Hiện thực hóa giấc mơ cao tốc
Ngày 21/9/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh thông xe toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Tây Bắc, với cả nước cũng như trong hợp tác phát triển của tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Nếu như, những tuyến cao tốc đã được đưa vào sử dụng trước đây chỉ tính bằng con số hàng chục kilômét thì chiều dài của tuyến đường này lên đến 245 km. Tổng mức đầu tư của dự án ở mức kỷ lục trong các dự án giao thông với hơn 30 nghìn tỷ đồng. Thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Lào Cai bằng xe con chỉ còn 3,5 giờ thay vì 7-8 giờ như trước; xe tải hết khoảng 4-5 giờ thay vì 9-11 giờ theo đường cũ. Chi phí xăng dầu, khấu hao phương tiện, ăn nghỉ dọc đường… đều giảm.
Với những cán bộ công nhân viên của VEC, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt, như bó hoa tươi thắm dâng lên lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập và phát triển của Tổng công ty. Còn nhớ, cuối năm 2011, khi tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thông xe, Tổng GĐ VEC Mai Tuấn Anh nói “không tin nổi, dù đó là sự thực”. Tin sao được vì mới hôm nào giữa đêm khuya, trong tiếng máy rộn ràng đặc quánh mùi nhựa đường, ông Tuấn Anh “tả xung, hữu đột”.
Từ đó đến nay, với VEC những tuyến cao tốc như vậy không còn là giấc mơ. VEC đã nâng tổng số dự án cao tốc lên con số 5 với chiều dài 540 kilômét. Trong đó, số kilômét đã đưa vào khai thác là 316 km (245 km thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai; 50 km tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình và 21 kilômét cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây). Tổng mức đầu tư của 5 dự án của VEC đã hơn 125 nghìn tỷ đồng.
“Rằng qua cơn lận đận”
VEC thành lập cách đây 10 năm với mục tiêu thí điểm mô hình thu hút vốn đầu tư vào hệ thống đường cao tốc quốc gia. Với mô hình cổ điển, doanh nghiệp trông chờ vào nguồn vốn ngân sách rót xuống, đầu tư xong công trình, chuyển giao cho đơn vị khai thác là hết trách nhiệm. Ở đây, VEC vừa phải huy động các nguồn vốn, triển khai đầu tư, tự khai thác thu phí để tái đầu tư vào các dự án cao tốc khác.
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông (Bộ GTVT) nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng GĐ VEC kể lại: Những ngày đầu thành lập, Chính phủ cấp vốn 1.000 tỷ đồng, nhưng không phải bằng tiền mặt mà bằng quyền thu phí tại trạm cầu Giẽ và Phù Đổng trên QL1A (tức là vốn được cấp bằng cách góp nhặt từ việc thu phí từng xe). Để có tiền làm đường, VEC phải huy động, đi vay số tiền gấp khoảng 100 lần như thế.
“Có thời điểm, một số cơ quan quản lý nhà nước đã đề nghị xem xét lại hoạt động của VEC, thậm chí cảnh báo nguy cơ VEC có thể trở thành một Vinashin thứ hai”- ông Mai Tuấn Anh nói. “Không ít ý kiến bàn lùi, chuyển VEC trở về mô hình theo cơ chế bao cấp an toàn hơn. Thành công chẳng nói, nhưng thất bại, ai có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm. Sự dè dặt, thận trọng là không thể tránh”- ông Sanh nhớ lại.
Nhưng bằng những dự án có tính hiệu quả, nỗ lực không mệt mỏi và cả sự dũng cảm, VEC đã huy động thành công được hơn 54.000 tỷ đồng từ nguồn vốn OCR của ADB và IBRD của WB chiếm 43% tổng mức đầu tư… cho các dự án.
VEC hôm nay đã thực sự trở thành một nhà đầu tư lớn; một đơn vị cung cấp dịch vụ đường cao tốc chuyên nghiệp. Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch HĐTV VEC Trần Quốc Việt, cho biết: Phấn đấu đến hết năm 2018, sẽ đầu tư hoàn thành khoảng 550 km đường bộ cao tốc và tiếp tục đầu tư các dự án khác bằng đa dạng hóa các hình thức hợp tác đầu tư (BOT, PPP...) để tiến tới con số 1.000 km như đề án đã trình Bộ GTVT.
Nhờ sự khởi động của VEC, nhiều doanh nghiệp đã tham gia đầu tư cao tốc. Thậm chí, mới đây, cao tốc Quảng Ninh – Hải Phòng cũng đã được địa phương tự đứng ra làm. Mô hình của VEC đã mở đường cho công tác xã hội hóa, huy động vốn để phát triển nhiều lĩnh vực cơ sở hạ tầng khác của đất nước.