Nguồn tin của Reuteur cho hay, nhằm cứu vãn bản hợp đồng này, một phái đoàn cấp cao của Tập đoàn Dassault (Pháp) sẽ đến Ấn Độ trong tháng 2/2015 để đàm phán về số phận 126 máy bay tiêm kích Rafale đã thắng thầu bán cho Ấn Độ từ năm 2012 nhưng hợp đồng chính thức vẫn chưa được ký kết.
Không chỉ Pháp muốn cứu vãn bản hợp đồng này mà Ấn Độ cũng đã có những động thái tích cực. Hôm 13/1, một phái đoàn cấp cao của Bộ Quốc phòng Ấn Độ do ông Radha Krishna Mathur, Thư ký Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đã đến Paris gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, để bàn về thương vụ mua bán máy bay này.
Theo những thông tin được công bố, cuộc gặp trên vẫn chưa có diễn biến mới nào và vẫn chưa thể tháo gỡ những khó khăn mà hai bên đang vướng phải.
Tiêm kích Rafale |
Chương trình mua sắm 126 chiếc máy bay chiến đấu của Pháp được thực hiện năm 2012 sau khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ mở thầu mua sắm “Máy bay chiến đấu hạng trung thế hệ mới” để thay thế toàn bộ số tiêm kích MiG-21 và MiG-27 trong giai đoạn 2020-2023.
Theo điều kiện hợp đồng được Ấn Độ đưa ra, 18 chiếc đầu tiên sẽ do Pháp chế tạo, số còn lại sẽ được sản xuất theo giấy phép tại Ấn Độ. Ngoài ra, hợp đồng có thể mở rộng theo phụ lục hợp đồng mua thêm 64 chiếc.
Tuy nhiên từ năm 2012 đến nay, thương vụ này không những không có tiến triển mà trái lại nó lại có nguy cơ đổ vỡ do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân đầu tiên là do là giá của Rafale rất đắt, dù chỉ là chiến đấu cơ thế hệ thứ 4, nhưng giá của Rafale đã lên tới gần 90 triệu USD (tại thời điểm năm 2012), cao hơn Su-35 là thế hệ 4++ của Nga tới gần 30 triệu USD/chiếc dù sức mạnh chưa chắc đã bằng tiêm kích Nga.
Nguyên nhân tiếp theo khiến thương vụ này có nguy cơ đổ vỡ xuất phát từ loại tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser AASM Hammer, do công ty SAMP nghiên cứu, chế tạo và sản xuất. Đây là loại tên lửa sử dụng phương thức dẫn đường GPS/INS ở giai đoạn giữa, kết hợp với đầu dẫn tên lửa laser bán chủ động ở đoạn cuối đường bay.
Tuy đây là loại tên lửa có độ chính xác rất cao, nhưng do những sai lầm trong định hướng sử dụng từ khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tên lửa AASM chỉ có thể sử dụng trên các máy bay của Pháp và Rafale cũng chỉ sử dụng được loại tên lửa kiểu này.
Do đó, nếu Ấn Độ mua Rafale thì nước này không thể sử dụng loại tên lửa nào khác ngoài tên lửa do Pháp sản xuất. Điều này làm Rafale giảm tính cạnh tranh so với các máy bay chiến đấu Nga, Mỹ có thể sử dụng nhiều loại tên lửa thuộc các kiểu khác nhau.
Tuy nhiên nguyên nhân chính có thể giải thích cho sự 'đóng băng' của bản hợp đồng này trong suốt hơn 2 năm qua là do khúc mắc trong vấn đề chuyển giao công nghệ theo điều khoản trong hợp đồng.
Phía Ấn Độ thì cho rằng, Rafale là loại máy bay chiến đấu có nền tảng công nghệ tiên tiến cùng với hệ thống điện tử, dẫn đường, vũ khí rất hiện đại, đòi hỏi trình độ rất cao của ngành chế tạo, lắp ráp máy bay.
Bởi vậy, Chính phủ Ấn Độ và Bộ Quốc phòng nước này nhất quyết đòi đối tác Pháp phải chịu trách nhiệm kỹ thuật cho số máy bay do Công ty trách nhiệm hữu hạn hàng không Ấn Độ là HAL lắp ráp.
Trong khi đó, phía Pháp khăng khăng cho rằng, sẽ giúp HAL theo sát được lộ trình giao hàng, nhưng không cam kết bảo hành chất lượng việc sản xuất máy bay này tại một cơ sở mà họ không quản lý hoặc không có sự kiểm soát của chuyên gia Pháp.
Nguyên nhân của việc Pháp không chấp nhận chuyển giao công nghệ cho HAL do thiết bị và trình độ công nghệ của HAL quá yếu kém đã dẫn đến hàng loạt sự cố gây tai nạn máy bay Ấn Độ thời gian gần đây.
Theo Defencenews, đây có thể mới là nguyên nhân chính khiến thương vụ mua sắm 126 máy bay chiến đấu Rafale giữa Pháp và Ấn Độ đã hơn hai năm đàm phán mà vẫn chưa ký kết được hợp đồng chính thức.
Và trong trường hợp thương vụ Rafale giữa Pháp và Ấn Độ đổ vỡ sẽ tạo cơ hội rất lớn cho tiêm kíhh Su-30MKI của Nga tiếp tục xâm nhập thị trường nước này, Defencenews kết luận.
Post by Báo Tiền Phong.