Những dấu ấn của “thành phố than“

Thành phố Cẩm Phả tựa lưng vào các mỏ than, nhìn ra vịnh Bái Tử Long (ảnh: quangninh.gov.vn)
Thành phố Cẩm Phả tựa lưng vào các mỏ than, nhìn ra vịnh Bái Tử Long (ảnh: quangninh.gov.vn)
Vùng đất nào cũng mang trong mình những đặc trưng riêng. Là đô thị nơi mà nhịp sống công nghiệp bao trùm lên tất cả, thì chính dấu ấn của than, của những người công nhân mỏ đã tạo nên một Cẩm Phả ngày hôm nay, thành phố tươi đẹp để người vùng than luôn yêu và gắn bó.

Vùng đất nào cũng mang trong mình những đặc trưng riêng. Là đô thị nơi mà nhịp sống công nghiệp bao trùm lên tất cả, thì chính dấu ấn của than, của những người công nhân mỏ đã tạo nên một Cẩm Phả ngày hôm nay, thành phố tươi đẹp để người vùng than luôn yêu và gắn bó.

Với những người sinh ra và lớn lên thời kỳ trước giải phóng, “vùng mỏ” là hình ảnh của những ngày đấu tranh và trường kỳ kháng chiến, của tiếng nói đau thương mà hào hùng, bất khuất. Với thế hệ sau, đó là những năm tháng lao động không biết mỏi mệt, phấn đấu xây dựng quê hương. Tiếng gọi “Vùng mỏ” khi ấy là đại diện cho ý chí thép, của những người công nhân được tôi rèn trong lửa.

Là “Vùng mỏ” nên nơi nào cũng thấy than. Nhìn lên núi thấy những tầng cao của mỏ Cọc Sáu, Đèo Nai, ... nhìn ra biển thấy những cảng than vươn dài. Ra khơi vịnh Bái Tử Long, những đảo nhỏ tựa như những con rồng cũng hướng vào vùng than.

Cẩm Phả không phải là nơi duy nhất ở Quảng Ninh có than, nhưng nếp sống công nghiệp dường như chỉ có ở đây là đậm nét nhất. Ở đó, hầu như gia đình nào cũng có người làm công nhân mỏ, chuyện đời thường của mọi người cũng không thoát khỏi... than, xoay quanh ca hai, ca ba, lên tầng cao, xuống lò sâu hay vào xưởng máy. Người Cẩm Phả đi chợ Địa Chất, xem rạp Công Nhân (nay nhà văn hóa công nhân Cẩm Phả), vui chơi ở quảng trường 12/11 (theo Ngày truyền thống công nhân mỏ Việt Nam)...

Có lẽ ít có nơi nào tâm hồn của những người công nhân đẹp và đáng yêu đến thế. Nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, ca sĩ nổi tiếng của Cẩm Phả, Quảng Ninh cũng như cả nước đều xuất thân từ ngành than như: Võ Huy Tâm, Tô Ngọc Hiến, Phạm Phi Châu, Trần Tâm, Trần Ngọc Tảo, Võ Khắc Nghiêm, Vũ Thảo Ngọc, Quang Thọ… Họ có thể là bất cứ ai, từ cô gái làm đường mỏ, cô công nhân lấy mẫu than, anh công nhân vận hành bơm moong, anh công nhân lái máy xúc hay cán bộ trắc địa,...

Những dấu ấn của “thành phố than“ ảnh 1

Cảng than ở Cẩm Phả xưa

Nhà thơ, nhà văn Trần Tâm - tác giả bộ tiểu thuyết Đất bỏng về vùng mỏ, khi nhận xét về “chất riêng” của người Cẩm Phả, cho rằng đó là “văn hóa thợ lò”, có gì đó hơi khô khan, cứng nhắc. Nhưng có lẽ ông chưa nói đến những lời thơ đại diện cho suy nghĩ của những người thợ lò: Bồng bềnh sương trắng đêm than/Năm canh em thắp lửa đan ngang trời (Trần Ngọc Tảo) hay Nỗi nhớ đầm đìa áo thợ mồ hôi/Lấp loá miệng cười chỉ than mới biết (Ngô Tiến Cảnh)... đầy lãng mạn, tinh tế.

“Mỗi khi tan ca, anh cùng em, lại ghi thêm một chiến công”, mảnh đất từng một thời cần lao ấy giờ đây luôn được mỗi người con nhắc đến với lòng tự hào, nơi mà nhịp sống than ăn sâu, thấm đẫm tâm hồn những người đã sinh ra và đến gắn bó trọn đời với mảnh đất này.

Ký ức xưa, khát vọng nay

Cẩm Phả nhiều tiềm năng là thế, người Cẩm Phả kiên cường, cần cù là vậy, nhưng mảnh đất này chỉ thực sự dần đổi thay sau những ngày Đổi mới, với những thế hệ mới. Chứng kiến quê hương thay da đổi thịt từng ngày, người vùng mỏ hôm nay không khỏi bồi hồi xúc động.

Phố mỏ ngày ấy chỉ có vài khu đông đúc ở Núi Trọc, Chợ cũ, Chợ mới,... nay đã là đô thị với những con phố rộng thênh thang, tỏa đi ngang dọc khắp nơi. Những lán thợ xơ xác tiêu điều giờ thay thế bằng nhà cao tầng hiện đại, quy hoạch gọn ghẽ, đô thị mới mọc lên ở Bến Gio, Cẩm Bình. Nhà báo Vũ Quang Ngọc lại nhớ da diết cây dâu da thời bao cấp. Lúc ấy cây dâu da được coi là cây hoa đặc trưng của vùng mỏ, hai bên đường khu phố thợ mọc đầy, hoa nở trắng thoang thoảng hương thơm.

Người công nhân mỏ cũng đã khác xưa. Họ có thể “mặc áo sơmi trắng lên tầng, rồi mới thay áo công nhân bảo hộ”, đi làm có xe ca đưa đón, nhiều khu vực sản xuất có máy điều hòa, tắm nóng lạnh. Đời sống tinh thần được quan tâm, có sân vận động, nhà thi đấu, nhà sinh hoạt văn hóa, thư viện. Những dãy nhà tập thể cao tầng như ở Cẩm Sơn, Cẩm Thủy, Quang Hanh,... dựng lên ngày một nhiều.

Nhưng vẫn còn đó những nỗi niềm của một thành phố mà ngành khai thác than là chủ đạo. Những ngày này, khi mà Cẩm Phả đã được công nhận là đô thị loại II, người ta lại nói nhiều hơn chuyện đường phố vẫn còn bụi bẩn, vẫn còn những nơi tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện, trẻ em vẫn mong có được nhiều hơn những điểm vui chơi... Càng nhiều hy vọng cho tương lai, người ta càng nhắc đến những hồi ức quá khứ và day dứt với những gì chưa làm được của hiện tại.

Khát vọng vươn lên “Thành phố công nghiệp – cảng biển văn minh, hiện đại”, Cẩm Phả của thế hệ hôm nay vẫn vậy, vẫn là nhịp sống công nghiệp lan trên đường phố, những chuyến xe chở công nhân chạy đều đặn như thoi đưa, những chuyến tàu tấp nập ra vào cảng ăn than.


“Khi nắng tan đi ánh chiều về rộn vui đường phố, em bước bên anh sau một ngày trên tầng hối hả. Khi ánh bình minh đang bừng lên rực rỡ chân trời, những con thuyền đánh ca ra khơi, tàu đưa than về muôn nơi... Cẩm Phả của tôi...” (ca khúc Cẩm Phả của tôi).

Theo Theo vinacomin.vn
MỚI - NÓNG