Những biến chứng khó lường khi bị viêm họng trong mùa lạnh

Nói đến viêm họng thì không ai là không biết vì đây là căn bệnh hay gặp và gặp ở mọi lứa tuổi.

Thường thì người ta không coi trọng bệnh viêm họng và nghĩ rằng nó không quá ghê gớm. Tuy nhiên, bệnh không chỉ khó điều trị dứt điểm mà còn có thể gây nhiều biến chứng trầm trọng như: thấp tim, viêm khớp, viêm thận...

Nguyên nhân của viêm họng

Có đến 80% các trường hợp viêm họng là do virus như adenovirus, rhinovirus, cúm, sởi..., 20% còn lại là do vi khuẩn như các loại liên cầu, tụ cầu, phế cầu, H.Influenzae... Trong số các vi khuẩn gây bệnh viêm họng thì nguy hiểm nhất là liên cầu tan huyết nhóm A. Đây là thủ phạm gây các biến chứng thấp tim, viêm khớp, viêm thận.

Biểu hiện của bệnh viêm họng

Những biến chứng khó lường khi bị viêm họng trong mùa lạnh ảnh 1

Triệu chứng điển hình của viêm họng cấp là sốt, đau họng, ho, biểu hiện nhiễm khuẩn. Bệnh nhân thường sốt cao 39-400C, rét run; thấy đau rát họng nhất là khi nuốt. Ho được biểu hiện ban đầu là ho khan rồi ho từng cơn, ho có đờm. Dấu hiệu nhiễm khuẩn rõ rệt với môi khô, lưỡi bẩn, mạch nhanh, nét mặt bơ phờ mệt mỏi. Trẻ nhỏ khi bị viêm họng thường quấy khóc, chán ăn, bỏ bú. Khám thực thể thấy niêm mạc họng đỏ, amidan sưng to, đỏ;  có thể thấy hạch góc hàm sưng đau.

Trường hợp viêm họng cấp do bạch hầu và viêm họng vincent thì nổi bật là triệu chứng nhiễm độc toàn thân, sốt không cao nhưng mặt xanh tái, mệt mỏi, bơ phờ, nước tiểu ít, họng có giả mạc trắng.

Viêm họng mạn tính gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, các triệu chứng không rầm rộ. Bệnh nhân chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt, họng ngứa rát, cảm giác hơi vướng và có dịch nhày chảy xuống họng; ho từng cơn, ho khan hoặc chỉ có ít đờm. Khám họng chỉ thấy niêm mạc xung huyết, xuất tiết nhẹ, các tổ chức lympho phát triển mạnh ở thành sau họng nên được gọi là viêm họng quá phát hoặc viêm họng hạt.

Những biến chứng khó lường của viêm họng

Tại họng: áp xe, viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amidan, áp xe thành sau họng (gặp nhiều ở trẻ em).

Tại các cơ quan lân cận: viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, hay gặp ở trẻ em, nhiều khi khó phát hiện nên dẫn đến các biến chứng khác nguy hiểm, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi. Tại các cơ quan xa họng: viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim...

Đối với biến chứng viêm tai giữa: Viêm họng dễ dẫn đến viêm tai do vi khuẩn lan truyền qua đường liên thông từ họng đến lỗ vòi nhĩ và tai giữa. Trẻ em dễ bị viêm tai giữa vì hệ miễn dịch yếu, sụn vòi nhĩ mềm… Viêm tai giữa thường xuất hiện sau viêm họng. Trẻ nhỏ bị viêm tai giữa sẽ quấy khóc, bỏ bú, sốt; nghiêng đầu và quờ tay vào tai. Trong quá trình tắm rửa hoặc vì một nguyên nhân nào đó mà tai bị va chạm, bé sẽ khóc thét. Cần đưa bé đi khám để bác sĩ can thiệp, dẫn lưu mủ trong tai. Trẻ bị viêm tai giữa, phụ huynh cần chăm sóc cho bé thật kỹ; tái khám để biết chắc chắn bệnh đã khỏi, vì nếu chăm sóc không kỹ, bé sẽ bị viêm tai xương chũm.

