Những cuộc đột kích giải phóng Trường Sa của đặc công

Lá cờ bộ đội hải quân cắm trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) ngày 14/4/1975. Ảnh: Hoàng Phương.
Lá cờ bộ đội hải quân cắm trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) ngày 14/4/1975. Ảnh: Hoàng Phương.
"Nếu là lực lượng nước ngoài chiếm đảo, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, nhưng khi nghe tiếng miền Bắc kêu gọi đầu hàng, chúng tôi đã buông súng", Thiếu tướng Mai Năng nhắc lại lời một viên chỉ huy Việt Nam Cộng hòa bị bắt làm tù binh ở Trường Sa năm 1975.

Mỗi độ tháng tư về, trong ký ức trung tá Đào Mạnh Hồng (hiện sống ở TP Hải Phòng, nguyên lính đặc công Đội 1, Đoàn 126), Trường Sa lại hiện lên rất gần và trận đánh giải phóng đảo Song Tử Tây như mới xảy ra ngày hôm qua.

Cuối tháng 3/1975, ông Hồng cùng đồng đội nhận nhiệm vụ hành quân cấp tốc từ Quảng Ninh vào Đà Nẵng. "Lúc xuống tàu, chúng tôi đều nghĩ mình sẽ quay lại miền Nam, trực tiếp chiến đấu chứ không biết sẽ nhận lệnh đi giải phóng Trường Sa", cựu binh 62 tuổi nhớ lại.

Đêm 10/4/1975, các tàu vận tải giả dạng tàu đánh cá, phủ lưới lên trên boong chở bộ đội rời Đà Nẵng đến Trường Sa. Dọc đường đi, gặp tàu tuần tra của Hạm đội 7, có máy bay trinh sát nên cả đoàn phải rẽ ngược lên phía Bắc để đánh lạc hướng, chờ nguy hiểm qua đi rồi mới tiếp tục hành trình.

Gần 300 người cùng vũ khí ngồi san sát như những lớp cá xếp ngay ngắn dưới hầm tàu, lênh đênh trên biển. "Chúng tôi cứ ngồi trong khoang chật chội như thế, thiếu không khí, sóng dập sóng nhồi nên người mệt lử. Tôi bị say sóng không ăn được gì, thi thoảng người bên cạnh nhét cho một viên đường và cho uống nước để giữ sức", ông Hồng nói. Cảm giác lần đầu tiên say sóng đó đến giờ nghĩ lại ông vẫn thấy nôn nao.

Tối 13/4/1975, đoàn tàu "đánh cá" đến được quần đảo Trường Sa, nhận lệnh đánh đảo Song Tử Tây trước.  Một giờ sáng hôm sau, nhiệm vụ được phân công rõ ràng, Đội 1 đặc công do trung úy Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy, chia làm 3 mũi tiến công đảo. Trong đêm đen, các chiến sĩ mang theo súng AK, lựu đạn,... dùng xuồng cao su chèo tay, lợi dụng dòng hải lưu dần tiếp cận đảo. Trời, biển, đảo thời khắc ấy là một khối đen thăm thẳm, chỉ nghe tiếng sóng ầm ào. Trên đảo thi thoảng có ánh đèn tuần tra le lói. 

Phân đội do thượng sĩ Hồng dẫn đầu tiếp cận đảo sớm nhất. Theo hiệp đồng chiến đấu, phân đội của trung úy Quế sẽ nổ súng lệnh, tấn công đảo lúc 4h30. Nhưng đến sát giờ, đội đặc công do ông Quế chỉ huy vẫn chưa tiếp cận được đảo. Thượng sĩ Hồng phân vân không biết có nên nổ súng. "Phân đội có một khẩu B41. Tôi quyết định cho nổ súng tấn công trước, nếu đợi trời sáng bị phát hiện, yếu tố bí mật, bất ngờ sẽ không còn nữa", ông Hồng nhớ lại và cho rằng nổ súng trước là quyết định sáng suốt nhất đời lính của ông.

Khi chiến sĩ Lê Minh Đức bắn phát súng B41 đầu tiên cũng là lúc bộ đội xung phong lên đảo. Vừa  nổ súng, họ vừa tiếp cận cột cờ để chiếm ưu thế và kêu gọi lính Việt Nam Cộng hòa đầu hàng. Sau 30 phút chống trả yếu ớt, binh sĩ trấn giữ đảo buông súng. Cùng lúc, hai phân đội đặc công còn lại tràn lên đảo, hoàn toàn làm chủ tình hình. Rạng sáng 14/4, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên đỉnh cột cờ của đảo Song Tử Tây.

Kết thúc cuộc tấn công chớp nhoáng,  hai chiến sĩ đặc công hi sinh. Liệt sĩ Tống Văn Quang sau này được mai táng gần cột cờ chủ quyền trên đảo. Còn chiến sĩ Ngô Công Quyền bị thương ở bụng, mất trên đường về đất liền. Phía Việt Nam Cộng hòa có  6 binh sĩ tử trận, 33 người bị bắt làm tù binh.

Những cuộc đột kích giải phóng Trường Sa của đặc công ảnh 1

Đại tá Phan Xuân Ạp bồi hồi kể lại những ngày giải phóng Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Đông.

