Những bất ổn trong lòng VPF

Những bất ổn trong lòng VPF
Gợi ý về việc thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) đã và đang được sự quan tâm, ủng hộ từ nhiều phía. Bộ VH-TT-DL đã chấp thuận về mặt chủ trương, chỉ còn chờ bản đề án chính thức được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trình.

Tổng cục TDTT cũng đồng tình cách làm này. Trước đó, bản thân VFF dù trong bụng không biết thế nào nhưng ngoài mặt vẫn tuyên bố ủng hộ. Phía các ông bầu doanh nghiệp tham gia bóng đá thì khỏi phải nói, hồ hởi ra mặt. Người hâm mộ chào đón tin này trong không khí lạc quan, các diễn đàn mạng dày đặc các ý kiến tích cực. Có thể nói là mọi người vui ra mặt.

Chỉ sau một thời gian ngắn, VFF đã thực hiện đúng lời hứa của mình là trực tiếp tác động bằng nhiều cách, từ báo cáo trực tiếp, bằng văn bản lên các cấp có thẩm quyền để tranh thủ sự ủng hộ và xin chủ trương. Nói chung, mọi chuyện đang thuận buồm xuôi gió, chỉ còn chờ ngày VPF… ra khơi, mong mùa trúng lớn như mong đợi.

Thế nhưng, tiềm ẩn bên trong lòng VPF, những người có quá trình theo dõi sát sao vụ việc vẫn tồn tại những mối lo. Đầu tiên là “chiếc bánh” lợi nhuận truyền hình, mà nếu người viết nhớ không lầm cách đây vài năm chả ai thèm ngó ngàng tới, vì cho không ai lấy, bỏ chẳng ai thèm. Nhưng đến nay nó đã sinh lợi mỗi năm hàng tỷ đồng, dù chất lượng các trận đấu, chất lượng các đội bóng, tính trung thực của kết quả trận đấu và những sự cố trọng tài, bạo lực sân cỏ hoàn toàn tỷ lệ nghịch.

Vấn đề được các ông bầu, mà nay là VPF xới lên khi thắc mắc về bản hợp đồng giữa VFF và đối tác AVG. Chính mức giá mua và thời hạn mua quá dài của AVG đã buộc VPF phải lên tiếng với VFF. Xử sao đây? Thật khó quá!

Chưa hết, việc chọn lựa người đứng đầu hai giải chuyên nghiệp là V-League và hạng nhất là ai đây? Thuê chuyên gia nước ngoài liệu có ổn không? Có thể họ tài giỏi nhưng họ vẫn quen làm việc trong môi trường của họ, cơ chế của họ và các cộng sự của họ. Bê nguyên bộ máy tổ chức chuyên nghiệp ở các quốc gia tiên tiến như Anh, Đức, Ý… thì tiền đâu trả nổi? Còn thuê một vài người, chẳng lẽ ta ngồi xem họ bơi trong cái “biển sự cố” của chúng ta? Rồi chuyện ai đứng ra thuê (rất quan trọng) và thuê ai?

Chưa hết, ngay chuyện góp vốn và tỷ lệ vốn góp cũng sẽ nổi lên vấn đề về quyền lực, thẩm quyền quyết định, vai trò cổ đông. Đơn cử, khi đội bóng của một ông bầu trong nhóm cổ đông, thậm chí cổ đông lớn có vấn đề, phát sinh sự cố thì xử làm sao? Ai xử và xử thế nào cho trung thực, minh bạch?

Lại còn chuyện chọn ai trong ban giám sát? Đây là yếu tố quan trọng trong một công ty cổ phần, vì bộ phận này giúp cho thành viên cổ đông giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của ban giám đốc, giữ cho công việc của công ty luôn đi đúng hướng nhưng ở công ty bên ngoài vai trò giám sát phần lớn liên quan tài chính. Với VPF lại khác hoàn toàn. Yếu tố bóng đá đòi hỏi bộ phận này phải am hiểu từng ngóc ngách công việc, linh hoạt… Chưa kể yếu tố thời gian đang gây sức ép lên VPF mỗi ngày, hay nói theo ngôn ngữ tường thuật bóng đá rằng: “Thời gian không ủng hộ VPF”. Khó lắm chứ không phải chơi.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG