế độ Mỹ - ngụy cho đến khi Đà Lạt được giải phóng mới báo cáo cho các đơn vị quản lý dinh là Văn phòng Trung ương (T78) và Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng?" - tôi hỏi. "Tui đã biến nhà kho thành phòng ở của mình và dùng những vật dụng sinh hoạt cá nhân để ngụy trang, che đậy các két sắt khỏi sự dòm ngó của những người xung quanh" - viên cận thần trung thành của vua Bảo Đại năm xưa thổ lộ.

Hàng ngàn dinh thự, chùa chiền, nhà thờ, trường học, công sở… bề thế, tráng lệ do chính các KTS Pháp thiết kế mang đậm nét kiến trúc tân cổ điển của châu Âu ngự trị trên đỉnh đồi cao, nơi có điểm nhìn đẹp nhất hướng đến các rừng thông xanh ngắt và hài hòa với cảnh quan xung quanh càng tôn thêm vẻ đẹp của thiên nhiên, đưa Đà Lạt trở thành thành phố tuyệt đẹp của vùng Viễn Đông. Bởi thế nhiều KTS tên tuổi của Việt Nam đã hỗ trợ địa phương lập đề án bảo tồn và đề nghị công nhận Đà Lạt là đô thị di sản kiến trúc.

Thủ phủ Hoàng Triều cương thổ

Năm 1949, Pháp "rước" Bảo Đại từ Hương Cảng về, giao cho chức Quốc trưởng Việt Nam. Gần một năm sau, Bảo Đại ký Dụ số 6/QT/TG đặt các tỉnh Tây Nguyên thuộc Hoàng Triều Cương Thổ (HTCT) và lấy Đà Lạt làm thủ phủ. Dinh Quốc trưởng (Biệt điện Bảo Đại) tọa lạc trên đồi thông cao 1.530m so với mực nước biển với những cánh rừng tuyệt đẹp mang tên Bois d'amour (Rừng tình). Đây vốn là biệt điện xa hoa, lộng lẫy mà vua Bảo Đại đã cho xây dựng vào những năm 1934 - 1938 với lầu Vọng Nguyệt, vườn Thượng Uyển…

Biệt điện nằm trên đường Darles (nay là Triệu Việt Vương) thường xuyên có cả một trung đoàn Ngự lâm quân bảo vệ, đoàn xe riêng gọi là công xa biệt điện và đội máy bay riêng với các phi công đều là người Pháp. Toàn bộ tầng hai là nơi ở của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, thái tử Bảo Long, hoàng tử Bảo Thăng, các công chúa Phương Mai và Phương Liên.

Do thái tử Bảo Long là người được chọn kế nghiệp ngai vàng (từ năm 1939) nên phòng ở trang hoàng toàn màu vàng. Sau khi hoàng hậu đưa các con sang sống và học tập bên Pháp thì Bảo Đại nạp 3 thứ phi là Mộng Điệp, Phi Ánh và Jeny Woong (người Hương Cảng) và tặng mỗi bà một biệt thự kiến trúc Pháp hoặc Tây Ban Nha lộng lẫy tại Đà Lạt. Khi Cựu Hoàng sủng ái phi tần nào thì cho xe rước vào biệt điện.

Bảo Đại còn cho mua lại một dinh thự cổ kính, uy nghi mà tao nhã tọa lạc tại vùng đồi rộng tới 60ha ở đường Trần Quang Diệu của nhà triệu phú Robert Clément Bourgery để làm tổng hành dinh của chính phủ HTCT (Biệt điện số 1). Biệt điện có hồ tắm thiên nhiên, khu nhà dành cho Ngự lâm quân, vườn Ngự Uyển dẫn vào lãnh địa của chúa sơn lâm (cọp Đông Dương). Bảo Đại rất thích săn bắn và là tay súng thiện xạ khiến các quan chức Pháp nể phục. Ông từng bắn hạ 3 con hổ rồi cho thuộc da để trang trí trong phòng khách Dinh Quốc trưởng. 

MỚI - NÓNG