'Nhốt' quyền lực

'Nhốt' quyền lực
TP - Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”, có lẽ chúng ta đều hiểu việc kiểm soát quyền lực là thiết yếu trong chống tham nhũng, một vấn đề nhức nhối hiện nay.

Vậy quyền lực là gì? Vì sao đã hàng ngàn đời nay từ bậc vua chúa, tổng thống, thủ tướng, các ông chủ những tập đoàn giàu có, đến các ông bố, bà mẹ, những người lao động bình thường đều mong có một chút quyền, một chút thôi, hay quyền lực vô biên?

Đối với chúng ta quyền lực có ý nghĩa gì? Tại sao ai cũng tìm mọi cách để đạt cho được quyền lực? Cho dù không để ý… “ Chúng ta luôn cố đạt cho được một địa vị có quyền lực bởi vì ta tin rằng quyền lực giúp ta làm chủ được cuộc sống, đem lại cho ta tự do và hạnh phúc - những gì ta mong muốn nhất” - mở đầu cuốn sách “Quyền lực đích thực” tác giả Thích Nhất Hạnh đã viết như vậy.

Muốn có quyền lực, muốn được danh tiếng hay giàu sang không phải là điều xấu. Nhưng phải nhớ rằng, chúng ta theo đuổi quyền lực hay danh tiếng, tiền tài là để được hạnh phúc. Nếu giàu có và quyền lực không hạnh phúc cho chính bản thân mình và mang lại bất hạnh cho nhiều người, cho đất nước, thì giàu có và quyền thế để làm gì? 

Triết gia Jean Jacques Rouseau đã viết: Người mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để mãi mãi ở vị trí lãnh đạo, trừ khi người ấy chuyển đổi sức mạnh thành lẽ phải, và chuyển đổi sự khuất phục thành bổn phận.

Ấy vậy, nhưng ở nước ta hiện nay đang có hiện tượng lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân, gia đình, bạn bè, hay cho những nhóm lợi ích khác nhau. Sự lạm dụng quyền lực này nhiều lúc đã bất chấp tất cả, dẫn đến “tự tung tự tác” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói. Làm sao để kiểm soát quyền lực có hiệu quả, đó là vấn đề quan trọng hiện nay.

Thực ra, trên thế giới đã có khái niệm về quyền lực của những người không có quyền lực, đó là quyền lực của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ấy là nói về quyền lực của nhân dân, sức mạnh của nhân dân.

Nhân dân chính là “tai mắt” của mọi xã hội. Chỉ có nhân dân mới biết được người cán bộ từ khu phố, từ quận, phường… rõ nhất. Nhưng, người dân có biết cũng không làm gì được, nếu không có những cơ chế thực sự có hiệu quả để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” như khẩu hiệu mà chúng ta đã nêu.

Để cho những người dân bình thường, không có quyền lực, thực hiện được quyền lực của mình, chúng ta chỉ có thể thực hành mọi điều một cách dân chủ, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật.

MỚI - NÓNG