Đối với biến chứng viêm phổi: Những trường hợp bệnh nhẹ, do không giữ gìn kỹ, người bệnh bị nhiễm lạnh, vi trùng từ đường hô hấp trên sẽ nhanh chóng tiến vào phế quản, phổi. Phổi bị viêm, đồng nghĩa với các túi khí (phế nang) sẽ chứa mủ, chất nhầy… gây thiếu ôxy, khó thở, nguy cơ tử vong cao.

Biến chứng gây bệnh ở tim, thận và khớpCó nhiều vi khuẩn gây viêm họng, trong đó, liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A (Streptococcus A) khi xâm nhập vào họng, nếu không được chữa trị đến nơi đến chốn sẽ gây thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận. Vỏ của vi khuẩn này có phần cấu tạo giống cơ tim, thận, khớp. Khi vi khuẩn xâm nhập, cơ thể sẽ tạo kháng thể tấn công vi khuẩn. Và, cũng chính kháng thể này lại phá hủy mô nội mạc tim, gây bệnh thấp tim, bệnh van tim. Điều này xảy ra tương tự với thận và khớp.

Khoảng 2-3 tuần sau viêm họng, bệnh nhân có thể bị viêm các khớp: khuỷu tay, đầu gối, cổ chân… Cơn đau kéo dài từ năm-bảy ngày. Song, nếu bệnh tái đi tái lại, gây tổn thương van tim, làm cho các lá van dày lên, xơ cứng và có thể dẫn đến hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ…

Nguyên tắc điều trị biến chứng của viêm họng

Như đã nói, phần lớn nguyên nhân gây viêm họng là do virus, những trường hợp viêm họng này chỉ điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, giảm ho, chống viêm mà không cần dùng kháng sinh.

Chỉ những trường hợp viêm họng do vi khuẩn mới phải dùng kháng sinh, hiệu quả nhất là chỉ định kháng sinh dựa vào kháng sinh đồ.

Với viêm họng do bạch hầu phải chuyển ngay bệnh nhân vào các khoa truyền nhiễm để điều trị, dứt khoát không điều trị tại nhà. Bệnh nhân được dùng kháng sinh đúng liều đồng thời với các biện pháp giải độc.

Có thể xông họng, khí dung bằng các loại kháng sinh, kháng viêm; chấm họng bằng glyxerin borat.

Nếu là viêm họng mạn tính thì có thể sử dụng các biện pháp đốt hạt nhưng phải thận trọng, tránh gây tổn thương niêm mạc do đốt.

Chăm sóc cơ thể khi bị viêm họng rất quan trọng bao gồm: vệ sinh mũi họng, giữ ấm họng, ăn các loại thức ăn mềm dễ nuốt, uống nhiều nước đặc biệt là nước quả để tăng sức đề kháng của cơ thể.

Cách phòng bệnh biến chứng viêm họng

Vệ sinh răng, miệng, họng hàng ngày (đánh răng, xúc họng bằng nước muối loãng).

Luôn đeo khẩu trang khi ra đường để tránh bụi và khí ô nhiễm, không nên uống nước lạnh quá hoặc nước đá, đặc biệt là những người thường xuyên bị viêm họng. 

Phát hiện và điều trị kịp thời, dứt điểm các bệnh của họng và bệnh của các cơ quan liên quan đến họng (răng, miệng, mũi, xoang...) để mầm bệnh không có khả năng tồn tại và lan vào vùng họng.

Không tùy tiện dùng thuốc nhất là các loại kháng sinh. Dùng đúng liều, đúng thời gian các loại thuốc theo chỉ định của bác sỹ.

Cần tuyên truyền giáo dục cho mọi người hiểu biết về tác hại của viêm họng và hậu quả của bệnh thấp tim do viêm họng gây ra.

Theo Theo Gia đình Việt Nam
MỚI - NÓNG