Những đứa trẻ chân trần, vượt núi chọc trời đi săn con chữ

Để đến trường, các em phải mất một tiếng trèo qua mấy quả đồi, vượt qua nhiều con suối. Ảnh: Minh Cương.
Để đến trường, các em phải mất một tiếng trèo qua mấy quả đồi, vượt qua nhiều con suối. Ảnh: Minh Cương.
Để đến điểm trường Sông Móoc A của xã Đồng Văn (Bình Lưu, Quảng Ninh), các em phải đi bộ ít nhất một tiếng, vượt qua những dốc núi cao dựng đứng, quanh năm phủ đầy sương. 

Đồng Văn là xã xa và nghèo nhất của huyện biên giới Bình Lưu và Sông Móoc A lại là bản nghèo khó nhất của xã. Điểm trường Sông Móoc A thuộc trường tiểu học Đồng Thắng nằm cách trụ sở UBND xã hơn 8 km, chênh vênh lưng chừng núi cao. Từ điểm này nhìn xuống dưới chỉ thấy cây cối bạt ngàn, thấp thoáng vài ngôi nhà nhỏ bị sương mù bao phủ.


Học sinh theo học tại điểm trường Sông Móoc A đều là người dân tộc Dao, nhà các em nằm ở những ngọn đồi cách xa nhau đến 5 km. Bố mẹ mải đi rẫy trồng sắn, trồng ngô, học sinh vì thế phải tự túc đến trường. Các cô cậu bé thường phải dậy rất sớm, vượt qua những con đường dốc đá cheo leo, trời mưa thì trơn trượt. Hành trang của các em không thể thiếu những đôi ủng, chiếc gậy chống cho khỏi ngã và tránh vắt bám vào chân.

Sau gần 2 tiếng leo núi, đôi chân mỏi nhừ, quần áo lấm lem đất, Dường Thị Xuân, học sinh lớp 3, đã tới được lớp. “Từ nhà em đến trường phải đi gần 2 tiếng. Tháng trước trên đường đi học gặp phải trời mưa, đường trơn nên em bị ngã trật khớp mắt cá chân, đến giờ vẫn còn đau. Từ hôm đó trở đi, cứ trời mưa là bố mẹ em không cho đi học, phải nghỉ ở nhà”, Xuân kể.

Chưa thạo tiếng Kinh, em Chìu Quang Phúc, học sinh lớp 1, bập bẹ kể nhà em cách trường 2 quả đồi, đi qua 5 con suối. Bố mẹ làm rẫy, em là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Các anh chị đã nghỉ học hết, còn mỗi Phúc được đi học. Hằng ngày, Phúc phải dậy từ 5h sáng để chuẩn bị đồ dùng rồi đến trường. Nhà xa đường đến trường khó khăn, hôm nào học cả ngày, bố mẹ Phúc chuẩn bị sẵn cháo được đựng trong chai nhựa để em ăn trưa tại lớp.

Không chỉ Phúc, hầu hết phụ huynh người dân tộc Dao trong bản đều chuẩn bị cho con những chai cháo trắng. Đến giờ nghỉ trưa, đám học trò không cần dùng bát đũa, cứ ngửa cổ tu chai cháo một cách ngon lành. Còn thầy cô thường phải nắm cơm mang theo để ăn trưa tại trường, chiều mới xuống núi về nhà.

Những đứa trẻ chân trần, vượt núi chọc trời đi săn con chữ ảnh 1

Bữa trưa của học trò là chai cháo trắng. Ảnh: Minh Cương.

Cô Nông Thị Sủi, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 cho biết, mùa đông nơi này rất lạnh, hầu hết học sinh con nhà nghèo, không đủ áo ấm đến trường. Đồ dùng học tập lại càng thiếu thốn, vì thế giáo viên thường tự bỏ tiền túi ra mua cho các em. "Đi dạy, trong cặp tôi lúc nào cũng có một túi kẹo để dỗ dành các em. Cũng nhờ vậy mà học trò ngoan, nghe lời thầy cô và ít khi bỏ học", cô nói.

Điểm trường Sông Móoc A có 4 lớp tiểu học với 39 học sinh đều là con em của đồng bào dân tộc Dao. Các em rất nhút nhát, phát âm không chuẩn, tiếp thu bài chậm, nhưng lại rất ham học. "Đó chính là động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn, đem cái chữ đến cho các em, mong sẽ góp phần đuổi cái dốt ở nơi đây”, thầy Nông Xuân Choóng (50 tuổi) giáo viên lớp 2 tâm sự.

Đã gần 30 năm bám bản gieo chữ, thầy Choóng chia sẻ, ngày mới nhận công tác, thấy đường đến trường xa xôi, đi lại vất vả, nhiều lúc thầy cũng nản lòng. Nhưng gắn bó với trường, với lớp, với các học sinh người Dao hiền lành, ngoan ngoãn, thầy lại thấy thêm yêu nghề, quyết tâm gắn bó với trường.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG