Những bài viết thu hút không cần 'từ khóa'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một cộng đồng gồm toàn người trẻ, cùng nhau kể về đời sống của chính mình bằng những câu chữ đời thường, không cố tình tập trung vào “key word” (từ khóa) hay “content” (làm nội dung) nhưng mỗi bài viết vẫn thu hút hàng chục nghìn lượt yêu thích và chia sẻ. Sự thành công của “Chuyện của Hà Nội” khiến nhiều người có cái nhìn khác về gu của giới trẻ.

Khi người trẻ kể chuyện

“Tôi đang làm một điều tra xã hội học về mối quan tâm của giới trẻ đô thị bây giờ thì được giới thiệu “Chuyện của Hà Nội”. Đây là một dự án phi lợi nhuận của một nhóm bạn trẻ, thông qua diễn đàn trên nền tảng mạng xã hội, tất cả mọi người đều có thể bày tỏ, chia sẻ, kể lại... câu chuyện, góc nhìn hay mối quan tâm của mình. Tôi rất ngạc nhiên với những bài viết nghìn like ở đây. Chúng đều là những chuyện kể giản dị, về một góc nhỏ nào đó trong đời sống đô thị, không màu mè, hoa mỹ hay cố tình tạo trend. Có lẽ chính những chuyện bình thường này mới dễ dàng chạm đến cảm xúc của nhiều người”, tiến sĩ Phạm Minh Hà (Viện Hàn lâm KHXH) cho biết.

Những bài viết thu hút không cần 'từ khóa' ảnh 1

Hà Nội đẹp từ những điều bình dị nhất

Được biết, trang “Chuyện của Hà Nội” ra đời vào tháng 8 năm 2018 với định hướng ban đầu là một cộng đồng chia sẻ nội dung về cuộc sống đời thường của người dân Thủ đô. Dần dần nó trở thành một diễn đàn yêu thích của giới trẻ. Đến thời điểm hiện tại, “Chuyện của Hà Nội” đã có 1,9 triệu người theo dõi. Những câu chuyện và đề tài hot nhất ở đây đều xoay quanh các lát cắt đời thường được chính cư dân Hà Nội kể lại, bằng bài viết, hình ảnh hoặc các clip ngắn.

“Đã lâu mới lại thấy một diễn đàn đậm vị Hà Nội đến vậy. Cảm giác như xa quê gặp cố hương. Đang ngồi thu lu trong nhà tránh cái nóng hơn 40 độ, thấy một bạn đưa cái tút “nếu em chưa từng uống bia ở Thái Thịnh, có lẽ em đã bỏ lỡ một thanh xuân” tự nhiên chảy nước mắt vì nhớ nhà. Xong rồi thấy dân tình xúm vào bình chọn quán bia vỉa hè nào ngon nhất thì lại cười như xem phim Châu Tinh Trì”. (Vũ Thái Anh, du học sinh tại Bỉ) chia sẻ.

Nhiều người viết, người làm quảng cáo và nội dung có chung nhận xét: độ hot của“Chuyện của Hà Nội” khiến họ bị bất ngờ với gu của giới trẻ. “Không đến nỗi tỏ ra nguy hiểm và thích ngôn ngữ khù khoằm như nhiều trang mạng đưa tin. Giới trẻ ngày nay vẫn rất thích lối kể chuyện nhẹ nhàng, thích những câu chuyện riêng tư, hài hước, thích các hình ảnh cảm động”, chuyên gia truyền thông Trần Ngọc Sơn phân tích.

Còn nhà văn trẻ Sơ Vũ thì đánh giá: “Không hoa mỹ cầu kỳ, mỗi nội dung “Chuyện của Hà Nội” đều dung dị, bình thản và gần gũi đến mức người ta luôn có cảm tưởng vừa nghe đâu đấy, trong chuyện phiếm với bạn bè hay bâng quơ ngoài quán nước. Cái “ăn điểm” chính là mẫu số chung của những câu chuyện này, dường như ai cũng từng trải qua, hoặc ít nhất nó được nhắc đi nhắc lại trong kinh nghiệm sống của người thân, bạn bè... mỗi người”.

Hệ sinh thái “chuyện Hà Nội”

Những bài viết thu hút không cần 'từ khóa' ảnh 2
Những bài viết thu hút không cần 'từ khóa' ảnh 3

Những hình ảnh bão like trên “Chuyện của Hà Nội”

Từ thành công trên nền tảng Facebook, “Chuyện của Hà Nội” tiếp tục lấn sân sang Instagram, YouTube, SoundCloud và TikTok với những định dạng nội dung khác nhau như ảnh, talkshow, video ngắn. Theo thống kê sơ bộ, hiện “Chuyện của Hà Nội” đã tạo được cả một hệ sinh thái kể chuyện gồm 10 kênh khác nhau, thu hút hàng chục triệu lượt theo dõi, mỗi kênh có một thế mạnh riêng.

Ví dụ trang facebook “Chuyện của Hà Nội” thiên về các câu chuyện kể, chia sẻ cảm xúc, phân tích sự kiện, giới thiệu địa điểm ăn, chơi... Kênh Instagram thì tập trung đưa những khoảnh khắc đẹp, lãng mạn của người Hà Nội. Kênh TikTok khai thác mảng nghe cũng đạt được độ lan tỏa cao, thu về 5 triệu lượt thích, trở thành trạm cảm xúc của nhiều thanh niên.

Ở thời điểm Hải Phòng vừa tung ra bản đồ foodtour được dân tình ủng hộ mạnh mẽ, các thành viên “Chuyện của Hà Nội” kể rằng, họ đã làm điều ấy từ bốn năm nay. “Chỗ nào ăn ngon, chơi vui, chụp ảnh đẹp... đều được các cây viết chia sẻ đều đặn và có sự góp ý của hàng trăm thành viên khác. Tiếc là những thông tin này chưa được hình ảnh hóa, cô gọn lại và lan tỏa rộng trong cộng đồng. Có lẽ thời gian tới chúng tôi sẽ làm điều này”, một admin của fanpage cho biết.

Không chỉ lan tỏa trên thế giới ảo, “Chuyện của Hà Nội” còn kết nối với cuộc sống thực để thực hiện những hoạt động thiện nguyện. Trong đó, nhiều hoạt động đã gây được tiếng vang trong cộng đồng như kêu gọi mua nông sản online giải cứu nông dân, kêu gọi ủng hộ quỹ vắc xin COVID-19 của nhà nước, hỗ trợ phẫu thuật hở hàm ếch cho trẻ em, hỗ trợ làng trẻ em SOS, kết hợp chương trình Việc tử tế của VTV để kêu gọi ủng hộ cho các em vùng cao có cơm ăn, kết nối người trẻ yêu lịch sử…

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.