Cùng tham gia tăng cường giải phóng Trường Sa, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5, còn có tiểu đoàn đặc công 471 (thuộc Quân khu 5). Ngày 16/4, một cánh quân của tiểu đoàn này được lệnh xuống ba tàu vận tải giả dạng tàu cá ra đảo Sinh Tồn. Sau khi tiếp cận mục tiêu và trinh sát, đặc công bất ngờ đột kích lên đảo, bắt sống nhiều lính Việt Nam Cộng hòa.

Bốn ngày sau, 36 đặc công thuộc tiểu đoàn 471 tiếp tục nhận lệnh xuống tàu ra Trường Sa. Đến ngày 24/4,  đặc công hải quân đã trinh sát các đảo Nam Yết, Trường Sa lớn, An Bang, Sơn Ca. "Cấp trên lệnh xuống là phải chờ chứ chưa được đánh đảo", cựu binh đặc công Phan Xuân Ạp (64 tuổi, Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng) kể. Rạng sáng 25/4, lệnh tấn công được phát ra, các mũi đặc công đổ bộ, tràn lên đảo Sơn Ca. Quân lính Việt Nam Cộng hòa chống cự yếu ớt và đầu hàng sau 30 phút đấu súng.

Theo ông Ạp, sở dĩ quân giải phóng nhanh chóng giành thắng lợi ở Trường Sa là do lính Việt Nam Cộng hòa trấn giữ đảo thường xảy ra xô xát nên hầu hết vũ khí bị thu giữ, cất trong kho bởi vậy trở tay không kịp khi bị tấn công bất ngờ.

Nhận được tin Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam giải phóng đảo Song Tử Tây, chính quyền Sài Gòn điều 2 tàu chiến từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại, nhưng nản lòng trước những thất bại liên tiếp trên đất liền, nên quay sang tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết. Đến ngày 27/4, binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã rút khỏi các đảo để theo tàu về đất liền.

"Khi chúng tôi tiếp quản Nam Yết, phát hiện trước đó lính Việt Nam Cộng hòa đã hạ hết nòng pháo ngang tầm bắn trên mặt nước, rải mìn kín xung quanh đảo. Cũng may, đặc công hải quân không đổ bộ sớm, chứ không chắc chắn có nhiều thương vong", ông Ạp nói. Binh sĩ Việt Nam Cộng hòa rút khỏi đảo nào thì quân giải phóng lập tức lên tiếp quản, bố phòng chặt chẽ. Ngày 28/4, các đảo Trường Sa Lớn và An Bang được giải phóng.

Sau khi làm chủ Song Tử Tây, gần 30 đặc công hải quân được giao nhiệm vụ trụ lại phòng thủ đảo. Trung tá Đào Mạnh Hồng cho biết, đó là khoảng thời gian vô cùng căng thẳng. "Sáng 14/4, một tàu đánh cá Trung Quốc tiến đến gần đảo, khi thấy cờ giải phóng thì chần chừ rồi quay đầu đi vòng quanh đảo, thăm dò 3 ngày liên tục".

Thực hiện chỉ thị của Bộ tư lệnh Hải quân "bằng mọi giá không để cho quân đội nước ngoài vào chiếm đảo", lính đặc công đắp ụ cát, chặt thân dừa giả làm nòng pháo, rồi dùng bao bạt phủ lên trông giống ụ pháo, đánh lừa những con tàu lởn vởn quanh đảo như những bóng ma. Sau vài ngày thăm dò, chúng đành bỏ đi.

"Ngày ấy, chúng tôi đi giải phóng và giữ đảo bằng ý chí và một niềm tin sắt đá vì nhận thức rõ rằng, mảnh đất thiêng liêng này thuộc về chủ quyền đất nước", trung tá Hồng nói. 

Những cuộc đột kích giải phóng Trường Sa của đặc công ảnh 2

Thiếu tướng Mai Năng, chỉ huy cuộc giải phóng các đảo Trường Sa năm 1975. Ảnh: Giang Chinh.

Đại tá Phan Xuân Ạp cho rằng, đất nước thống nhất đã 40 năm, nhắc lại quá khứ là điều cần thiết, đặc biệt khi chủ quyền biển đảo trở thành mối quan tâm lớn trong bối cảnh hiện nay. "Phải nói rằng, chính quyền Sài Gòn đã rất ý thức việc giữ chủ quyền biển đảo để phòng thủ đất nước bằng việc cho lính ra đóng giữ 6 đảo.


 Từ đó, quân giải phóng mới dễ dàng làm chủ tình hình. Những người lính đi giải phóng Trường Sa luôn mong mỏi một điều, thế hệ hôm nay và ngày mai phải giữ được những hòn đảo nơi địa đầu tổ quốc để phòng thủ đất nước từ xa", ông Ạp nói.

Thiếu tướng Mai Năng, chỉ huy chiến dịch giải phóng Trường Sa thì nhớ mãi câu nói của viên chỉ huy Việt Nam Cộng hòa khi bị hỏi cung ngay tại chỗ. Ông hỏi: "Sao cấp trên dặn kiên quyết phòng thủ mà lại đầu hàng?". Viên chỉ huy trả lời: "Nếu là lực lượng nước khác chiếm đảo, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Nhưng khi nghe tiếng miền Bắc kêu gọi đầu hàng,  chúng tôi đã buông súng, muốn giao lại đảo cho quân giải phóng". 


Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.