Những bác sỹ sống cùng dịch

Những bác sỹ sống cùng dịch
TP - Nguy hiểm, có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, nhưng những người chống dịch dường như đã quá quen với “ổ dịch”. Họ thầm lặng nhận về mình  khó khăn, sẵn sàng đương đầu với kẻ thù bí hiểm...

Không chỉ bất ngờ về sự trở lại của căn bệnh tả vắng bóng lâu ngày, mà “ngạc nhiên” hơn tả lại xuất hiện ngay giữa lòng Thủ đô - nơi vẫn được coi là không có vi khuẩn tả lưu hành.

Sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân nam 73 tuổi mắc bệnh ngày 23/10/2007, những ngày sau đó, số bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm tăng nhanh từng giờ, mỗi ngày ghi nhận trung bình 150 trường hợp, có ngày lên tới 216 bệnh nhân vào viện, nhiều ca nhiễm khuẩn tả, với hàng trăm ổ dịch, tại 13 tỉnh/thành phố. “Chúng tôi cũng phát hoảng trước khả năng lây lan rất nhanh.

Trong khi đó, môi trường nước, thực phẩm tại nhiều ổ dịch, xung quanh nhà bệnh nhân đều xét nghiệm thấy dương tính với tả” -TS.Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhớ lại.

Với 30 năm trong ngành dịch tễ, bác sỹ Bùi Việt Hoa - nguyên Trưởng khoa Dịch tễ, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, dịch tả lớn ở miền Bắc được ghi nhận vào năm Ất Dậu 1945. Sau này, dịch có trở lại nhưng xuất hiện khá thưa, cách nhau khoảng 5 năm hoặc nhiều hơn.

Mỗi vụ dịch xuất hiện, thường lý do “chính đáng”, đó là những dịp có lượng người đi lại, tập trung lớn vào những năm 1976, 1980, 1985. Bệnh tả thường là mối lo ngại sẽ xuất hiện tại các địa phương ven biển vùng nước lợ, hay vùng lũ lụt, điều kiện vệ sinh kém, phù hợp cho vi khuẩn tả lưu hành.

Còn miền Bắc vốn không phải là nơi có điều kiện thuận lợi cho phẩy khuẩn tả sinh sống, đặc biệt lại có mùa đông lạnh. Dịch tả ở Hà Nội cũng từng xảy ra vào năm 2004, tại một gia đình của quận Hoàng Mai với 20 ca mắc trong một gia đình.

Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ đã lập tức xác định được con đường “đột nhập” qua bến xe phía Nam - nơi tập trung giao lưu người đến từ các vùng. Lúc đó, dịch đã được khống chế hết sức nhanh gọn”.

Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm hồi tháng 10-11/2007 với sự xuất hiện của các ca bệnh tả vừa rồi được giới chuyên môn nhận định là rất bất thường. “Đã có nhiều ý kiến lo ngại về sự biến đổi của vi khuẩn này đã thích nghi tốt hơn với điều kiện miền Bắc, ngay cả khi thời tiết lạnh hơn”.- Bác sỹ Việt Hoa lo lắng.

Truy tìm bệnh nhân trốn viện

Khu cách ly đặc biệt của Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia lập tức được thiết lập ngay khi Bộ Y tế công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có vi khuẩn tả.

BS.Tường Vân - Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết: Chiều hôm trước công bố dịch, qua một đêm, sáng hôm sau và liên tục cả tuần sau đó, bệnh nhân vào viện tăng từng giờ. Nhiều bệnh nhân phải đóng tã giấy, có bệnh nhân vào đến viện  thì chăn mền đã ướt”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn còn cho biết thêm: “Các bác sỹ phải đếm từng cái bỉm của bệnh nhân để xác định số lượng, số lượng bệnh nhân tiêu chảy giảm hay tăng để có sự điều chỉnh phương án điều trị. Nhiều bác sỹ ở lại trực dịch tại bệnh viện hơn 20 ngày”.

Trong khi đó, không ít bệnh nhân trốn viện do thiếu hiểu biết, ngại phải nằm điều trị dài ngày. Để chống dịch, các cán bộ y tế  đã phải tổ chức trực dịch 24/24 giờ tại tất cả các tuyến. Thậm chí, có trường hợp trốn viện tại Hà Nội, về quê ở Thái Bình vào lúc 16 giờ.

Bệnh viện đã lập tức thông báo tên bệnh nhân cho Cục Y tế dự phòng Việt Nam và thông tin cho Sở Y tế Thái Bình. Đến 20 giờ, UBND xã nơi bệnh nhân cư trú đã phối hợp với y tế tìm ra bệnh nhân và triển khai cách ly tại cơ sở điều trị không để dịch lan rộng.

Bí quyết phòng tả

Các bác sỹ điều trị hiểu rất rõ rằng cùng sinh hoạt với người mang bệnh thì nguy cơ nhiễm vi khuẩn rất cao. Có trường hợp, chỉ trong vòng 5 - 6 tiếng sau  khi dọn đồ dùng, quần áo cho bệnh nhân, người thân cũng lập tức đã phải nhập viện điều trị tả.

Với những người chuyên đi vào vùng dịch, “thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng dự phòng bệnh  trong thời gian ngắn. Chúng tôi không thể vài ngày lại uống thuốc, vì như vậy sẽ bị kháng thuốc.

Mà cả tháng trời đi về vùng có dịch, trực tiếp tiếp xúc nguồn bệnh thì không có bí quyết nào khác là phải đảm bảo nghiêm ngặt nguyên tắc phòng bệnh” - Một bác sỹ của Trung tâm Y tế Dự phòng quận Hoàng Mai cho biết.

Một bác sỹ thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội (không muốn cung cấp danh tính) tâm sự: “Ăn cơm quán thì khó mà đảm bảo vệ sinh, nhưng chúng tôi vẫn phải ăn vì không thể có thời gian về.

Vậy là, mỗi lần vào quán, chúng tôi lại yêu cầu chủ quán nhúng bát, đĩa, thìa, đũa vào nồi nước sôi, và cũng yêu cầu chủ quán làm như vậy cho các khách hàng khác.

Thoạt đầu, chủ quán cũng khó chịu, nhưng sau đó họ cũng hiểu được rằng chúng tôi làm điều đó là vì sức khỏe cộng đồng và uy tín của quán, nên họ cũng vui vẻ chiều khách. Vậy là, ngay cả có chút thời gian ngắn ngủi nghỉ ăn cơm, chúng tôi cũng kết hợp tuyên truyền chống dịch”. 

Khi nhà nhà lo đón Tết thì những người chống dịch vẫn thấp thỏm chờ dịch: “69 đội cơ động phòng chống dịch đã sẵn sàng và đảm bảo phản ứng nhanh 24/24, bất kể đó là thời điểm nào”- Ông Huy Nga, Cục trưởng Cục  Y tế Dự phòng tâm sự.

MỚI - NÓNG